XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI LÀ TẤT YẾU LỊCH SỬ (hết)

XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

LÀ ĐÒI HỎI TẤT YẾU TRONG THỜI KỲ MỚI

Từ ba vấn đề cơ bản mang tính khách quan nêu trên, cùng với tính chủ quan, nội tại của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay cho thấy, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là đòi hỏi tất yếu trong thời kỳ mới. Sự thành công của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cùng sự thất bại của những sự đơm đặt, dựng chuyện và xuyên tạc về vấn đề này là tất yếu như nhau.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng Cộng sản Việt Nam coi việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Ở đó, cùng với xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định là có cả yêu cầu về tính thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên; hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”; tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức.

Việc thành lập và tổ chức Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước là Trưởng ban Chỉ đạo thể hiện rõ tính tất yếu của nhiệm vụ này trên những vấn đề sau:

Thứ nhất, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN với tầm nhìn dài hạn, không chỉ đến 2030 mà tới năm 2045 – năm nhân dân cả nước kỷ niệm 100 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn lịch sử, khai sinh ra Nhà nước dân chủ kiểu mới trên đất nước chúng ta. Vì thế, Chiến lược được kỳ vọng sẽ không chỉ kế thừa những chủ trương, thành tựu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian qua ở Việt Nam mà còn bổ sung những chủ trương, định hướng, giải pháp mới, trong đó có cả những giải pháp mang tính đột phá, xứng tầm về việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Thứ hai, trình độ phát triển kinh tế đòi hỏi phải bổ sung, hoàn thiện hơn nữa Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo và khởi xướng, cùng sự phấn đấu, nỗ lực gian khổ, không mệt mỏi của nhân dân ta và cả hệ thống chính trị, chưa bao giờ đời sống nhân dân ta, diện mạo và tiềm lực của đất nước ta đạt được tầm mức như ngày nay. Từ một nền kinh tế có quy mô chỉ khoảng 20 tỷ USD ở những năm đầu của đổi mới, đến năm 2021 quy mô nền kinh tế Việt Nam theo cách tính mới đã đạt khoảng 352 tỷ USD, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.600 USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 ở mức trên 658 tỷ USD. Việt Nam thực sự đã trở thành nền kinh tế có vị thế trong ASEAN và là đối tác thương mại quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với đó, chưa bao giờ trình độ dân trí, hiểu biết của nhân dân ta về thực trạng đất nước, về thế giới, cũng như những hiểu biết về đời sống chính trị, luật pháp cùng khát vọng phát triển lại cao như hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng, như một quy luật tất yếu, người dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng có những đòi hỏi cao và đa dạng về chất lượng dịch vụ công, dịch vụ hành chính công do Nhà nước cung cấp, bảo đảm, trước hết từ những chính sách và pháp luật của nền pháp quyền XHCN tạo ra.

Thứ ba, sự hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi Việt Nam phải bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng chặt chẽ, phù hợp, giữ vững định hướng XHCN. Quá trình hội nhập quốc tế đang đòi hỏi Nhà nước phải làm tốt việc tiếp tục duy trì môi trường hòa bình, ổn định và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, dân tộc ta trong tiến trình đổi mới, phát triển. Độ mở của nền kinh tế, với áp lực cạnh tranh từ người lao động, sản phẩm, doanh nghiệp, đang đặt ra yêu cầu nâng cao một cách thực chất hơn nữa chất lượng quản trị công của Việt Nam; đòi hỏi Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải liên tục cải cách, đổi mới theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ, nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ công, hành chính công, tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Cùng với đó là phải có những khung khổ pháp lý đáp ứng, đón trước, ngăn ngừa, xử lý hiệu quả các cuộc kiện tụng trong nước và quốc tế ngoài mong muốn như đã từng xảy ra.

Thứ tư, nhiều thành tựu của khoa học công nghệ, của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được áp dụng vào đời sống pháp lý, cũng như đòi hỏi phải đổi mới hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Từ khi thực hiện sự nghiệp đổi mới, nhất là khi đất nước bước vào thế kỷ XXI, Việt Nam đã rất coi trọng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các thành tựu của khoa học – công nghệ hiện đại cho quá trình triển khai và tổ chức thực thi pháp luật XHCN của mình. Hàng loạt những công trình khoa học nghiên cứu về pháp luật, về Hiến pháp, về tổ chức và thực hiện sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước đã được ứng dụng vào đời sống chính trị – pháp lý ở Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây vừa là cơ sở khoa học vừa là những đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để ứng dụng nhanh, hiệu quả những thành tựu khoa học vào đời sống pháp lý ở nước ta.

Những đòi hỏi tất yếu của Việt Nam, cùng với sự luận giải về lý luận và thực tiễn đã trình bày ở trên cho thấy, việc thành lập và tổ chức Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, của Nhà nước Việt Nam là một công việc hiển nhiên; không chỉ chứng minh tính chất cách mạng, khoa học, tiến bộ của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, mà còn khẳng định chính Việt Nam đã góp phần làm sáng rõ hơn lý luận, thực tiễn và bản chất của Nhà nước pháp quyền trong thế giới ngày nay. Việc lợi dụng sự kiện chính trị pháp lý ở Việt Nam, cũng như áp đặt tư tưởng và luật pháp tư sản vào Việt Nam luôn là chủ trương, hành động nhất quán của giới chính trị tư sản, cùng những kẻ thâm thù với chế độ, nhà nước XHCN ở Việt Nam. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, không để mắc mưu các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và công cuộc hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.