Bản lĩnh và niềm tin hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế, nhất và hội nhập WTO, TPP là chúng ta đã tham gia vào một không gian kinh tế – thương mại ngày càng rộng mở, được quản lý và vận hành theo chuẩn mực quốc tế. Sự tham gia của chúng ta vào không gian kinh tế đó cả về nội dung, hình thức lẫn lực lượng, phương tiện… như thế nào đang đặt ra cho lý luận phải giải đáp trong khi sự hiểu biết, kinh nghiệm của chúng ta về vấn đề này chưa nhiều; hành lang pháp lý bảo đảm cho sự phát triển của không gian đó trong lãnh thổ Việt Nam còn đang trong quá trình hoàn thiện; những tập quán, thói quen của một nền sản xuất đang phát triển nhưng ở một trình độ thấp còn khá phổ biến… Song, chúng ta không sợ, không tự ty, nản chí. Yêu cầu xuyên suốt của chúng ta trong hội nhập quốc tế là phải tận dụng mọi cơ hội và thuận lợi, biến những cơ hội, thuận lợi thành thế và lực, tạo ra sức mạnh trong cạnh tranh, hợp tác, đẩy lùi khó khăn, thách thức để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững. Đáp ứng với yêu cầu đó, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng toàn diện đội ngũ cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ làm kinh tế đối ngoại, nhất là trang bị kiến thức ngoại ngữ, pháp luật và kinh tế… Khuyến khích và có chế độ, chính sách tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu thuộc mọi thành phần kinh tế trong phong trào tự học. Chú trọng việc học tập, nghiên cứu lý luận, trọng tâm là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu, học tập có chọn lọc kinh nghiệm của các nước đã vào WTO và các tổ chức quốc tế khác trước ta với tăng cường nghiên cứu triển khai, tổng kết thực tiễn trong nước, kịp thời làm sáng tỏ những vấn đề nảy sinh từ chính quá trình hội nhập. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý kinh tế – xã hội cho phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của yếu tố thị trường trong nền kinh tế đất nước để phát huy thế mạnh và hạn chế tiêu cực của nó. Xây dựng để hình thành mạng lưới thông tin kinh tế rộng khắp, chính xác phục vụ cho việc nghiên cứu, tính toán, dự báo để hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển, đặc biệt là ngăn ngừa những tác động xấu, tiêu cực của tình hình thế giới, khu vực đối với nền kinh tế đất nước.

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm và bản thân nền kinh tế khi phát triển đã tạo ra sức mạnh để bảo vệ đất nước. Nhưng như thế không có nghĩa là coi nhẹ, hạ thấp nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế nói riêng là mở rộng không gian kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho đất nước. Một không gian kinh tế, văn hóa, xã hội… được mở rộng sẽ là sự rộng mở trong quan hệ giữa nước ta với các nước và vùng lãnh thổ không chỉ thuần tuý về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận lợi cho sự mở rộng các mối quan hệ không chính thức kể cả mối quan hệ không chỉ vì lợi ích kinh tế mà các lợi ích khác của quốc gia – dân tộc. Thực tiễn cách mạng nước ta những năm mở cửa, hội nhập quốc tế đã cho thấy rằng, quá trình mở cửa, hội nhập bên cạnh việc đất nước có thêm những người bạn mới chân thành thì đồng thời cũng buộc chúng ta phải tiếp nhận những đối tác đến với chúng ta không vì thiện chí. Xu hướng chung của thế giới ngày nay là hoà bình, hợp tác và phát triển nhưng các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ mưu đồ xoá bỏ chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng  đối với cách mạng Việt Nam. Cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp vẫn đang diễn ra quyết liệt, gay go, phức tạp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước tất yếu đặt ra cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những yêu cầu nặng nề hơn, phức tạp hơn và không cho phép chúng ta một chút lơ là mất cảnh giác cách mạng, nhất là các lực lượng trực tiếp tham gia quá trình hội nhập.

V.I.Lênin đã từng nói rằng: Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị thật sự khi nó biết tự bảo vệ. Cuộc cách mạng của nhân dân ta vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chỉ có thể ngày càng phát triển thắng lợi khi tư duy về bảo vệ Tổ quốc của Đảng trở thành ý thức thường trực trong mỗi người dân, người chiến sỹ để bất luận trong mọi điều kiện, hoàn cảnh đất nước cũng có đủ sức mạnh ngăn đe, tự bảo vệ; mỗi tổ chức, cá nhân, đặc biệt là với các chủ thể của nền kinh tế đất nước, có đủ sức đề kháng, miễn dịch trước mọi loại bệnh tật để có thể chuyển hoạ thành phúc, rủi thành may. Quy luật xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp trong dựng và giữ nước được hình thành từ ngàn xưa, được vận dụng sáng tạo trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nay cần được phát huy mạnh mẽ. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hoà hiếu, người Việt Nam ta vốn có lòng hiếu khách, chúng ta rộng mở lòng mình với bạn bè nhưng cũng kiên quyết đấu tranh, loại bỏ những “mầm hoạ” đe doạ sự nghiệp cách mạng của nước ta, phá hoại công cuộc lao động xây dựng hoà bình của nhân dân, phủ nhận các thành quả cách mạng mà bao thế hệ người Việt Nam đã phải hy sinh xương máu mới giành được.

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy, khi nào nhân tâm phân tán, trên không thuận, dưới không hoà thì đây sẽ là cơ hội ngàn vàng cho thù trong trỗi dậy và giặc ngoài lấn tới, cố kết với nhau làm cho vận mệnh non sông xã tắc sẽ khó bề giữ được. Phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với quốc phòng và an ninh trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, được thể hiện ở các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của cả nước cũng như của các ngành, các địa phương; trong các chương trình, dự án hợp tác, các hợp đồng làm ăn… Hình thành cơ chế phối hợp kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động, trước hết là các hoạt động kinh tế và kinh tế đối ngoại.

Nếu kinh tế là nền tảng vật chất của một nước, thì văn hoá, với hệ tư tưởng là cốt lõi, lại là nền tảng tinh thần của đất nước đó. Văn hóa là hồn dân tộc, là nền tảng tinh thần xã hội, cái tạo nên bản sắc của một dân tộc và phẩm cách của mỗi con người. Mất văn hoá là mất tất cả. Trong điều kiện hội nhập, toàn cầu hoá diễn ra nhanh chóng hiện nay, thì sự trao đổi về kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến sự giao thoa về văn hoá; con đường hội nhập về kinh tế cũng là con đường hội nhập các giá trị văn hoá giữa dân tộc ta với các dân tộc trên thế giới.

Chính vì vậy, để giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta cần phải theo sát mỗi bước đi của đất nước để đẩy mạnh “cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng – văn hoá” với những nội dung, hình thức, bước đi và cách làm phù hợp nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Trong đó, hết sức chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tập trung xây dựng hệ thống giá trị văn hoá chính trị, đạo đức, kinh tế, thẩm mỹ, ứng xử… cho người lao động Việt Nam thấm nhuần thế giới quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hoá văn minh nhân loại. Chủ động tích cực đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và loại trừ các giá trị văn hoá xa lạ với dân tộc và con người Việt Nam; những tàn dư tiêu cực, lạc hậu của văn hoá tiểu nông… để văn hoá thật sự là động lực tinh thần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Khi vận nước đang ngàn cân treo sợi tóc, Bác Hồ đã có một câu nói nổi tiếng đã trở thành phương châm hành động không chỉ cho thời đó mà còn là phương châm hành động dẫn dân tộc ta đi tới thắng lợi như ngày nay: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Giờ đây, qua 30 năm đổi mới, vận nước đang lên, nhưng khó khăn vẫn đang còn chồng chất, thời cơ và thuận lợi vẫn đang đan xen với nguy cơ, thách thức. Độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa vẫn là cái bất biến, là nguyên tắc, là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng nước ta. Trên nền cái bất biến đó, chúng ta kế thừa kinh nghiệm lịch sử của cha ông, của nhân loại để tạo ra cái vạn biến, đề ra sách lược mềm dẻo, các giải pháp tình thế linh hoạt cho các vấn đề mà cuộc sống, hội nhập đặt ra, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng trước hết là trách nhiệm của cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp, với lực lượng nòng cốt là công an và quân đội./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

One thought on “Bản lĩnh và niềm tin hội nhập quốc tế

  • 5 Tháng Chín, 2016 at 6:27 sáng
    Permalink

    Về thực chất, hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh để thực hiện lợi ích quốc gia, dân tộc trong các mối quan hệ nhiều mặt đa dạng, song phương, đa phương với các chủ thể khác nhau trong cộng đồng quốc tế. Hội nhập quốc tế là toàn diện trên mọi lĩnh vực, theo một chiến lược tổng thể nhưng mức độ và lộ trình hội nhập trong từng lĩnh vực phải phù hợp với năng lực của đất nước trong lĩnh vực đó./.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.