Bổn cũ soạn lại của Thanh Ngọc
Lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận để bóp méo, thổi phồng, xuyên tạc, chống phá quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước là một trong những chiêu trò thường xuyên được áp dụng của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị. Bài viết: “Chính quyền có thể bỏ tù Báo sạch, nhưng không thể ngăn cản người dân biểu đạt lương tâm” (Nếu ai đó vì thực hành quyền tự do biểu đạt mà bị bỏ tù, bạn hãy vinh danh họ) đăng trên luatkhoa.org của Thanh Ngọc là một ví dụ điển hình.
Mới đây, TAND huyện Thới Lai (Cần Thơ) tuyên phạt các bị cáo là thành viên nhóm “Báo Sạch” tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” Thanh Ngọc đã xuyên tạc khi cho rằng: “Bản án này là một sự sỉ nhục không chỉ với 5 người bị kết án mà còn với tất cả những ai ủng hộ chính quyền này” hay “Báo sạch chắc chắn là nỗi khiếp sợ của những quan chức nhà nước” và “Khi quan chức sai phạm, bạn không được phép chỉ trách, phản đối mà chỉ được góp ý, sử dụng câu chữ nhẹ nhàng”… rồi quy kết cho rằng: “Chính quyền Việt Nam làm thui chột lương tâm của chúng ta bằng cách đe dọa, trấn áp, bịt miệng những ai dám lên tiếng trì trích nhà nước”… Từ đó, kích động, lôi kéo người dân bằng những mĩ từ như: “Tự do biểu đạt là quyền thể hiện lương tâm con người”, “ Bạn không cần phải đứng ra lập một tờ báo, bạn có thể chọn trở thành độc giả của những tờ báo độc lập… nếu bạn không thể chia sẻ công khai, hãy chia sẻ hoặc kể bài viết đó cho người thân của mình” rồi “Ủng hộ báo chí độc lập, thực hành quyền tự do biểu đạt là con đường duy nhất để xây dựng một xã hội đáng sống”…
Thực tiễn, hoàn toàn không phải như vậy. Bởi các cơ quan chức năng của Nhà nước xét xử công khai và tuyên án 5 đối tượng thuộc nhóm Báo Sạch là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong vụ việc này, TAND huyện Thới Lai (Cần Thơ) đã tuyên phạt các bị cáo là thành viên nhóm “Báo Sạch” theo khoản 2, Điều 331 Bộ Luật Hình sự. Quá trình xét xử, tranh tụng công khai, dân chủ. Chính các luật sư cũng cho rằng, việc truy tố các bị cáo là không oan sai vì có nhiều bài viết đã xâm phạm đến các cá nhân, tổ chức. Các bị cáo cũng đã nhận tội và tỏ ra ăn năn, hối cải. Mặt khác, cũng cần phải nói thêm rằng, tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam được bảo đảm theo đúng pháp luật quốc tế và Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Ở Việt Nam, không có cái gọi là nhà báo độc lập, nhà báo công dân như lập luận của một số tổ chức thiếu thiện chí. Còn xét về luật pháp quốc tế, theo những giá trị phổ quát nhất, tự do báo chí luôn mang tính lịch sử, cụ thể gắn với hoàn cảnh phát triển, văn hóa của mỗi quốc gia; không thể có tự do báo chí vô hạn độ đến mức có thể xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm hại nhân phẩm, danh dự của người khác.
Trên thực tế, những thành tựu mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước là những bằng chứng không thể phủ nhận cho các nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm thực thi quyền con người. Việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người luôn được Ðảng, Nhà nước ta thể chế hóa cũng như thực thi nghiêm túc trong thực tiễn, đồng thời đều tuân thủ theo những cam kết, nghĩa vụ trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như các cơ chế nhân quyền quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia điển hình trong tiến trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, tiếp tục triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững. Có thể khẳng định, những sai phạm của nhóm Báo Sạch đã được các cơ quan pháp luật xử lý đúng người, đúng tội thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, không như những luận điệu xuyên tạc của Thanh Ngọc.
Như vậy, luận điệu bổn cũ soạn lại của Thanh Ngọc không có gì khác hơn lợi dụng vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Với lẽ đó, chúng ta cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại luận điệu xuyên tạc này của Thanh Ngọc và các thế lực thù địch./.