Bổn cũ soạn lại và sự vu khống trắng trợn của phóng viên đài VOA về tự do báo chí ở Việt Nam
Mới đây, trên Voatiengviet đã đưa ra luận điệu xuyên tạc, vu khống về tự do báo chí ở Việt Nam, cho rằng: Việt Nam trở thành ‘nhà tù’ lớn thứ ba thế giới đối với tự do báo chí và ra sức kích động các tổ chức báo chí quốc tế cần có hành động đối với Việt Nam. Đây thực chất là “bổn cũ soạn lại” của phóng viên đài VOA cố tình phớt lờ thực tế khách quan không thể phủ nhận quyền tự do báo chí ở nước ta, hòng “làm nóng”, tạo sóng dư luận, lôi kéo các tổ chức, cơ quan báo chí trong và ngoài nước, các tầng lớp nhân dân chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và pháp luật Nhà nước Việt Nam.
Vậy, Nhà nước Việt Nam có vi phạm tự do báo chí hay không, chắc hẳn chúng ta đều biết:
1. Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền cơ bản của con người đã được Đảng, Nhà nước ta cam kết thực hiện theo những nguyên tắc chung của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền và được hiến định trong hiến pháp, pháp luật của Việt Nam. Điều 25 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin… Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Ngoài ra, Luật Báo chí (sửa đổi 2016) và Luật Tiếp cận thông tin (2016) còn nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân.
Có thể thấy, Luật Báo chí (2016) và Luật Tiếp cận thông tin (2016) hoàn toàn phù hợp về mặt luật định đối với các văn kiện quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Đáng tiếc, nhóm phóng viên đài VOA đã cố tình không biết đến những văn bản luật về báo chí đã được thực hiện nhiều năm ở Việt Nam mà còn ngang nhiên vu khống trắng trợn bằng cách viện dẫn nhân chứng (những đối tượng có hoạt động lợi dụng vấn đề tự do báo chí, ngôn luận để có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam đã bị điều tra xét xử) như Phạm Đoan Trang, Lê Trọng Hùng, Phạm Chí Dũng… mà họ gọi là các “nhà báo độc lập”, “nhà báo công dân”, “nhà báo tự do”… đang chịu hình phạt tù để đổ tội cho Nhà nước đã bắt bớ và cầm tù họ. Chắc hẳn phóng viên đài VOA cũng đã biết, phóng viên cũng là một công dân, nếu đã là một công dân thì phải chấp hành pháp luật của quốc gia đó. Không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới cũng vậy, điển hình như ở Pháp, Anh… họ đều có quy định với tất cả bài phát biểu miệng hay đăng báo với mục đích làm mất tín nhiệm hoặc kích động chống lại chính quyền, chính phủ, hiến pháp, kích động sự hận thù giữa các giai cấp của các công dân đó đều bị coi là vi phạm pháp luật.
2. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của báo chí. Hiện nay Việt Nam có khoảng trên 41.000 người đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh-truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Trong khi đó, sóng của các cơ quan truyền thông quốc tế lớn như CNN, BBC, TV5, NHK, Australia Network, KBS, Bloomberg… đều được tiếp cận dễ dàng tại Việt Nam.
Những năm qua, báo chí ở Việt Nam đã thể hiện được quyền tự do ngôn luận và đều được quyền thông tin. Báo chí đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; luôn tích cực đấu tranh với các biểu hiện sai trái, tiêu cực trong xã hội, góp tiếng nói quan trọng vào việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời là cầu nối quan trọng với bạn bè quốc tế.
Những luận điệu vu khống trắng trợn của nhóm phóng viên VOA cho thấy, họ đang dùng thủ đoạn cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, kích động dư luận chống đối Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chính họ và đài VOA đang đi ngược lại tôn chỉ hoạt động của báo chí./.