Cần hiểu đúng bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Ngày 05/01/2017, trên mạng xã hội (VOA) có đưa ra cái gọi là “pháp quyền hay chuyên quyền” của Nguyễn Tiến Trung. Đọc bài viết cho thấy, Nguyễn Tiến Trung không hiểu gì về nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Xin có vài lời trao đổi.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn xác định mục tiêu cao nhất là vì con người; mọi quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các cơ quan nhà nước do mình trực tiếp bầu ra; nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật và thể hiện địa vị tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội; ở đó các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là thống nhất và có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền đó; nhà nước do một đảng duy nhất lãnh đạo – Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước ngay từ khi ra đời đến nay, đó là sự lựa chọn khách quan của lịch sử: do nhân dân ta lựa chọn từ chính những trải nghiệm trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng ở nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động. Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhưng không bao biện, làm thay công việc của Nhà nước, thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”. Nhiệm vụ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân và Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực tiễn đã chứng minh, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có sự phát triển trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy ở mọi cấp, mọi ngành. Dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được mở rộng, vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quốc hội đã có nhiều đổi mới quan trọng, tập trung vào thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và quyền giám sát tối cao, thể hiện rất rõ ở cách thức Quốc hội lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và ban hành pháp luật. Thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp, nhân dân được tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cơ cấu và hoạt động của bộ máy hành pháp, tư pháp được phân định ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn và có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội ngày càng có hiệu quả thông qua các cuộc vận động xã hội đầy ý nghĩa, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mặt khác, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện các chức năng giám sát của Quốc hội; phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao năng lực của đại biểu Quốc hội; tăng cường mối quan hệ hai chiều giữa Quốc hội với nhân dân. Các cuộc bầu cử dân chủ là hoạt động tiêu biểu quan trọng nhất trong các hoạt động dân chủ trực tiếp của nhân dân. Thông qua bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện đúng với bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: mọi quyền lực thuộc về dân, do dân và vì dân.
Như vậy, bản chất của Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam khác với những gì mà Nguyễn Tiến Trung đã xuyên tạc khi cho rằng bản chất nhà nước pháp quyền không phát huy được dân chủ mà chỉ là chuyên quyền. Luận điệu đó mang đầy tính hằn học, phản động của Nguyễn Tiến Trung, chúng ta cần bác bỏ./.