Đúng là một trò hề chính trị
Hải Lan
Có lẽ khó có thể chọn từ nào chính xác hơn để nói về một sự kiện diễn ra thời gian qua, đó là việc Nguyễn Thế Quang và một nhóm người Việt đang sống ở Mỹ tuyên bố thành lập cái gọi là “Đảng Dân Chủ Việt” (gọi tắt là “Đảng Việt”) và phát tán bản “Hiến chương” gồm 11 chương, 45 điều nhằm tập hợp lực lượng trong và ngoài nước tham gia “Đảng Dân Chủ Việt”, đấu tranh đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam bằng phương thức đấu tranh “ bất bạo động”.
Quả thực phải đọc đi, đọc lại vài ba lượt bản “Hiến chương” mà người ta coi là rất “quan trọng” này, người đọc mới định thần và dần dần hiểu được các câu chữ trong bản “Hiến chương”, đồng thời mới hiểu ra rằng, đây là sản phẩm trí tuệ của một nhóm người Việt viết ra chứ không phải là của một nhóm người nước ngoài mới học Tiếng Việt, tập sự thể hiện vốn từ của mình trong một bài kiểm tra tiếng Việt dưới hình thức viết một bản Hiến chương
Điều cảm nhận đầu tiên của người đọc bản Hiến chương đó là sự bực mình, khi phải đọc từng chữ và cố suy ngẫm xem họ đang nói về cái gì, họ muốn diễn đạt điều gì, bởi vốn từ tiếng Việt của tác giả quá nghèo nàn, lạc hậu, đặc biệt là những thuật ngữ, khái niệm về chính trị – xã hội. Vì vậy, nhiều vấn đề rất hệ trọng của bản Hiến chương nhưng được trình bày lủng củng, tối nghĩa. Vì thế cảm giác bực mình còn ám ảnh người đọc rất lâu khi đọc xong bản Hiến chương. Thật là đáng tiếc cho tác giả của bản Hiến chương!
Điều cảm nhận thứ hai của người đọc, đó là tác giả của bản Hiến chương rất hạn chế về kiến thức chính trị – xã hội, trình độ lý luận chính trị, đặc biệt là những vấn đề về đảng chính trị, quyền lực chính trị, lãnh đạo chính trị… Vì thế, khi bàn đến lĩnh vực chính trị – xã hội, cần phải thể hiện trình độ trí tuệ, kiến thức sâu rộng về chính trị – xã hội thì tác giả của bản Hiến chương tỏ ra rất lúng túng, rất khó khăn trong việc đưa ra những quan điểm, luận điểm có tính chất cương lĩnh, tính chất tuyên ngôn về tên Đảng, Đảng kỳ, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, bản chất của Đảng, về hệ thống tổ chức của Đảng, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, về thành phần của Đảng, tiêu chuẩn đảng viên, nhiệm vụ, tư cách đảng viên… Điều này chứng tỏ, tác giả của bản Hiến chương rất thích làm chính trị, rất thích trở thành những nhà chính trị nổi tiếng, nhưng rất tiếc lại không biết làm chính trị, rất non nớt về chính trị.
Điều cảm nhận thứ ba của người đọc đó là, tác giả của bản Hiến chương rất căm ghét cộng sản, căm ghét Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tảc giả của bản Hiến chương, đồng thời cũng là những nhà sáng lập “Đảng Dân Chủ Việt” muốn xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với quyết tâm rất cao, khát vọng rất lớn.
Điều cảm nhận thứ tư của người đọc, đó là tính chất cẩu thả, luộm thuộm về kết cấu, bố cục của bản Hiến chương, sự hạn chế về phương pháp trình bày; diễn đạt dông dài, lòng vòng, kể lể dài dòng, văn phong thiếu trong sáng, còn quá nhiều lỗi diễn đạt, lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật in ấn. Chứng tỏ bản Hiến chương chưa được chuẩn bị một cách công phu và nghiêm túc, chưa thể hiện được trí tuệ của những người cùng chung chí hướng, chưa được thảo luận kỹ trong nhóm “lãnh tụ” của Đảng, chưa tham khảo ý kiến của các những nhà khoa học, đặc biệt nhà khoa học thuộc chuyên ngành chính trị học, xã hội học tư sản, chưa có sự góp ý của những nhà chính trị – những người có kinh nghiệm hoạt động chính trị ở Mỹ và các nước tư bản phương Tây. Nếu xét về quy cách, hình thức, chất lượng bản Hiến chương của một Đảng chính trị thì không đạt yêu cầu. Điều này không phản ánh được tầm trí tuệ, trình độ “văn minh” của Ban lãnh đạo “Đảng Dân Chủ Việt”.
Điều cảm nhận thứ năm của người đọc, đó là sự nghi ngờ về tính khả thi của “Đảng Dân Chủ Việt”. Với một Hiến chương như trình bày ở trên, người đọc khó có thể đặt lòng tin vào Ban lãnh đạo của “Đảng Dân Chủ Việt”, vào sự phát triển của “Đảng Dân Chủ Việt”. Người đọc có cảm giác “Đảng Dân Chủ Việt” giống như một câu lạc bộ của những người Việt đang sinh sống ở các nước trên thế giới có cùng tư tưởng chống cộng, thù địch với Đảng Cộng sản Việt Nam, với chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, có nguyện vọng xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam kết nối với nhau trên mạng internet, thông qua việc các đảng viên lập Facebook, thông qua Facebook để tìm tuyển thành viên của Đảng, tuyền truyền, chia sẻ thông tin, phối hợp hành động. Đọc nội dung Chương 2: Thành viên. Chương 3: Nhân sự Đảng bộ Trung ương và đảng bộ địa phương. Chương 4: Ban điều hành, nhiệm kỳ, bầu cử. Chương 5: Ban Nghiên cứu. Chương 6: Ban Điều hành. Chương 7: Ban Điều giải. Chương 8: Hội đồng cố vấn. Chương 9; Đảng bộ Trung ương, Ban lãnh đạo Trung ương, Chủ tịch ban điều hành Trung ương, cho thấy cơ cấu bộ máy tổ chức, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của “Đảng Dân Chủ Việt” hết sức lỏng lẻo, hời hợt, có tính chất “hội” chứ không phải của Đảng chính trị. Đặc biệt Chương 11 của bản Hiến chương còn công khai khẳng định: “Đảng viên Dân Chủ Việt tự nguyện chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra đến bản thân vì nỗ lực đấu tranh bất bạo động của mình và biết rõ rằng Đảng Dân Chủ Việt không chịu trách nhiệm về bất cứ rủi ro nào có thể xảy đến với đảng viên của mình. Vậy nên, bất cứ khi nào thấy nguy hiểm hay thấy bất an thì xin rời khỏi nhóm (leave group). Khi nào không thấy nguy hiểm nữa hay lại thấy bình an thanh thản thì lại xin trở lại”.
Một Đảng chính trị mà không dám chịu trách nhiệm về rủi ro của đảng viên liệu có xứng đáng là lãnh tụ của người Việt yêu dân chủ trên thế giới không? Và như vậy, đảng viên có cần phải hy sinh phấn đấu cho Đảng không? Đảng viên mà lúc bình an, thanh thản thì xin vào Đảng, lúc bất an, nguy cơ rủi ro thì tự nguyện ra khỏi Đảng, vậy đây là Đảng chính trị hay là một tổ chức ô hợp của những kẻ non gan, hèn nhát ? Một Đảng như vậy, làm sao mà có thể tồn tại và phát triển. Chỉ có những người ngây thơ, nhẹ dạ, cả tin, ham vui mới gia nhập cái gọi là “Đảng Dân Chủ Việt” với tính chất của một câu lạc bộ xóm mà thôi.
Điều cảm nhận thứ sáu của người đọc đó là sự hài hước. Đúng là tác giả của bản Hiến chương là những người có tính hài hước cao, chỉ có điều đó là sự hài hước về chính trị, vì thế bản Hiến chương và cái gọi là “Đảng Dân Chủ Việt” đúng là một trò hề chính trị, mà tác giả kịch bản, đạo diễn là những nghệ sĩ tồi./.
Cám ơn Hải Lan cho tôi biết thêm về cái “Đảng Dân Chủ Việt” nầy. Họ đang diễn trò xúi bẩy lung tung. Không thèm đọc đến những bài họ viết làm gì cho mệt phải không bạn.