Hãy cảnh giác với luận điệu xuyên tạc của Phạm Đình Trọng
Gần đây, trên Danlambao có đăng bài viết: “Vạn niên là vạn niên nào” của tác giả Phạm Đình Trọng, Y đã mượn câu thơ này để xuyên tạc, bóp méo tình hình chính trị của Việt Nam. Đây là một trong những thủ đoạn cũ rích của những phần tử cơ hội chính trị.
Trong bài viết, Phạm Đình Trọng đã “bới lông tìm viết”, xuyên tạc nhiều vấn đề trong đời sống chính trị của Việt Nam. Thực chất, Y cố tình bóp méo sự thực, bằng cách so sánh các vấn đề một cách khập khiễng để đánh lừa người đọc bằng những lời bình vu cáo khiên cưỡng, với mưu mô đen tối và tráo trở, độc địa.
Thứ nhất, theo Phạm Đình Trọng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là “thắng lợi không trọn vẹn, là nguyên nhân gây nên cuộc nội chiến Bắc – Nam kéo dài 20 năm”. Nhân dân Việt Nam và cả thế giới đều biết, sau khi giành được chính quyền và xây dựng nhà nước non trẻ đầu tiên ở Đông Nam Á chưa đầy một tháng (ngày 23/9/1945), thực dân Pháp đã dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, quyết tâm biến Việt Nam thành thuộc địa của chúng. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, quân và dân ta đã đập tan ách đô hộ của thực dân Pháp, bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Nhưng, ngay sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đế quốc Mỹ đã trở mặt phá hoại cam kết của Hiệp định, để chia cắt đất nước Việt Nam. Chính Tổng thống Mỹ khi đó là Eisenhower đã tuyên bố: “Hoa Kỳ không tham dự vào những quyết định của Hội nghị Geneve và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy” và thượng nghị sĩ John F. Kennedy (sau là Tổng thống Mỹ) cũng tuyên bố: “Nếu chúng ta không phải là cha mẹ của nước Việt Nam bé nhỏ (chỉ Việt Nam Cộng hòa) thì chắc chắn chúng ta cũng là cha mẹ đỡ đầu của nó. Chúng ta là chủ tọa khi nó ra đời, chúng ta viện trợ để nó sống, chúng ta giúp định hình tương lai của nó. Đó là con đẻ của chúng ta – chúng ta không thể bỏ rơi nó, chúng ta không thể không biết tới những nhu cầu của nó”. Với quyết tâm thay thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, hòng chia cắt hai miền Nam – Bắc, biến Miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ ở Đông Nam Á. Ngày 08/3/1965 Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, bắt đầu một cuộc chiến xâm lược Việt Nam, buộc dân tộc Việt Nam một lần nữa phải đứng lên đấu tranh chống đế quốc xâm lược, cuộc chiến đấu này kéo dài suốt 20 năm với bao nhiêu mất mát, hy sinh mà cho đến nay hậu quả do chiến tranh để lại vẫn hiện hữu trên khắp đất nước Việt Nam.
Để minh chứng cho những lời lẽ xuyên tạc, vu khống và bóp méo sự thực của Phạm Đình Trọng về cái gọi là “thắng lợi không trọn vẹn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để rồi cắt đôi nước Việt Nam thành hai trận tuyến đối kháng, thành hai thế lực thù địch và tạo ra thảm họa nội chiến Nam – Bắc kéo dài suốt 20 năm”. Tôi xin trích một số đoạn trong cuốn hồi ký của Tổng thống Richard Nixon với tựa đề “No More Vietnam” (Không có thêm Việt Nam), cuốn hồi ký này được viết sau 10 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam. Theo Nixon: “Sự kết thúc quyền bá chủ của Nhật tạo cơ hội cho thực dân Pháp trở lại Đông Dương dẫn đến cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Cuộc kháng chiến kéo dài 9 năm kết thúc bằng thất bại của Pháp”. Ông cũng tiết lộ, chính Ông đã khuyên Tổng thống Eisenhower hỗ trợ Pháp chống Việt Minh (lúc đó Nixon là Phó Tổng thống) “Lựa chọn của chúng ta là giúp người Pháp ngay bây giờ hoặc phải tiếp quản gánh nặng mà họ để lại”. Và cuối cùng ông thừa nhận, “Thất bại ở Việt Nam đã làm hoen ố lý tưởng của chúng ta, làm suy yếu tinh thần và ý chí”.
Thứ hai, Phạm Đình Trọng cho rằng “nhà nước Việt Nam ứng xử với người dân, với những tiếng nói khẩn thiết và chính đáng đòi dân chủ, đòi quyền làm người bằng bạo lực, bằng những điều luật độc tài 79; 88; 258”
Đây là luận điệu vu khống, xuyên tạc tình hình dân chủ ở Việt Nam. Bởi vì, Việt Nam luôn đặt nguyên tắc thượng tôn pháp luật lên hàng đầu, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bất kể người đó là ai, giữ chức vụ gì nếu vi phạm đều bị xử lý theo đúng pháp luật. Những điều 79, 88, 258 là những điều nằm trong Bộ Luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nói về các tội danh: hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79); tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (điều 88); tội lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân (điều 258). Không chỉ ở Việt Nam, mà tất cả các quốc gia có chủ quyền trên thế giới, đều có những điều luật rất nghiêm minh, để xử lý mọi hành vi chống phá chế độ, kích động lật đổ chính quyền, chống lại cơ quan thi hành pháp luật, …
Tóm lại, nội dung bài viết của Phạm Đình Trọng là cố tình xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nói xấu Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội. Những giọng điệu mà Phạm Đình Trọng đưa ra trong bài viết của y rất dễ gây nên sự ngộ nhận, mơ hồ, hoài nghi, tạo ra sự dao động về tư tưởng trong nhân dân, do vậy chúng ta phải hết sức cảnh giác, kiên quyết đấu tranh và bác bỏ./.
chúng ta phải hết sức cảnh giác, kiên quyết đấu tranh và bác bỏ
Xuyên tạc tình hình chính trị ở Việt Nam, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tội ác, là hành vi vi phạm pháp luật; cản trở con đường tương lai của dân tộc Việt Nam. Những luận điệu của Phạm Đình Trọng đáng bị lên án và trừng trị.