Khép mình, đóng cửa, sợ hội nhập quốc tế là cản trở sự đổi mới, phát triển đất nước

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, và hiện nay, chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện để tham gia Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP),  đặc biệt là sau sự kiện Formosa phá hoại môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, có người vô tình hay hữu ý đã vội cho rằng, Đảng, Nhà nước ta đang “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về giày mả tổ”, v.v.. Bởi theo họ, mở cửa, hội nhập là vô cùng nguy hiểm, Việt Nam chưa đủ điều kiện hội nhập. Khi mở cửa, đón cái tốt vào thì theo đuôi nó, cái xấu cũng theo vào, nó sẽ phá chủ nghĩa xã hội, nhất là chiến lược “diễn biến hòa bình” sẽ có điều kiện sinh sôi, nảy nở; sẽ thúc đẩy “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta. Đứng trước dư luận trái chiều đó, Đảng ta đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, nhiều người đã nhận thức ra bản chất vấn đề và nhiệt thành ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế của Đảng ta. Thực tế chỉ ra rằng, sau 10 năm gia nhập WTO, gia nhập và tổ chức thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế của Diễn đàn hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC)…, chúng ta đã ghi hai cái mốc đánh dấu kết quả tất yếu của một quá trình lâu dài Việt Nam hội nhập vào cộng đồng thế giới theo đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển. Cả hai sự kiện đó khẳng định sự đúng đắn của Đảng ta trong chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã quan hệ với 13 đối tác chiến lược toàn diện, 10 đối tác toàn diện, đặt quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ… Thực tế đó một lần nữa chứng minh đường lối đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo.

Tuy nhiên, có người cho đến nay vẫn không nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và ý nghĩa của hội nhập quốc tế. Họ đã và đang giữ quan điểm “quá đề cao cảnh giác”, không hiểu ý nghĩa quan điểm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” của Đảng ta; thậm chí cho rằng, quan điểm của Đảng ta về đối tác, đối tượng và quan hệ, chuyển hóa giữa chúng là ngụy biện. Từ đó, xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng ta về hội nhập quốc tế, gây cản trở không nhỏ đối với việc triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Trái lại, có người lại cho rằng, Đảng, Nhà nước không nên cảnh giác với “diễn biến hòa bình” vì nêu lên quan điểm ấy, sợ phương Tây thì ai muốn vào, dám vào để hợp tác với Việt Nam. Cho nên “hãy vứt bỏ quan điểm”: đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, v.v.. Thực tế chỉ ra rằng, cả hai cách nhìn trên là hoàn toàn không đúng, thậm chí là sai lầm, đang cản trở công cuộc đổi mới ở nước ta. Ai cũng biết là trong thế giới đương đại, hợp tác, hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu khách quan. Chúng ta không thể đóng cửa “một mình một chợ”, “một mình một sân” mà phải hội nhập nhưng không đổi hướng, đổi mới nhưng không đổi màu. Xin ai đó hãy nhìn đời cho kỹ với tầm xa, dài, rộng quốc tế. Nếu cứ khư khư đóng cửa, giữ mình theo quan điểm cũ liệu chúng ta có được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như 30 năm đổi mới vừa qua hay không. Vấn đề là hội nhập quốc tế như thế nào để không tự đánh mất mình, không để lợi ích quốc gia – dân tộc bị xâm hại mới là quan trọng. Chúng tôi tin tưởng và khẳng định rằng, đường lối đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn. Nhờ có nó mà đất nước ta sẽ có thêm nguồn ngoại lực to lớn cho sự phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, với thắng lợi của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần tạo ra thuận lợi, thời cơ mới cho sự ổn định chính trị, phát triển văn hoá – xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu của chúng ta khi hội nhập quốc tế là thúc đẩy tăng trưởng thương mại và hàng hoá trên phạm vi toàn cầu; giải quyết các bất đồng, tranh chấp thương mại giữa các thành viên trong khuôn khổ của hệ thống thương mại đa phương; nâng cao mức sống và tạo công ăn việc làm cho người dân thông qua một loạt các nguyên tắc mang tính ràng buộc rất nghiêm ngặt… Có như vậy, chúng ta mới bán được sản phẩm hàng hóa, làm giàu cho nước ta. Đồng thời cũng cần nhận thức cho đúng rằng tham gia hội nhập quốc tế là Việt Nam đã tham gia vào một cuộc đấu thật sự, nhưng là cuộc đấu về trí, về mưu, về pháp và về lực để đưa đất nước phát triển trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Về mặt lý luận cũng như thực tiễn hơn 30 năm đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế và hơn 10 năm gia nhập WTO đã cho chúng ta thấy quá trình đó không hề xuôn xẻ mà luôn chứa đựng những mâu thuẫn đòi hỏi phải giải quyết. Mâu thuẫn lớn nhất, xuyên suốt quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là mâu thuẫn về lợi ích giữa Việt Nam với các quốc gia, dân tộc, giữa các tập đoàn kinh tế trong nước với nước ngoài, giữa các tập đoàn kinh tế nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và trong nội bộ từng tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế. Từ những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế, sẽ phát sinh những mâu thuẫn về xã hội mà cuộc cách mạng xã hội xã hội chủ nghĩa của chúng ta phải giải quyết. Việc giải quyết các mâu thuẫn đó thực sự là một quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh; lại vừa tìm kiếm, học hỏi để xây dựng những nhân tố mới, vừa bảo vệ, phát huy các thành quả, giá trị đã có và đấu tranh loại bỏ các vật cản trên bước đường hội nhập. Quá trình đó mới chỉ ở giai đoạn đầu, đang vận động rất phức tạp mà nếu muốn nó phát triển theo đúng hướng đã định thì yêu cầu đặt ra rất khắt khe là bất luận ở thời điểm nào, chúng ta vẫn phải bảo đảm được lợi ích của các đối tác nhưng lại vẫn bảo vệ được các lợi ích của mình, với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là lợi ích tối thượng.

Quá trình hội nhập nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng tuy góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống và tuổi thọ cho người dân… nhưng cũng chính quá trình đó cũng đã “góp phần” làm cho thực trạng xã hội còn tồn tại nhiều khó khăn, bức xúc. Chúng ta nhìn thấy rõ điều đó. Nếu chúng ta không kịp thời giải quyết thì những khó khăn, bức xúc đó sẽ trở thành mầm hoạ trong lòng chế độ, là cái cớ cho các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng, chuyển hoá thành nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của dân tộc và chế độ ta.

Điều đó đặt ra cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước phải kiên định với con đường xã hội chủ nghĩa, vững vàng trên lập trường chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước; giữ vững các nguyên tắc đổi mới trong quá trình hội nhập; tiếp tục phát triển lực lượng sản xuất trong khi vẫn phải củng cố vững chắc quan hệ sản xuất dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước của dân, do dân và vì dân; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá – xã hội, thực hiện công bằng xã hội; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức…

Mục tiêu trong đường lối kinh tế của chúng ta là phải xây dựng cho được nền kinh tế độc lập, tự chủ, bởi đây là một yêu cầu tất yếu, khách quan để nền kinh tế của chúng ta phát triển, giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó đúc rút những bài học kinh nghiệm phát huy hơn nữa khi chúng ta hội nhập sâu, rộng vào cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở huy động và sử dụng tối đa nguồn ngoại lực, chúng ta cần chú trọng khơi dậy và phát huy nguồn nội lực, trước hết là nguồn lực của con người Việt Nam có trí tuệ và bản lĩnh chính trị vững vàng; hiện thực hoá đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách, chiến lược và các ưu tiên phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước trong thực tiễn để nhanh chóng tạo ra tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể giữ vai trò chủ đạo; giải quyết tốt các mối quan hệ kinh tế trên cơ sở bảo đảm tôn trọng lợi ích kinh tế của tất cả các bên nhưng không được vi phạm nguyên tắc quan tâm và bảo đảm lợi ích của người lao động Việt Nam; kết hợp chặt chẽ kinh tế với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, với các giá trị xã hội và con người xã hội chủ nghĩa. Cho nên, trong bất luận điều kiện hoàn cảnh nào cũng vậy, hãy tự tin, tỉnh táo, chủ động tham gia hội nhập quốc tế. Đóng cửa, giữ mình, không muốn quan hệ với ai, không hiểu rõ xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là cản trở việc phát triển kinh tế xã hội, là vô tình chống lại quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta. Song, quá tự tin, mất cảnh giác, thiếu hiểu biết về đối tác đối tượng, muốn nhanh chóng làm giàu, làm giàu bằng bất cứ giá nào, để từ đó thu nhận những đối tác tiềm ẩn các nguy cơ phá hoại nền kinh tế nước ta, nhất là phá hoại môi trường… thì nhất thiết chúng ta không thể chấp nhận. Chúng ta không muốn hội nhập quốc tế, đón rước đối tác vào để phá hoại chúng ta. Đó là hai vấn đề khác nhau, song đều giống nhau ở chỗ: Hãy đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết để chủ động hội nhập quốc tế sau sự kiện Formosa…

Bình luận bằng tài khoản Facebook

2 thoughts on “Khép mình, đóng cửa, sợ hội nhập quốc tế là cản trở sự đổi mới, phát triển đất nước

  • 5 Tháng Chín, 2016 at 6:30 sáng
    Permalink

    Quốc tế hóa, toàn cầu hóa là xu thế phát triển khách quan của xã hội loài người và, suy cho cùng được quy định bởi sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất. Hội nhập quốc tế chính là sự ứng xử chủ quan của các quốc gia, dân tộc đối với xu thế khách quan đó. Nói cách khác, hội nhập quốc tế là một tiến trình chủ quan dựa trên nhận thức về các quy luật khách quan của sự phát triển xã hội. Hội nhập quốc tế là phương thức phát triển đất nước phù hợp với xu thế khách quan của thế giới và thời đại./.

    Reply
  • 5 Tháng Chín, 2016 at 5:09 chiều
    Permalink

    Trong lịch sử dân tộc, triều đình phong kiến Nhà Nguyễn đã phạm một sai lầm nghiêm trọng là thực hiện chính sách đối ngoại ” Bế quan tỏa cảng”, mà thực chất là ” khép mình, đóng cửa, sợ hội nhập”…làm cho đất nước suy vi, dân ta sống kiếp lầm than nô lệ. Ngày nay, mở cửa, hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu của nhân loại, đất nước ta đang hội nhập rất thành công. Song, đâu đó có người vô tình hay hữu ý đã vội cho rằng, Đảng, Nhà nước ta đang “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về giày mả tổ”, v.v.. Bởi theo họ, mở cửa, hội nhập là vô cùng nguy hiểm, Việt Nam chưa đủ điều kiện hội nhập. Khi mở cửa, đón cái tốt vào thì theo đuôi nó, cái xấu cũng theo vào, nó sẽ phá chủ nghĩa xã hội, nhất là chiến lược “diễn biến hòa bình” sẽ có điều kiện sinh sôi, nảy nở; sẽ thúc đẩy “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta…Đó là những lời lẽ phản động, trái với quy luật phát triển, làm cho đất nước đói nghèo, lạc hậu, biến Đảng ta thành tội đồ của lịch sử. Không! chúng ta không chấp nhận những lý lẽ phản động đó, chúng ta luôn tin theo Đảng, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.