Không thể phủ nhận tự do tôn giáo ở Việt Nam

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân luôn “Tốt đời, đẹp đạo”, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Mọi người dân Việt Nam hoàn toàn tự nguyện, tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào, không ai bị ép buộc, cấm đoán. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Việt Nam ngày càng phát triển. Đó là sự thực khách quan không thể phủ nhận được.

1. Quyền tự do tôn giáo Ở Việt Nam được khẳng định bằng luật pháp

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và tôn giáo. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Luôn luôn kiên trì chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) thông qua ngày 18-6-2004, Ðiều I quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng lẫn nhau”.

Ðiều 9 của Pháp lệnh cũng quy định: “Trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, người có tín ngưỡng, tín đồ có trách nhiệm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật”.

Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước thừa nhận, tôn trọng và bảo hộ. Các luận điệu cho rằng: Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách kỳ thị tôn giáo, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là thiếu khách quan, cố tình xuyên tạc thực tế, có mục đích xấu, cần phải lên án, bác bỏ.

2. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo trên thực tế

Hiện nay, nước ta có khoảng 30 triệu tín đồ, hơn 100.000 chức sắc, nhà tu hành và có 14 tôn giáo với 39 tổ chức tôn giáo đăng ký hoạt động và 26.000 cơ sở thờ tự, hàng chục cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, hàng chục nghìn cơ sở thờ tự, v.v. Hằng năm, có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức. Lễ hội các tôn giáo và các hoạt động tín ngưỡng dân gian trở thành ngày hội chung của toàn dân, lôi cuốn hàng vạn người tham gia; coi đó không chỉ là nhu cầu tâm linh của các tín đồ, mà còn là nhu cầu sinh hoạt văn hóa của toàn dân.

Nhu cầu chính đáng ấy được chính quyền các địa phương tạo điều kiện thuận lợi, làm cho tín đồ, chức sắc các tôn giáo yên tâm, phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào chính sách đối với tôn giáo của Ðảng và Nhà nước. Những cơ sở thờ tự của các tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm, cho phép tu bổ, sửa chữa và xây dựng mới. Nhiều cơ sở thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo trở thành danh thắng nổi tiếng, đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng.

Các tín đồ và chức sắc các tôn giáo đã và đang yên tâm hành đạo và tin tưởng ở chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo của Ðảng, Nhà nước ta. Họ gắn bó với quốc gia, dân tộc theo đường hướng: “Ðạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, thực hiện “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, “nước vinh, đạo sáng”, với tấm lòng “kính Chúa yêu nước”, vừa hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc, vừa làm tròn bổn phận của một tín đồ đối với tôn giáo. Hàng chục triệu tín đồ các tôn giáo khác nhau đã, đang và tiếp tục cùng nhau và cùng toàn dân tìm thấy sự tương đồng, mẫu số chung ở mục tiêu phấn đấu cho: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những chủ trương, chính sách và thành công trong việc thực hiện chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong những năm qua là lớn lao, không thể phủ nhận.

3. Không được lẫn lộn giữa tự do tôn giáo với hành vi phạm tội

 Tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, nhưng đồng thời cũng nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để phá hoại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống Đảng, Nhà nước, ngăn cản các tín đồ thực hiện nghĩa vụ công dân. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia – dân tộc. Nhà nước Việt Nam không cho phép bất kỳ tôn giáo nào đứng ngoài luật pháp, đứng trên lợi ích quốc gia – dân tộc.

Khi xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo phải thực sự trong sáng, vô tư, không có sự phân biệt hay đối xử thiên vị giữa các tôn giáo. Trong thời gian gần đây các thế lực thù địch đã tuyên truyền nhiều nội dung thiếu khách quan, thậm chí vu cáo, xuyên tạc trắng trợn tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Họ cho rằng, Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; đòi trả tự do cho những đối tượng là chức sắc tôn giáo vi phạm pháp luật; đòi trả lại đất đai cho các tôn giáo mà chính quyền đã quốc hữu hóa, v.v. Không chỉ thế, họ còn cổ súy cho các tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài, các phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, linh mục cực đoan quá khích,… nhằm chống Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời, chúng ra sức kích động chức sắc, tín đồ tôn giáo trong nước chống đối, gửi thư lên các tổ chức “dân chủ”, “nhân quyền” quốc tế đề nghị can thiệp, đòi Nhà nước Việt Nam trả tự do cho số đối tượng vi phạm pháp luật bị chính quyền xử lý. Cá biệt, một số đối tượng chức sắc cực đoan đã câu kết với các tổ chức phản động, các phần tử cơ hội chính trị,… để tuyên truyền, cổ súy tư tưởng đa nguyên, đa đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và đòi tư hữu hóa đất đai; kích động giáo dân tụ tập, khiếu kiện đông người, chống đối chính quyền, gây phức tạp an ninh, trật tự, an toàn xã hội, v.v. Đó là những hành động vi phạm pháp luật Nhà nước

 Ngay ở các nước phát triển trên thế giới, luật pháp của họ cũng quy định rất rõ hành vi chống chính quyền và chế tài xử phạt tương ứng. Đặc biệt, tòa án ở các nước này cũng rất nghiêm khắc đối với hành vi chống đối chính quyền. Bất kể cá nhân nào có hành vi lợi dụng tôn giáo để tập hợp lực lượng, chống lại chính quyền của họ đều bị cơ quan bảo vệ pháp luật bắt giữ và xử lý nghiêm khắc. Vậy thì hà cớ gì, những hành vi lợi dụng tự do tôn giáo để vi phạm pháp luật, chống chính quyền của một số đối tượng ở Việt Nam, khi bị cơ quan tiến hành tố tụng bắt, xử lý, lại bị coi là “đàn áp tôn giáo”? Vì vậy, mọi người dân hãy tỉnh táo không nhận thức lẫn lộn giữa tự do tôn giáo với hành vi phạm tội mà các thế lực thù địch xuyên tạc.

Những điều trên cho thấy, không thể phủ nhận tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Thường xuyên nêu cao cảnh giác, nhận diện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống đối chế độ là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.