Không thể tách rời bảo vệ chủ quyền đất nước với bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa
Nguyên Vinh
Lịch sử hơn 70 năm xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định rõ vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ bạo lực vũ trang sắc bén, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhà nước và với nhân dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều đó đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận và đã trở thành truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ấy vậy mà, gần đây trên một trang mạng xã hội, có người lại đưa ra một cái tít khá “giật gân” rằng, “Ai làm thoái hóa quân đội Việt Nam?” Trong đó, với nhiều lời lẽ “lập luận” rất kỳ quặc, khó hiểu, không biết là do “tác giả” thiếu hiểu biết, hay do động cơ không trong sáng mà “tác giả” bài viết lại đưa ra lắm “luận điểm” xằng xiên như thế!
Người viết bài này cũng cân nhắc xem có cần phải viết bài để tranh luận với cái gọi là “luận điểm” xằng xiên của “tác giả” đó hay không? Vì còn nhiều việc phải làm, thời gian đâu mà tranh luận với những người kém hiểu biết, nếu không muốn nói là “nói lấy được”, “nói cho sướng mồm”, nói vì những động cơ không trong sáng, thiếu tinh thần xây dựng, thậm chí là để chống phá Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, hạ thấp vai trò của Quân đội như các thế lực thù địch vẫn thường làm trong quá trình chống phá cách mạng Việt Nam! Nhưng nghĩ lại, có lẽ phải viết, không thể không viết, để ít nhất thì cũng giúp cho ai đó có được cái nhìn khách quan, khoa học, phân biệt được đúng, sai khi đọc đến những “luận điểm” xằng xiên trong bài viết trên của “tác giả”.
Trong bài viết của “tác giả”, có nhiều “luận điểm” rất có thể trao đổi, tranh luận, phản bác, nhưng trong khuôn khổ một bài viết ngắn, xin chỉ đi vào ba “luận điểm” mà “tác giả” đã nêu trong bài viết của mình rằng: “Nhờ Nghị định 77… Bắt đầu từ đây quân đội Việt Nam có những luận điệu xa rời nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ chủ quyền đất nước”!, rằng, “Vào tháng 10 năm 2013 một nghị quyết của hội nghị trung ương đảng CSVN lần thứ 8 khóa 11 được ban hành. Nghị quyết này tiếp tục cho phép quân đội được can thiệp sâu rộng hơn nữa vào cái gọi là bảo vệ chế độ CNXH” và “ĐCSVN cậy nhờ quân đội nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ chế độ CNXH”!
Như vậy, phải chăng theo “tác giả” của bài viết trên thì chức năng, nhiệm vụ của quân đội chỉ “bảo vệ chủ quyền đất nước” còn việc bảo vệ chế độ chủ nghĩa xã hội (“tác giả” dùng sai khái niệm rồi đấy! Bởi vì, khi đứng với cụm từ “bảo vệ chế độ” thì phải dùng cụm từ “xã hội chủ nghĩa”, chứ không phải cụm từ “chủ nghĩa xã hội” như “tác giả” đã sử dụng), thì không phải là nhiệm vụ của quân đội?
Cả lý luận và thực tiễn đã khẳng định, điều mà rất nhiều người biết là, khi nói đến bảo vệ Tổ quốc thì bao giờ cũng phải nói đến cả việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ với bảo vệ chế độ xã hội. Bởi vì, Tổ quốc bao giờ cũng là sự gắn bó giữa hai mặt tự nhiên – lịch sử và mặt chính trị – xã hội. Mặt khác, thực tiễn lịch sử cho thấy, trong mỗi Tổ quốc bao giờ cũng có một chế độ kinh tế, chính trị, xã hội tồn tại gắn với chủ quyền, lãnh thổ trong Tổ quốc đó.
Vì vậy, phải chăng quân đội chỉ có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước (theo quan niệm của “tác giả” đã nêu trong bài viết!)? Một khi chế độ xã hội không còn thì Tổ quốc đó cũng không còn nguyên nghĩa của Tổ quốc với hai mặt tự nhiên – lịch sử và chính trị – xã hội (mà trong đó có sự gắn bó không tách rời giữa chủ quyền, lãnh thổ với chế độ xã hội). Thực tiễn ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước đây là một minh chứng, khi chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ thì Tổ quốc đó cũng không còn là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nữa.
Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ bạo lực vũ trang do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, do Nhà nước tập trung quản lý, là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh. Vì vậy, quân đội phải có “bổn phận” trung với Đảng, trung với Nước, hiếu với Dân. Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với Dân, cho nên quân đội có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, không chỉ là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, mà còn phải bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ của quân đội cách mạng đã được lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam khẳng định.
Ấy vậy mà, “tác giả” bài viết trên không chỉ không thừa nhận quân đội có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, mà còn quan niệm khá ngây thơ rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam cậy nhờ (tôi nhấn mạnh) quân đội nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ chế độ CNXH”.
Không hiểu vì sao, vì “thiếu vốn từ” hay có dụng ý gì mà “tác giả” bài viết lại sử dụng cụm từ “Đảng cộng sản Việt Nam cậy nhờ”. Chắc chắn là không phải vì “tác giả” “thiếu vốn từ”, mà là “tác giả” cố tình hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, một bước không xa để đi tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam như các thế lực thù địch đã và đang thường tiến hành trong quá trình chống phá cách mạng Việt Nam.
Điều đó, không chỉ trái với lý luận khoa học về xây dựng quân đội kiểu mới – quân đội xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác – Lênin, lý luận khoa học về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn trái với thực tiễn hơn 70 năm tồn tại và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt và Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ bạo lực vũ trang sắc bén, lực lượng chính trị trung thành và tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Không có chuyện “Đảng phải cậy nhờ” gì ở đây cả!
Như vậy, cả ba “luận điểm’ của “tác giả” bài viết trên là không thể chấp nhận được, là vô căn cứ cả về mặt lý luận và thực tiễn. Đó là điều khẳng định, đã quá rõ ràng, thiết nghĩ không cần phải bàn luận gì thêm./.
Đúng, Tổ quốc phải bao gồm cả phần lịch sử – tự nhiên và phần chính trị – xã hội, thiếu một trong hai cái đó thì không thể trở thành Tổ quốc được. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta hiện nay là phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và đồng thời với nó là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Mọi âm mưu tách rời hai vấn đề trên trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là đi ngược lại lợi ích của dân tộc ta. Chúng ta cần đấu tranh, lên án và nghiêm trị những loại âm mưu và hành động đó, bảo vệ vững chắc những thành quả mà dân tộc ta đã phải hy sinh biết bao xương máu mới giành lại được.
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới trước hết là bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc: Đó là bảo vệ quyền tự quyết thiêng liêng của dân tộc, quyền lựa chọn con đường phát triển, thể chế chính trị của đất nước. Đó là xây dựng và bảo vệ nền kinh tế độc lập, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa. Đó là bảo vệ sự thống nhất của Tổ quốc. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, đá có thể mòn, song chân lý này không bao giờ thay đổi. Song song với nó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam. Bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa là bảo vệ thể chế chính trị: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý, Nhân dân Việt Nam làm chủ. Mọi quan điểm tách rời nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước với bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là không thể chấp nhận được, cần phải lên án và đấu tranh mạnh mẽ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ và nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, khẳng định con đường tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; lấy phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.Theo đó, khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội thì không một lúc nào được lơ là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Điều đó phù hợp với thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong xu thế phát triển của thế giới hiện nay.