Lại một điệp khúc sai trái về vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước

(Đức Trung)

Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn đổi mới đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Những tưởng rằng, vấn đề vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là rõ ràng và được thực tiễn kiểm nghiệm. Ấy vậy mà, hiện nay một số trang mạng xã hội, blog cá nhân tuyên truyền ý kiến của một số người cho rằng: “Xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là Việt Nam đã phải trả giá quá đắt”; “trong lĩnh vực kinh tế thì thành phần kinh tế nhà nước là thành phần duy nhất xảy ra tham nhũng, là nơi đốt tiền ngân sách, làm khánh kiệt ngân sách quốc gia”,… và như vậy là “Việt Nam là nước không chịu phát triển”.

Những ý kiến này là không mới và thực chất là đồng nhất với những quan điểm của một số người đã từng đưa ra trước đây là: trong nền kinh tế nước ta hiện nay các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, không nên đặt vấn đề thành phần kinh tế nào là chủ đạo, xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là áp đặt chủ quan, là sự “sáng tạo riêng” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy có đúng là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay kinh tế nhà nước không cần giữ vai trò chủ đạo; xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là áp đặt chủ quan; kinh tế nhà nước là nguồn gốc đẻ ra tham nhũng,… Chúng ta hãy làm sáng tỏ vấn đề này trên cơ sở xem xét một cách khách quan, khoa học.

Trước hết, trên cả phương diện lý luận và thực tiễn cho thấy rằng, nền kinh tế nhiều thành phần ở mỗi một chế độ xã hội khác nhau đều có thành phần kinh tế đặc trưng giữ vai trò chủ đạo. Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, thành phần kinh tế tư bản tư nhân dựa trên quan hệ sở hữu đặc trưng của chủ nghĩa tư bản là quan hệ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất giữ vai trò chủ đạo. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mặc dù còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu, tương ứng với đó là nhiều thành thần kinh tế, song hình thức sở hữu, thành phần kinh tế đặc trưng, biểu hiện bản chất của chế độ xã hội mới là sở hữu nhà nước, thành phần kinh tế nhà nước. Mặt khác, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ hai, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cần được hiểu một cách đúng đắn. Thành phần kinh tế nhà nước ở Việt Nam hiện nay không chỉ bao gồm các doanh nghiệp nhà nước mà còn gồm cả các tổ chức kinh tế của Nhà nước như hệ thống ngân hàng nhà nước, hệ thống tài chính, ngân sách và dự trữ quốc gia, v.v.. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là nó phải có nhiều cơ sở kinh tế, và càng không có nghĩa là phải giữ tỷ trọng lớn trong GDP. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thể hiện ở chỗ nó giữ những vị trí, cơ sở, ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt của nền kinh tế quốc dân; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế; đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế – xã hội, năng lực cạnh tranh và chấp hành pháp luật. Đồng thời, kinh tế nhà nước phải đóng vai trò hàng đầu trong việc khắc phục, hạn chế những khuyết tật của cơ chế thị trường và phải tạo môi trường, điều kiện, thâm nhập, dẫn dắt, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, kinh tế nhà nước có nhiệm vụ độc quyền trong những lĩnh vực có quan hệ trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, như các ngành công nghiệp quốc phòng then chốt và hoạt động bên cạnh các thành phần kinh tế khác trong những ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân như  ngân hàng, lượng thực, năng lượng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, v.v..

Thứ ba, xác định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không có nghĩa là hạ thấp vai trò, phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế khác. Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”[1]; “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”[2].

Thứ tư, chỉ căn cứ vào một số hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua mà cho rằng kinh tế nhà nước không giữ vai trò chủ đạo là cách nhìn phiếm diện. Mặc dù doanh nghiệp nhà nước – một bộ phận quan trọng của kinh tế nhà nước ở nước ta trong thời gian qua còn có những hạn chế, yếu kém nhất định, hiệu quả sản xuất kinh doanh ở một số doanh nghiệp nhà nước không cao, thậm chí còn thua lỗ, xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, đó là sự hạn chế, yếu kém trong khâu trong tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; là sai lầm, yếu kém của những cá nhân chứ không phải là sai về quan điểm, chủ trương kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Mặt khác, đối với nước ta, nhìn chung toàn bộ nền kinh tế, trong đó có cả kinh tế nhà nước dựa trên một lực lượng sản xuất còn thấp kém, cùng với nền kinh tế thị trường còn rất mới mẻ, lại đặt trong điều kiện hội nhập quốc tế nên những hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nước ta trong đó có doanh nghiệp nhà nước là khó có thể tránh khỏi.

Thứ năm, kinh tế nhà nước đã và đang giữ vai trò chủ đạo. Tuy còn có những hạn chế, yếu kém, song đánh giá một cách tổng thể kinh tế nhà nước, trong đó có phần lớn doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh có hiệu quả và vẫn giữ vai trò chủ đạo. Theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X (2001) và các Nghị quyết của Đảng về doanh nghiệp nhà nước, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đang được đổi mới, với tỷ trọng GDP giảm dần (từ mức 34,72% năm 2009 còn 32,4% năm 2013) nhưng vẫn có vai trò chi phối nhiều ngành kinh tế then chốt và tập trung hơn vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước đã và đang được đổi mới, sắp xếp lại, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, tuy số lượng giảm mạnh, lĩnh vực, địa bàn thu hẹp nhưng doanh nghiệp nhà nước có bước phát triển quan trọng về quy mô tài sản, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Đến hết năm 2012, doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản 2.570 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.019 nghìn tỷ đồng, doanh thu 1.709 nghìn tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 167 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 222 nghìn tỷ đồng. Năm 2013, riêng 18 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, có vốn nhà nước là 840 nghìn tỷ đồng (chiếm 83% vốn nhà nước tại doanh nghiệp), tổng giá trị tài sản 1.985 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu 1.184 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 136 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 191 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2013, chỉ tính riêng nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong khối Doanh nghiệp Trung ương lên đến 297 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 36% tổng thu ngân sách nhà nước. Về cơ bản, doanh nghiệp nhà nước nhất là các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, hình thành các ngành công nghiệp, ngành kinh tế quan trọng, then chốt của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước có vai trò quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tham gia nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, thực hiện chính sách an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai v.v..

Thứ sáu, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong tình hình mới. Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 (do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua) đã xác định nhiệm vụ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty”[3]. Nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Hội Nghị Trung ương sáu, khóa XI của Đảng đã thảo luận và cho ý kiến về Đề án: “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Ban Chấp hành Trung ương nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong thực hiện các chủ trương của Đảng về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương cho rằng, cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, giữ vững vai trò nòng cốt, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc xác định kinh tế nhà nước giữa vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quyết tâm giữ vững vai trò chủ đạo đó trên thực tế, là chủ trương đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Việc xuất hiện cũng như tuyên truyền những quan điểm, ý kiến cho rằng “kinh tế nhà nước không cần giữ vai trò chủ đạo”; “xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là Việt Nam đã phải trả giá quá đắt”; “Việt Nam là nước không chịu phát triển”,… có mặt do nhận thức chưa đầy đủ, mặt khác chúng ta cũng cần cảnh giác với những biểu hiện của “tự chuyển hoá”, “tự diễn biến” trước tác động của “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta, hạ thấp vai trò kinh tế nhà nước, cổ vũ cho tư nhân hoá nền kinh tế, tiến tới làm chệch định hướng xã hội chủ của nền kinh tế nước ta./.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 73

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 74

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 110

Bình luận bằng tài khoản Facebook

2 thoughts on “Lại một điệp khúc sai trái về vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước

  • 27 Tháng Chín, 2015 at 11:05 sáng
    Permalink

    ở VN đi theo con đường XHCN thì kinh tế NN phải giữ vai trò chủ đạo là đúng đắn. Những kẻ phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế NN, cổ súy cho kinh tế tư nhân, nếu không thiểu năng trí tuệ thì cũng là những kẻ đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm tay sai cho các thế lực thù địch, hại dân,hại nước.

    Reply
  • 14 Tháng Mười Hai, 2015 at 8:45 sáng
    Permalink

    Đảng ta chủ trương phát triển và nâng cao hiệu quả của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể dần dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.Tính chất nhiều thành phần kinh tế là nét đặc trưng có tính quy luật của nền kinh tế quá độ lên CNXH ở nước ta. Các thành phần kinh tế trong nền kinh tế quá độ luôn luôn vận động, phát triển trong mối quan hệ, tác động qua lại, đan xen trong cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất, trên cơ sở vừa hợp tác, bổ sung cho nhau, vừa cạnh tranh với nhau trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và bình đẳng trước pháp luật.
    Những luận điệu phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, kêu gọi “tư nhân hóa” nền kinh tế thực chất là âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế ở nước ta. Chúng ta cần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn đó.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.