Lợi dụng “vấn đề nhân quyền ở Việt Nam” để chống đảng, nhà nước, chế độ là một tội ác
Ngày 10 tháng 8 năm 2016, tại nước Mỹ xã xôi, Bộ Ngoại giao nước này đã ra Thông báo, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, thiếu tự do dân chủ, đàn áp dân tộc, tôn giáo, đàn áp những người bất đồng chính kiến…
Chiêu trò này chỉ là điệp khúc nhai lại Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 mang số hiệu H.R.1897, do Hạ viện Mỹ đã thông qua tiếp tục cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do tôn giáo, tự do dân chủ; kêu gọi Chính phủ Mỹ gắn các điều kiện về nhân quyền và dân chủ với viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam. Cả trước và nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đều bôi nhọ, xuyên tạc trắng trợn, hạ thấp Việt Nam trên trường quốc tế, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nước để lấy cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Vậy thực chất “vấn đề nhân quyền ở Việt Nam” hiện nay là gì? Phải nói ngay rằng, đối với Việt Nam hoàn toàn không có “vấn đề nhân quyền”. Từ khi thành lập đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền con người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Quyền con người được phát huy là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam những năm qua. “Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam” hiện nay thực chất nằm ở âm mưu chính trị đen tối của Mỹ và các nước phương Tây.
Ai ai cũng biết, nhân quyền, hay quyền con người (Human Rights) là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thoả thuận pháp lý quốc tế. Nhân quyền là một trong những thành quả lớn lao của nền văn minh nhân loại, là giá trị mà các quốc gia dân tộc có thể chia sẻ. Quyền con người là quyền của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại, vừa mang tính phổ quát toàn thế giới lại mang tính lịch sử cụ thể. Tính phổ quát của quyền con người ở mỗi quốc gia, không kể hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị – xã hội, kinh tế và văn hoá đều có những giá trị chung giống nhau, không thể chia cắt và phụ thuộc lẫn nhau. Hội nghị toàn thế giới về nhân quyền tại Viên năm 1993 đã khẳng định: Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan với nhau..
Tính lịch sử, cụ thể của quyền con người phản ánh những giá trị đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về chính trị, lịch sử, văn hoá, tôn giáo. Các quốc gia khi xử lý những về nhân quyền phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực, bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hoá và tôn giáo.. Khi thực hiện các quyền con người phải kết hợp đúng đắn giữa các nguyên tắc và các chuẩn mực nhân quyền của Liên hợp quốc với điều kiện thực tế của nước mình. Ngày nay, vấn đề quyền con người gắn rất chặt với các quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia vì nó là một bộ phận của quá trình phát triển nội tại của từng nước. Do vậy, không thể có mô hình thực hiện nhân quyền chung cho mọi quốc gia và không thể sao chép nguyên si mô hình bảo đảm nhân quyền của một nước ở châu Mỹ hay châu Âu vào Việt Nam. Mỗi nước có mô hình riêng của mình, đó là lẽ phải không ai chối cãi được, nó đã trở thành những nguyên tắc ứng xử, những chuẩn mực pháp lý quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, trong Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền, và Công ước quốc tế về nhân quyền.
Thế nhưng, từ chỗ cho rằng, nội dung, tiêu chuẩn của nhân quyền là tuyệt đối, bất biến, là tiêu chí chính trị duy nhất, các nước tư bản phát triển, đứng đầu là Mỹ đã giải thích nhân quyền như là những tự do không bị cấm đoán, không bị giới hạn. Mục đích của họ là cổ xuý cho một thứ “tự do hoang dã”, vô chính phủ, mà thực chất ở đó chỉ có một thứ “luật rừng” ngự trị; những kẻ mạnh có quyền lực vô biên, những kẻ yếu thì bị tước mất quyền. Đó là thứ tự do phá hoại, tự do dẫn tới huỷ diệt, không phải là tự do chân chính, tự do tạo ra khả năng cho phát triển nhân cách của tất cả mọi người và càng không phải là thứ tự do để thúc đẩy xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Xuất phát động cơ lợi ích riêng, họ đã dùng ngọn cờ nhân quyền để tiến công chủ nghĩa xã hội và các nhà nước có quan điểm chính trị không đồng nhất với họ. Nhân quyền được chủ nghĩa đế quốc đem ra làm thứ “vũ khí” với cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “nhân quyền không có biên giới quốc gia” để áp đặt giá trị phương Tây lên các quốc gia, dân tộc khác, chống lại nhân loại tiến bộ, trong đó Việt Nam là một trọng điểm. Trên phạm vi quốc tế, chủ nghĩa đế quốc đã lợi dụng vấn đề nhân quyền, tiến hành “diễn biến hoà bình” diễn ra song song với cuộc đấu tranh vũ trang ngay từ khi Liên – Xô, nhà nước công nông đầu tiên ra đời (1917). Đến giữa thập kỷ 80, thế kỷ XX, vấn đề nhân quyền trở thành yếu tố gây chia rẽ giữa các dân tộc, tạo cớ tiến hành chiến tranh, gây cảnh tàn phá, chết chóc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể nói các cuộc “cách mạng mầu” ở Đông Âu, ở Trung Đông, Bắc Phi gần đây là những hệ luỵ trực tiếp của đường lối chính trị hoá vấn đề nhân quyền của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động trên thế giới.
Đối với Việt Nam, một số chính khách phương Tây tuyên bố: Ở Việt Nam còn có vấn đề nhân quyền mà Mỹ phải quan tâm. Dự luật số 954 của Thượng nghị viện Mỹ (23-9-1993) đòi Việt Nam cần có “tự do hoá chính trị”, “tôn trọng quyền con người” và có một chính phủ dân chủ. Mỹ “ủng hộ quá trình cải cách dân chủ phi bạo lực ở Việt Nam”. Ngoài những luận điệu xuyên tạc về tình hình, vu cáo Việt Nam đàn áp những người cộng tác với chính quyền cũ, những người mà họ gọi là “bất đồng chính kiến”, “những người đấu tranh cho tự do, dân chủ”, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch còn vu cáo, xuyên tạc chính sách của Nhà nước Việt Nam về tôn giáo, dân tộc…
Thông qua “vấn đề nhân quyền”, họ kích động các tầng lớp công chúng, chĩa mũi nhọn của dư luận vào bộ máy nhà nước. Cao hơn nữa, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch còn can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, ép Việt Nam thoả hiệp, nhượng bộ về chính trị, thay đổi đường lối, đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Họ thực hiện chính sách lôi kéo các nước, các tổ chức phi chính phủ, qua các hình thức giao lưu, hợp tác về văn hoá, khoa học, giáo dục… để thâm nhập, thu thập tin tức tình báo, làm chuyển hoá tư tưởng, chuyển hoá chính trị, mua chuộc cán bộ, cài cắm nội gián. Các thế lực thù địch bên ngoài luôn tìm cách câu kết, móc nối với những người bất mãn, cơ hội chính trị như: Lê Thị Công Nhân, Trần Anh Kim, Trần Huỳnh Duy Thức, Vi Đức Hồi….để những đối tượng này thu thập những tài liệu, chứng cứ mà chúng cho rằng đó là bằng chứng khẳng định Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền. Họ lợi dụng các diễn đàn công khai để tuyên truyền “tự do”, “dân chủ, “nhân quyền” theo kiểu tư sản; phê phán Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; tung ra các luận điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để tạo cớ can thiệp vào Việt Nam.
Quốc hội Mỹ đã thông qua một số nghị quyết chống phá Việt Nam trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… Nghị quyết 231 của Quốc hội Mỹ, trong đó nội dung cơ bản nói về tình hình “nổi dậy” vì “dân chủ, tự do và tôn giáo,…” của nông dân ở tỉnh Thái Bình và một số địa phương khác ở Việt Nam. Tố cáo Việt Nam “vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền”; “đàn áp tự do tôn giáo”; “đàn áp đấu tranh chống tham nhũng”; “không có tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội,…”.
Đối với Việt Nam hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục sử dụng chiêu bài “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Chủ nghĩa đế quốc cùng với lực lượng tay sai và những phần tử bất mãn, trở cờ, “xám hối” ở trong nước tích cực đòi “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” phi pháp; tuyên truyền kích động các phần tử cực đoan trong tôn giáo, dân tộc ít người đòi “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, đòi quyền “tự trị”, thành lập “nhà nước Đề-Ga”, “nhà nước Khmer-Crom”, “nhà nước H’Mông”, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Mục tiêu cuối cùng của chúng là xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta./.
Đối với người Việt Nam, nhân quyền trước hết là quyền dân tộc tự quyết, dân tộc độc lập. Thực tế lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử thế giới đương đại đã chứng minh nếu không có chủ quyền thì không thể có nhân quyền, mất nước sẽ mất tất cả. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, bảo vệ và phát triển nhân quyền trước hết phải là duy trì một đất nước độc lập, nhân dân được tự do và hạnh phúc.
Con bài “dân chủ nhân quyền” chỉ là một trong những âm mưu, thủ đoạn mà người phương Tây đã và đang áp dụng vào Việt Nam thời hiện tại thật là ngây ngô, song lại rất xảo quyệt./.