MƯU ĐỒ XUYÊN TẠC SỰ THẬT Ở VIỆT NAM CỦA NGUYỄN NGỌC GIÀ

Thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn phản động, đồng loạt tán phát bài viết: Nhân quyền không thể tồn tại trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Nguyễn Ngọc Già. Xuyên suốt bài viết, bằng vốn kiến thức hạn hẹp, góc nhìn thiển cận và mưu đồ chính trị xấu xa Nguyễn Ngọc Già đã ra sức “minh chứng” cho “sự không tồn tại” của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Từ đó, tạo cớ để phủ nhận những thành quả trong việc bảo đảm nhân quyền của Việt Nam trong thời gian qua.

1. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – mô hình phát triển kinh tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam

Với sự ngu dốt và thói “lộng ngôn” sẵn có, Nguyễn Ngọc Già lớn tiếng khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” không  có thực… và quy kết: ĐCSVN phản bội khoa học, khi đẻ ra “kinh tế thị trường định hướng XHCN”… Dễ dàng nhận thấy sự cuồng ngôn của Nguyễn Ngọc Già mang nhiều nét “quen quen” với những luận điệu lèo lá, muốn phủ nhận sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tuy nhiên, lý luận và thực tiễn đã cho thấy những luận điệu đó đều là sai trái, mang mưu đồ chính trị rõ ràng, muốn phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại con đường phát triển của cách mạng Việt Nam(!). Cần nhận thức rõ, trong lịch sử phát triển kinh tế thị trường, chưa bao giờ có một mô hình kinh tế thị trường “đồng nhất” giữa các quốc gia. Kinh tế thị trường là một thành tựu của văn minh nhân loại, được hình thành, phát triển qua nhiều thế hệ, có sự “góp sức” về trí tuệ của nhiều con người đến từ nhiều quốc gia với thể chế chính trị khác nhau. Và, mỗi quốc gia đều có cách riêng để tiếp thu, vận dụng lý luận kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện “riêng có” của mình. Hiện nay, trong “cộng đồng” các nước tư bản chủ nghĩa đã và đang tồn tại nhiều mô hình kinh tế thị trường khác nhau, không quốc gia nào giống quốc gia nào. Do đó, việc Việt Nam vận dụng lý thuyết chung về kinh tế thị trường để xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là việc dễ hiểu, vừa chứa đựng “cái phổ biến” của nhân loại, vừa có “cái đặc thù” của Việt Nam. Thực tế những thành tựu phát triển đất nước trong hơn 30 năm qua đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế… đã minh chứng cho sự “hiện hữu” của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

2. Vấn đề đảm bảo nhân quyền ở Việt Nam – những sự thật không thể phủ nhận

Từ những luận điệu “lèo lá”, muốn phủ nhận sự tồn tại kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam Nguyễn Ngọc Già đã hồ đồ tuyên bố: Làm sao cái có thật (tức là nhân quyền) có thể tồn tại ngay trong lòng cái không có thật (tức là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN)? Bộ mặt trơ trẽn, phản động của y – một lần nữa lại được lộ rõ. Bởi, mỗi người dân Việt Nam đều dễ dàng nhận thấy, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, bảo đảm quyền con người luôn là mục tiêu nhất quán, xuyên suốt. Tất cả quyền con người: từ quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều được Đảng quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt và được hiến định minh bạch, tương thích với Công ước quốc tế về quyền con người. Đến nay, Việt Nam đã gia nhập đầy đủ các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, đó là: “Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc” (năm 1981); “Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (năm 1982); “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội” (năm 1982); “Công ước quốc tề về các quyền dân sự chính trị” (năm 1982) ; “Công ước về quyền trẻ em” (năm 1990); “Công ước về chống tra tấn” và “Công ước về quyền của người khuyết tật” (năm 2015)… Thực tế là Việt Nam đã ký kết, gia nhập nhiều công ước quốc tế về quyền con người mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới chưa ký hoặc ký nhưng chưa phê chuẩn. Về việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của con người ở Việt Nam đã và đang được thực hiện tốt. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,02%; thu nhập bình quân/người/tháng theo giá hiện hành đạt 4,2 triệu đồng (cao hơn mức 3,9 triệu đồng của năm 2018). Trong năm 2019, số hộ thiếu đói giảm 34,7% so với cùng kỳ năm trước; đã có gần 24 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước. Năm học 2019 – 2020, cả nước có 5 triệu trẻ em bậc mầm non (0,7 triệu trẻ em đi nhà trẻ và 4,3 triệu trẻ em đi học mẫu giáo); 17 triệu học sinh phổ thông đến trường và 1,5 triệu sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp… Bên cạnh đó, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo… được bảo đảm đầy đủ theo đúng công ước quốc tế và điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Sự thực là vậy, nhưng Nguyễn Ngọc Già cùng đồng bọn của y chẳng chịu nghe, chịu nhìn, chỉ chăm chăm xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam để kích động dư luận, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân ta.

Hiện nay, quan điểm chung của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế là bảo đảm nhân quyền bao giờ cũng phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: 1) Bảo đảm đầy đủ các điều kiện vật chất, tinh thần cho tất cả mọi người; 2) Đấu tranh không khoan nhượng với sự chống phá chế độ xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân.

Như vậy, có thể thấy rõ mưu đồ xuyên tạc sự thật ở Việt Nam, trong đó có phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và vấn đề nhân quyền của Nguyễn Ngọc Già và đồng bọn là nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Điều này cần phải được vạch trần, lên án và trừng trị nghiêm khắc./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

One thought on “MƯU ĐỒ XUYÊN TẠC SỰ THẬT Ở VIỆT NAM CỦA NGUYỄN NGỌC GIÀ

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.