Nguyễn Đình Cống: Chỉ có “phản bội không có phản biện”
Nhân Hội nghị Trung ương 5 của Đảng thông qua 3 nghị quyết quan trọng về kinh tế. Nguyễn Đình Cống cho đăng tải bài viết “Phản biện 3 Nghị quyết về kinh tế” với mục đích bôi nhọ, nói xấu Đảng, xuyên tạc tính đúng đắn, khoa học và cách mạng trong đường lối, chủ trương của Đảng. Về bài viết này, xin có đôi điều bàn luận như sau:
1. Ông Nguyễn Đình Cống đã cố tình bôi nhọ, xuyên tạc cách nhìn nhận khách quan, trung thực, thẳng thắn của Đảng về thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong các văn bản Nghị quyết.
Những ai nghiên cứu 3 nghị quyết được thông qua tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng đều thấy rõ, Đảng ta đã luôn đứng trên tinh thần “nhìn thẳng và sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” để đánh giá mỗi vấn đề. Về thực trạng, không thể đòi hỏi một nghị quyết lãnh đạo của Đảng lại phải cụ thể, tỷ mỷ như báo cáo tổng kết đánh giá tình hình. Việc đó sẽ được Đảng, Nhà nước ta làm ở nơi khác, trong văn bản khác chứ không phải trong Nghị quyết. Như vậy mới có thể đảm bảo được tính khái quát, cô đọng của một Nghị quyết lãnh đạo của Đảng. Do đó, cách đánh giá của ông Nguyễn Đình Cống cho rằng các Nghị quyết đều trình bày thực trạng một cách “chung chung” là không hiểu gì về nghị quyết. Về nguyên nhân của những hạn chế, cả trong 3 Nghị quyết, Đảng ta đều nhận định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, trong đó đều thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân về thể chế, về tổ chức thực hiện. Nghị quyết số 10 nêu: “Thể chế về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân còn nhiều bất cập”; Nghị quyết số 11 nêu: “Năng lực xây dựng và thực thi thể chế còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường”; Nghị quyết số 12 nêu “Việc thể chế hoá và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu kém, bất cập”… Vậy mà ông Nguyễn Đình Cống lại cho rằng Đảng ta “Chưa dám vạch ra các nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân cơ bản do lỗi của hệ thống, của thể chế”. Thực chất, ông ta cố tình che mờ đi tinh thần khách quan, trung thực, thẳng thắn của Đảng; cố tình làm cho người khác hiểu rằng Đảng ta đang bao biện, che giấu khuyết điểm, để từ đó đi đến một kết luận hết sức phiến diện, phản động rằng: “Nguyên nhân gốc rễ nằm trong sự độc tài, toàn trị của Đảng”! Có thể nói, mục đích chủ yếu của ông Nguyễn Đình Cống là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, còn phản biện Nghị quyết chỉ là công cụ, là cái cớ để đạt được mục đích mà thôi.
2. Quan điểm phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của ông Nguyễn Đình Cống là không có cơ sở khoa học và không đứng trên tinh thần khoa học, nên hoàn toàn không có sức thuyết phục.
Thứ nhất, định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không làm mất đi những điểm tích cực của kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường vận động theo những quy luật cơ bản bao gồm: Quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh và quy luật lưu thông tiền tệ. Trong đó, quy luật giá trị giữ vai trò chủ đạo. Sự vận động theo những quy luật này giúp cho nền sản xuất xã hội luôn luôn vận động, phát triển, tích cực hóa các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất, trong đó đặc biệt là tích cực hóa người lao động. Kinh tế thị trường tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi người, bình đẳng về cơ hội và bình đẳng trước rủi ro, tức là cơ hội để thành đạt ngang nhau, và nếu có tai biến thì việc chịu rủi ro cũng ngang nhau. Nhưng khi trong xã hội còn những người yếu thế, người bất hạnh không thể tự mình vươn lên nắm bắt cơ hội,… thì cần có chính sách thích hợp để họ không bị thiệt thòi, không bị bần cùng hóa. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn hội đủ các yếu tố của kinh tế thị trường, nhưng có các thiết chế để bảo vệ các nhóm yếu thế, tạo điều kiện cho họ vươn lên tiếp cận các cơ hội của thị trường, giúp họ đối phó với các rủi ro nghiệt ngã mà tự họ không có khả năng đối phó. Trong bối cảnh cụ thể ở nước ta, các nhóm yếu thế này chính là đông đảo nhân dân lao động, cùng những người bất hạnh, các gia đình bị thiệt thòi do phải hy sinh xương máu và của cải cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, nông dân ít ruộng đất, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp…
Thứ hai, định hướng xã hội chủ nghĩa còn góp phần bảo lưu những điểm tích cực của kinh tế thị trường. Cạnh tranh trong kinh tế thị trường là bình đẳng. Nhưng những nhóm yếu thế trong xã hội lại có xuất phát điểm bất bình đẳng với những nhóm xã hội khác. Họ ít có khả năng tiếp cận được với các cơ hội, nhưng lại nhiều khả năng đối mặt với rủi ro. Chính vì thế nếu không có định hướng xã hội chủ nghĩa với những chủ trương, biện pháp để bảo vệ, tạo điều kiện cho nhóm xã hội này vươn lên tiếp cận với các cơ hội của thị trường thì tất yếu sẽ dẫn họ đến chỗ bị bần cùng hóa, trở thành vấn đề xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội. Vì vậy, định hướng xã hội chủ nghĩa, từ góc độ đó, được coi như một sự bảo trợ để kinh tế thị trường có thể duy trì sự ổn định của nó.
Thứ ba, định hướng xã hội chủ nghĩa bổ khuyết cho kinh tế thị trường, khắc phục những hạn chế, những “mặt trái” của kinh tế thị trường. Việc vận động theo những quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường luôn có xu hướng dẫn xã hội đến những nguy cơ bất ổn không thể tránh khỏi, như khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị, bất bình đẳng, bất công xã hội, tệ nạn xã hội. Định hướng xã hội chủ nghĩa với việc phát huy vai trò điều tiết của kinh tế Nhà nước sẽ góp phần giải quyết những mặt trái đó, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội trong phát triển.
Có thể nói, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sáng tạo lý luận của Đảng ta, là kết tinh của quá trình phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn lãnh đạo đất nước đi lên trên con đường chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu trong phát triển kinh tế gắn với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta trong những năm đổi mới vừa qua là minh chứng rõ nhất cho tính đúng đắn của mô hình kinh tế này. Nó đã và đang là cơ sở để nhân dân ta ngày càng củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Quan điểm phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của ông Nguyễn Đình Cống và những người có cùng quan điểm với ông ta rõ ràng là thiếu căn cứ, chỉ dựa trên những suy diễn chủ quan và những cơ sở thực tiễn vụn vặt, chắp ghép, gắn với một mục đích chính trị đen tối và thiếu tinh thần khoa học, nhất định sẽ bị đánh bại về mặt lý luận và bị thực tiễn bác bỏ./.
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự quản lý của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, đi theo mô hình và con đường đó, nền kinh tế Việt Nam đã có bước tiến nhất định trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Đó là sự thật lịch sử không thể phủ nhận và bàn cãi, có chăng chỉ làm sáng rõ những vấn đề về hình thức, bước đi, con đường cho phù họp với xu thế hội nhập, mở cửa phát triển như vũ bão của nền kinh tế thế giới hiện nay.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Nó là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.