Phải chăng chủ nghĩa tư bản là đỉnh cao nhất của sự tiến hóa của xã hội?
Phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam là mục tiêu của các thế lực thù địch. Để thực hiện mục tiêu này chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi thâm độc, trong đó đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền những luận điệu nhằm phủ nhận chủ nghĩa xã hội khoa học do C.Mác và Ph. Ăngghen sáng lập, đồng thời đi liền với đó là cổ súy, tán dương chủ nghĩa tư bản. Điển hình cho thủ đoạn này là các luận điệu của Tạ Dzu trong bài viết: “Vấn đề của Đảng Cộng sản Việt Nam” trên blog danlambao, ngày 25/4/2016.
Trong bài viết của mình, Tạ Dzu đưa ra luận điệu phê phán lý luận hình thái kinh tế – xã hội của C.Mác; cho rằng C.Mác không thấy được quy luật phát triển khách quan của xã hội loài người. Lý lẽ mà y đưa ra là: Loài người từ xã hội Cộng sản nguyên thủy sẽ tiến lên xã hội có nhiều giai tầng mang tính đa nguyên và không bao giờ quay lại xã hội có tính chất cộng sản đó nữa. Y cho đó là quy luật phát triển khách quan của xã hội loài người và đi đến kết luận: chủ nghĩa tư bản là cái mà xã hội loài người đi đến. Vậy, luận điệu mà Tạ Dzu đưa ra có đúng không?
Như chúng ta đã biết, cũng giống như tự nhiên, xã hội không ngừng biến đổi. Sự ổn định của xã hội chỉ là sự ổn định tương đối, còn thực tế xã hội vận động biến đổi không ngừng. Có nhiều cách quan niệm về sự tiến hóa xã hội. Darwin gắn sự tiến hóa xã hội như tiến hóa trong lĩnh vực sinh học, coi sự phát triển của xã hội như một quá trình tự nhiên. C.Mác cùng hầu hết các nhà lý thuyết xã hội học ở thế kỷ XIX chịu ảnh hưởng lớn bởi thuyết tiến hóa của Darwin và C.Mác đã vận dụng thuyết tiến hóa để phân tích về sự biến đổi phát triển xã hội. C.Mác đồng ý rằng, xã hội muốn tồn tại và phát triển, phải luôn vận động biến đổi, trải qua nhiều giai đoạn nối tiếp nhau từ thấp đến cao; tương ứng với mỗi giai đoạn lịch sử là một hình thái xã hội với một “cơ thể sống” phù hợp. Cái cơ thể sống ấy, C.Mác gọi là “hình thái kinh tế – xã hội” với các mặt cơ bản hợp thành: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng; các mặt này không tách rời nhau, mà liên hệ biện chứng với nhau hình thành nên những quy luật phát triển, tiến hóa phổ biến của xã hội. Do tác động của quy luật khách quan đó, mà các hình thái kinh tế – xã hội vận động và phát triển thay thế nhau từ thấp lên cao trong lịch sử như một “quá trình lịch sử tự nhiên” không phụ thuộc vào ý chí, nguyện vọng chủ quan của con người. Quá trình phát triển lịch sử tự nhiên của xã hội có nguồn gốc sâu xa ở sự phát triển của lực lượng sản xuất. Sự xuất hiện, phát triển của hình thái kinh tế – xã hội được giải thích trước hết bằng sự tác động của quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Quy luật đó là khuynh hướng tự tìm đường cho mình trong sự phát triển thay thế của các hình thái kinh tế – xã hội.
Thực tế lịch sử loài người đã trải qua các hình thái kinh tế – xã hội: cộng sản nguyên thuỷ, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và đang chuyển sang cộng sản chủ nghĩa. Lịch sử xã hội tiến hóa đến chủ nghĩa tư bản là một bước tiến hóa vượt bậc. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản không phải là đỉnh cao nhất của sự tiến hóa của xã hội loài người. Bởi lẽ, chủ nghĩa tư bản ra đời lại xuất hiện những mâu thuẫn không thể điều hòa được. Trong xã hội tư bản, giai cấp công nhân là giai cấp không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động cho nhà tư bản để kiếm sống. Giai cấp công nhân là giai cấp gắn liền với sản xuất đại công nghiệp và được nền công nghiệp rèn luyện, nên giai cấp công nhân có tính tổ chức, kỷ luật cao và có điều kiện thuận lợi tập hợp lực lượng, biểu thị sức mạnh của mình. Là giai cấp bị áp bức, bóc lột, có lợi ích đối lập trực tiếp với giai cấp tư sản, giai cấp công nhân kiên quyết đấu tranh chống giai cấp tư sản, có khả năng đoàn kết quần chúng lao động bị áp bức bóc lột để đấu tranh nhằm vượt qua chế độ xã hội này, tiến tới xã hội tiến bộ hơn. C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: “Cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiếm hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản”. Và “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”.
Như vậy, C.Mác đã vận dụng học thuyết hình thái kinh tế – xã hội vào phân tích xã hội tư bản và đã đi đến dự báo sự ra đời của hình thái kinh tế – xã hội cao hơn, hình thái cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Theo quy luật tiến hóa, xã hội loài người nhất định sẽ tiến tới một xã hội, mà ở đó con người được giải phóng, xã hội không có áp bức bóc lột, một xã hội công bằng, dân chủ, nhân đạo, tự do, xã hội vì con người. Xã hội đó được gọi tên là xã hội xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn lịch sử thế giới thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI đã minh chứng về sự tiến hóa tất yếu lên chủ nghĩa xã hội. Hàng loạt dân tộc, với hàng tỷ người đã vùng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc, thực dân và lựa chọn con đường xây dựng xã hội tốt đẹp – xã hội xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu to lớn của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và một số nước ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ không chỉ là hiện thực hóa lý tưởng giải phóng con người, xây dựng một xã hội hài hòa, hạnh phúc, mà còn là nhân tố tác động mạnh mẽ đến các nước tư bản. Ở thời điểm hiện nay, khi mà mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ, thì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với nhiều dân tộc ở Tây bán cầu và khắp các châu lục.
Còn về chủ nghĩa tư bản, mặc dù trong vòng vài ba thập kỷ trở lại đây do tận dụng được thành quả cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, giai cấp tư sản chủ yếu thực hiện việc bóc lột giá trị thặng dư tương đối thông qua áp dụng công nghệ hiện đại và kích thích tích tích cực của người lao động bằng lợi ích vật chất và tinh thần. Đồng thời, ở các nước tư bản phát triển cũng đang diễn ra sự điều chỉnh quan hệ sở hữu nhằm tạo điều kiện cho người lao động (công nhân) tham gia mua cổ phần ở các doanh nghiệp tư nhân. Sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản về sở hữu, phân phối lợi ích và chính sách xã hội… về khách quan đã đáp ứng một phần đòi hỏi của người lao động, song về cơ bản sự điều chỉnh đó vẫn không vượt ra khỏi khuôn khổ của một chế độ xã hội bất công, chỉ là sự bảo đảm có tính chất nhất thời của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản vẫn không giải quyết được mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất ngày càng cao với tính chất tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất; vẫn không giải quyết được mâu thuẫn giữa tư bản và lao động. Quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản là quy luật giá trị thặng dư (mục đích sản xuất suy cho cùng vẫn là ngày càng làm giàu cho giai cấp tư sản) mà C.Mác đã phát hiện, vẫn đang chi phối toàn bộ cơ chế vận hành của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Hiện nay, sự phân cực của thế giới tư bản chủ nghĩa vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, ở cực này là một số ít các nước tư bản phát triển phồn vinh còn ở cực kia là hàng trăm nước thuộc địa và phụ thuộc ngày càng nghèo khổ. Đồng thời, tình trạng môi trường sống trên hành tinh này đang bị phá hoại tới giới hạn nguy hiểm, mà chế độ tư bản là thủ phạm chính. Đặc biệt là, khi nền kinh tế thế giới lâm vào suy thoái nặng nề sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, không ít nhà xã hội học, nhà tư tưởng, trong đó có cả những đại diện của giới tư sản đã trở lại với chủ nghĩa Mác, mà thực chất là trở lại với những nguyên lý căn bản trong quản lý kinh tế – xã hội của học thuyết về chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong lịch sử cũng như trong hiện tại chủ nghĩa tư bản với đầy dẫy những thối nát, bất công,… không thể là đỉnh cao của sự tiến hóa của xã hội loài người. Thế nhưng trong bài viết Tạ Dzu lại đưa ra những luận điệu bênh vực cho chủ nghĩa tư bản hết sức nực cười, ngô nghê và ấu trĩ. Y viết: “Đành rằng tư bản thời hoang dã là thối nát bất công, chẳng ai muốn thời kỳ đó tái hiện. Nhưng với tính tự động điều chỉnh của nhân đạo – tức đời sống người, lối sống người – chứ không phải của thần linh (duy tâm) hay tự nhiên (duy vật), xã hội tư bản ngày càng hoàn thiện, ngày càng “người” hơn, hơn hẳn các xã hội tự xưng cộng sản hay đang trên đường tiến đến chủ nghĩa xã hội”.
Tự thấy lý lẽ đưa ra không thuyết phục, Tạ Dzu lý giải thêm: “Nhân đạo – do con người và cho con người – chính là động lực đẩy bánh xe lịch sử chuyển động rồi lăn đi, tiến mãi. Đấu tranh giai cấp không phải là cách giải quyết vấn đề đa nguyên khách quan của con người. Đó là cách giải quyết của tự nhiên, là tình trạng bệnh thái chứ không phải thường thái, xẩy ra khi khoa học kỹ thuật và phương tiện sản xuất phát triển quá nhanh mà xã hội chưa kịp thời điều chỉnh”.
Từ thuyết “nhân đạo” của mình, Tạ Dzu ảo tưởng rằng: “Trong thời kỳ tư bản hoang dã, không ai chối cãi tính cách bóc lột của giới chủ nhân. Nhưng với lối sống người, không chỉ giai tầng công nhân mà các giai tầng khác đều tham gia đấu tranh, buộc chính quyền phải can thiệp, bảo vệ thợ thuyền và người dân nói chung bằng các đạo luật về tài chính, thuế khoá, phúc lợi công cộng để giảm thiểu chênh lệch giầu nghèo; ưu đãi những nhóm thua kém và thiểu số để giảm thiểu bất công. Xã hội với nền kinh tế tư bản có thể điều chỉnh được các khiếm khuyết không phù hợp với nhân bản là nhờ thể chế chính trị dân chủ, một thành quả tiến hóa khác của loài người. Không có chế độ dân chủ, khả năng tự điều chỉnh của con người không phát huy được. Kinh tế thị trường tự do và thể chế chính trị dân chủ tạo điều kiện cho đa nguyên phát triển. Qua đó, chế độ tư bản mở ra cơ hội cho mọi người mọi giới, cộng sản hay không cộng sản, tham gia vào tiến trình điều chỉnh những sai trái của chế độ trong ôn hoà và tôn trọng lẫn nhau”. Xin hỏi Tạ Dzu, nếu chủ nghĩa tư bản tốt đẹp như y nói, đầy tính nhân đạo, tự điều chỉnh được các mâu thuẫn thì tại sao phong trào đấu tranh, biểu tình của công nhân, người lao động chống giai cấp tư sản liên tục diễn ra? Ai là thủ phạm đi xâm chiếm các nước, gây ra nhiều cuộc chiến tranh, trong đó điển hình là chiến tranh thế giới lần thứ nhất và chiến tranh thế giới lần thứ hai? Ai là thủ phạm can thiệp vào nội bộ và áp đặt các giá trị phương Tây đối với các quốc gia có chủ quyền? …
Với những luận điệu bênh vực, cổ súy chủ nghĩa tư bản, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, thì Tạ Dzu đã bộc lộ rõ bộ mặt của một tên bồi bút tay sai của các thế lực thù địch nhưng trình độ rất ABC. Nói cho Y biết, chủ nghĩa tư bản không thể là đỉnh cao nhất sự tiến hóa của xã hội, theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là xã hội mà con người được giải phóng, xã hội không có áp bức bóc lột, một xã hội công bằng, dân chủ, nhân đạo, xã hội vì con người. Giá trị và sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội đang lan tỏa và ngày càng ăn sâu trong đời sống nhân loại. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp quy luật tiến hóa của lịch sử xã hội loài người, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thông qua bài viết này, Đức Trung tôi có lời khuyên cho Tạ Dzu: “Quay đầu là bờ” để trở về với chính đạo, nếu không những kẻ như Y cam tâm làm tay sai cho các thế lực thù địch phản dân, hại nước chắc chắn sẽ bị bánh xe lịch sử của dân tộc nghiền nát!
Tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt từng được thử thách của đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất định thực hiện thành công chủ thuyết cách mạng và phát triển vĩ đại đã được lịch sử dân tộc lựa chọn. Cách mạng là sáng tạo, là sự thống nhất biện chứng giữa những quy luật phổ biến với tính đặc thù của từng dân tộc. Không có mô hình duy nhất trong thực tiễn cho các quốc gia. Chủ nghĩa giáo điều, dù cũ hay mới, cũng như chủ nghĩa xét lại đều trái với con đường cách mạng và phát triển Việt Nam.
Chủ nghĩa Tư bản không phải nấc thang cao nhất của xã hội loài người.