Sai lầm của Thành, Quân qua luận điệu “độc tài đến thế là cùng”!
Trên mạng xã hội đang xuất hiện nhiều bài viết phản ánh sai sự thật đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Ngày 02- 04-2016, tác giả (không rõ danh tính) đã tung lên mạng bài viết “Dân chủ đến thế là cùng” hay “độc tài đến thế là cùng”?!. Bài viết này được tác giả tạo dựng theo kiểu “thuật lại” cuộc “phỏng vấn” giữa Trần Quang Thành (người phỏng vấn) và Lê Quốc Quân (người trả lời phỏng vấn).
Đọc nội dung bài viết này tôi có cảm giác như đây là một cuộc “phỏng vấn” giả tạo, mà thực chất là một “kịch bản” do tác giả tự dựng lên để thực hiện mục đích xuyên tạc, vu cáo Đảng Cộng sản Việt Nam. Tác giả bài viết đã “mượn” câu nói “dân chủ đến thế là cùng” của một đại biểu Quốc hội nước Việt Nam được Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam – Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tại cuộc tiếp xúc với báo giới, phóng viên trong nước và quốc tế ngày 28-1; tác giả bài viết lấy đó làm cái “cớ” để “nhạo báng”, “phê phán” chế độ dân chủ trong Đảng và xã hội Việt Nam, vu cáo, quy kết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm dân chủ. Tác giả cho rằng câu nói “dân chủ đến thế là cùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi họp báo “là một sự khoe khoang, là một sự nhạo báng về Tiếng Việt”, “trong đảng chưa có dân chủ”. Bằng nhiều lập luận, lý lẽ, họ quy kết rằng “chế độ cộng sản là chế độ độc tài”, cho rằng việc bầu cử trong đại hội đảng các cấp vừa qua ở Việt Nam là “không có sự khách quan”, rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng toàn trị chứ sao có thể nói là dân chủ được”. Trong quan hệ giữa Đảng với pháp luật, chủ bài viết nói rằng “đảng đẻ ra pháp luật”, là“bà’ của pháp luật. Cùng với những lý lẽ mang tính chụp mũ đó, họ còn cho rằng lần bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam “chỉ là hình thức”, rằng “Quốc hội và hội đồng nhân dân là công cụ để Đảng thực hiện chế độ độc tài toàn trị”, v.v.. Trong bài viết, họ còn “thêu dệt” thêm nội dung nhằm tăng “độ tin cậy” của thông tin trước công chúng. Trang cuối bài viết, họ dựng ra đoạn văn hết sức “mị dân”: “Chúng ta vừa bàn thảo với nhau chung quanh câu chuyện về quốc hội, về hội đồng nhân dân, về bầu cử để đi đến một suy nghĩ là xã hội Việt Nam hiện nay dưới sự lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản là một xã hội “dân chủ đến thế là cùng” hay là một xã hội “độc tài đến thế là cùng”?!
Cuộc nói chuyện với các giới báo chí, phóng viên trong nước và quốc tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng ngày 28-1-2016 được truyền hình trực tiếp và phát trên nhiều phương tiện truyền thông trong nước và thế giới. Trước các báo giới, phóng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp trả lời công khai các câu hỏi đặt ra. Khẳng định thành công của Đại hội XII, nhất là kết quả bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị khóa XII có nguyên nhân là Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên trì thực hiện đúng đắn, đầy đủ nguyên tắc, chế độ dân chủ trong Đảng: Từ việc xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, số lượng, cơ cấu, tỉ lệ trẻ già, nam nữ, cho đến ứng cử, đề cử nhân sự cho Ban Chấp hành đảng bộ các cấp đều được dân chủ công khai bàn bạc theo trình tự phân cấp. Ngoài ra, Đảng còn chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến dân chủ của nhân dân tham gia góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội. Trong tiến trình Đại hội, quy trình dân chủ trong ứng cử, đề cử, bầu cử nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và lấy phiếu tín nhiệm miễn nhiệm các đồng chí của Đảng đều được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu công khai, minh bạch trước Đại hội, để Đại hội dân chủ thảo luận, quyết định. Điều này đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân Việt Nam quan tâm theo dõi, tỏ thái độ ủng hộ mạnh mẽ, tiếp tục gửi niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian tới. Tác giả bài viết“Dân chủ đến thế là cùng” hay “độc tài đến thế là cùng”?! thừa hiểu về thực tế đã và đang diễn ra ở Việt Nam, song để đạt được mục đích xấu xa, vẫn cố tình tìm cách bịa đặt, tuyên truyền những thông tin sai sự thật về dân chủ trong Đảng và xã hội Việt Nam.
Suốt gần một thế kỷ đã qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tỏ rõ là tổ chức chính trị tiêu biểu, đại biểu cho lương tâm, trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc. Sự cống hiến, hy sinh của hàng triệu cán bộ, đảng viên của Đảng đem lại cho Tổ quốc, cho nhân dân Việt Nam những thành quả cách mạng cao quý, đó là một thực tế được lịch sử và nhân dân ghi nhận. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ được vị trí lãnh đạo, có đủ sức mạnh, hoàn thành được sứ mệnh lịch sử cách mạng là nhờ Đảng luôn thực hiện đúng đắn, đầy đủ, nghiêm túc nguyên tắc, chế độ dân chủ trong Đảng; luôn tôn trọng, lắng nghe tiếp thu ý kiến đóng góp của đông đảo nhân dân.
Ở quốc gia nào cũng vậy, lãnh đạo đất nước là công việc không dễ chút nào đối với Đảng cầm quyền; và tất yếu khó tránh được những hạn chế, khuyết điểm nảy sinh trong quá trình lãnh đạo đất nước. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo đất nước trong điều kiện luôn chịu sự chi phối, tác động rất lớn của nhiều nhân tố (hậu quả nặng nề từ các cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc để lại; mặt trái kinh tế thị trường; sự chống phá của các thế lực thù địch, v.v.), do vậy cũng không tránh được hạn chế, khuyết điểm. Thực tế cho thấy, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, vi phạm dân chủ, thậm chí có những vi phạm khá nghiệm trọng, gây nên bức xúc trong dư luận xã hội, làm tổn hại uy tín, thanh danh, bản chất tốt đẹp của Đảng. Trước thực trạng yếu kém, khuyết điểm đó Đảng không hề dung túng, bao che, lẩn tránh, mà luôn có thái độ kiên quyết nhìn thẳng vào sự thật, dám nhận và kiên quyết khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của mình trước nhân dân. Chính điều này đã giữ cho Đảng trong sạch, tăng thêm niềm tin trong nhân dân, củng cố quan hệ bền chặt giữa nhân dân với Đảng. Đó là thực tế đang hiện rõ hằng ngày trong Đảng và xã hội Việt Nam.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 là công trình kết tinh trí tuệ của toàn xã hội, do nhân dân Việt Nam xây dựng, hoàn thiện, biểu quyết thông qua. Nội dung Hiến pháp năm 2013 quy định rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tại Điều 4 của Hiến pháp còn ghi rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là làm đúng chức năng theo quy định của Hiến pháp; thể hiện trọng trách to lớn trước nhân dân về lãnh đạo tuyển chọn, xây dựng, bồi dưỡng những người có đủ “đức, tài”, xứng đáng làm đại biểu của nhân dân làm việc trong bộ máy Nhà nước. Trên thực tế, hoạt động này của Đảng đã diễn ra thường xuyên trong suốt nhiều thập kỷ lãnh đạo cách mạng. Điều mà độc giả dễ nhận thấy để hoàn thành nội dung bài viết “Dân chủ đến thế là cùng” hay “độc tài đến thế là cùng”?! chắc chắn rằng tác giả bài viết đã nghiên cứu và hiểu kỹ lưỡng quy định về chức năng, nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Việt Nam được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Việc tác giả tung lên mạng xã hội bài viết trên với chủ ý phê phán chế độ dân chủ trong Đảng và xã hội Việt Nam là sự xuyên tạc, phủ nhận sự thật lịch sử; là hành động xấu xa, bỉ ổi, không thể dung thứ, cần phải kiên quyết đấu tranh vạch trần trước công luận./.
Chiêu bài “dân chủ” chỉ là một trong những âm mưu, thủ đoạn mà các thế lực thù địch đã và đang áp dụng nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tuy nhiên, thành quả cách mạng hơn 70 năm qua của nhân dân ta đã khẳng định bản chất tốt đẹp không thể phủ nhận của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa và những bước tiến vượt bậc về dân chủ ở nước ta, nền dân chủ hơn triệu lần chủ nghĩa tư bản.