Sự học của Trần Đắng chẳng vào đâu, nên triết lý chỉ tầm phào, nhảm nhí

Lịch sử hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, triết học Mác – Lênin nói riêng là quá trình kế thừa và phủ định biện chứng những thành tựu của các tư tưởng triết học trong lịch sử. Không những thế, trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, triết học Mác – Lênin cũng phải thường xuyên đấu tranh chống lại các trào lưu tư tưởng, học thuyết đối lập, trong số đó có không ít những quan điểm, tư tưởng, lý luận, học thuyết của những nhà triết học lớn. Thông qua đấu tranh tư tưởng – lý luận để bảo vệ học thuyết của mình, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, các Đảng cộng sản chân chính, những người mácxít đã ngày càng làm cho học thuyết của mình thêm hoàn bị, khoa học và cách mạng. Lần lượt đấu tranh làm thất bại các trào lưu tư tưởng, học thuyết đối lập, chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, triết học Mác – Lênin nói riêng đã chứng tỏ mình là hệ thống lý luận hoàn bị nhất, là đỉnh cao của tư tưởng triết học nhân loại.

Là một người yêu thích Triết học Mác, Anh Đài tôi dĩ nhiên được nghiên cứu kỹ lưỡng quá trình lịch sử hình thành, đấu tranh và phát triển đó của triết học Mác, hiểu rõ sức sống mãnh liệt của nó. Nói như vậy để bạn đọc hiểu được một điều, là những người như chúng tôi, khi đọc những bài viết như “Đòn đánh bẻ gãy xương sống lý luận của cộng sản” của ông Trần Đắng, hay đại loại như vậy, thì thực sự vừa buồn cười, vừa buồn bực. Buồn cười vì lẽ, một bài viết vẻn vẹn hơn 4 trang giấy, với “một mớ” những ví dụ và cách phân tích, lý giải, suy luận chẳng giống ai, chẳng theo một logic khoa học nào mà lại có thể huênh hoang tuyên bố là nó sẽ chứng minh được “cái sai cơ bản” của triết học Mác, rằng “toàn bộ lâu đài triết học của các ông xây trên cát hoàn toàn đổ sụp”; rằng “theo thời gian sẽ phá sản tất yếu vì thuyết của tôi, thuyết “đa hướng”… Các nhà triết học lớn đã từng thất bại trong các cuộc đấu tranh hòng lật đổ vị thế của triết học Mác có lẽ cũng “phát hoảng” vì độ tự tin của Trần Đắng! Còn buồn bực vì lẽ, những bài viết như thế này, nếu chúng tôi không buồn đụng đến, thì các ông lại cứ tưởng mình đúng, lại cứ “thách thức các ông tranh luận thắng chúng tôi”!(chữ của Trần Đắng); mà bỏ thời gian ra để tranh luận với những bài viết không mang nhiều tư duy triết học như thế này, thì thực sự là hoài phí quá! Bài viết trước của tôi, cũng bởi vừa buồn cười, vừa buồn bực với những câu chữ của Trần Đắng, nên tôi mới “tâm sự” với ông như vậy. Cũng bởi không muốn mất nhiều thời gian, nên tôi đã không ham đuổi theo những ví dụ tràng giang đại hải của Trần Đắng, chỉ vạch ra ngắn gọn cái thiếu cơ bản của ông ta là thiếu tư duy trừu tượng, mong sao qua đó giúp ông ta tự tỉnh thức, bỏ công ra mà nghiên cứu thêm triết học Mác cho cặn kẽ, đầy đủ, nghiêm túc. Nhưng đọc bài phản biện mới đây của Trần Đắng trên danlambaovn, tôi nhận ra rằng không phải chỉ bằng lòng tốt và dùng thời gian phân tích kỹ lưỡng cái sai, cái thiếu của ông ta, thì mới hy vọng ông có sự thay đổi. Nhưng tôi cũng phải nói luôn, là tôi chỉ trình bày ngắn gọn, và phân tích một vài ví dụ của ông mang tính phương pháp luận, chứ không hơi sức đâu mà chạy theo hết ví dụ này đến ví dụ khác mà ông cứ trưng ra mãi được!

Trần Đắng muốn phủ nhận nguyên lý về sự phát triển, từ đó tiến tới phủ nhận hoàn toàn triết học Mác, hay nói cách khác là phủ nhận hoàn toàn phép biện chứng duy vật. Nhưng ông ta lại nói thuyết “đa hướng” của tôi “hợp lý hơn, biện chứng hơn”! Ông phủ định phép biện chứng, nhưng lại dùng nó (biện chứng) để chứng tỏ tính ưu việt của học thuyết của mình, như vậy là cái logic gì?

Trần Đắng đưa ra khái quát nội dung nguyên lý về sự phát triển của triết học Mác, rồi tự mình kết luận (suy diễn) như thế này: “tóm tắt lại là triết học Mác-Lê hướng tốt, hướng phát triển, hướng hoàn thiện, hướng cao. Có thể mở rộng ra, triết học Mác-Lê hướng giỏi, hướng hay, hướng thiện, hướng tài, hướng hoàn hảo mà trong triết học phương Đông chúng ta tóm tắt là “hướng dương”! Không biết có phải do ông Trần Đắng nghiên cứu triết học Mác chưa “tới nơi tới chốn”, hoặc nghiên cứu rồi mà không hiểu, hay bởi ông cố tình tỏ ra không hiểu, cố tình đơn giản hóa, tầm thường hóa triết học Mác cho dễ phủ nhận hay không mà lại có thể đưa ra một suy luận hồ đồ như vậy?

Xin được chỉ ra đây vài điều để Trần Đắng được rõ:

Phép biện chứng với tính cách là khoa học về sự phát triển chỉ ra rằng: sự phát triển của sự vật, hiện tượng là một quá trình khách quan, là sự tự thân phát triển. Đó là một quá trình tiến lên mà nguồn gốc, động lực của nó là cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập bên trong của sự vật, hiện tượng; là một quá trình mà trạng thái tiến lên thông qua các bước nhảy chuyển hóa từ lượng sang chất và ngược lại; là một quá trình tiến lên không phải theo đường thẳng, cũng không phải theo đường vòng tròn mà theo đường “xoáy ốc”, có thể có bước thụt lùi tạm thời, nhưng cái mới sẽ ra đời và chiến thắng. Đó là khuynh hướng tất yếu của sự phát triển.

Từ kết luận của Trần Đắng đã nêu trên đây, cần chỉ rõ hai lầm lẫn cơ bản mà ông ta mắc phải:

Thứ nhất, coi nguyên lý về sự phát triển chỉ là sự tăng lên đơn thuần về lượng, là quá trình tiến lên liên tục, không trải qua những bước quanh co phức tạp. Đây là quan điểm siêu hình về sự phát triển. Khái niệm phát triển không đồng nhất với khái niệm vận động nói chung; đó không phải là sự biến đổi tăng lên hay giảm đi đơn thuần về lượng hay sự biến đổi tuần hoàn lặp đi lặp lại ở chất cũ mà là sự biến đổi về chất theo hướng hoàn thiện của sự vật.

Thứ hai, coi những gì vận động tiến lên theo hướng có lợi cho con người mới là phát triển. Sai lầm tư duy này của Trần Đắng bộc lộ rất rõ trong những ví dụ mà ông ta đưa ra (sẽ được phân tích dưới đây), đồng thời phơi bày rõ rệt sự thiếu hụt khả năng tư duy trừu tượng của Trần Đắng. Mong ông hiểu rành rẽ cho điều này: nguyên lý về sự phát triển trong triết học Mác là nói đến sự phát triển trong cấu trúc nội tại của bản thân mỗi sự vật, hiện tượng, chứ hoàn toàn không phải chỉ nói đến những vận động tiến lên theo hướng có lợi cho con người!

Tôi phân tích một vài ví dụ, thông qua đó phân tích cách tư duy chẳng giống ai của Trần Đắng để bạn đọc rõ hơn.

Ví dụ về cách thức đưa tin, Trần Đắng cho rằng từ thời cổ đại con người đưa tin bằng chạy bộ, cho đến  nay là dùng điện thoại thông minh (smartphone). Ông ta nói, “tưởng vậy là tiến bộ nhưng thật ra không phải! Smartphone không hề biết lựa chọn người sử dụng thông minh, ngay thẳng hay tội phạm, gian tà. Bọn ác, bọn buôn lậu, người ngu, tên lừa đảo, đĩ điếm, v.v… cũng dùng smartphone, và càng dùng thì càng kéo xã hội đi giật lùi!”. Xin hỏi, ông đang nói về sự phát triển của cách thức đưa tin của con người, hay nói về tác dụng – tác hại của cách thức đưa tin hiện đại (dùng smartphone) đối với xã hội? Có thứ tư duy triết học nào mà lại lộn xộn như thế không? Nguyên lý về sự phát triển của triết học Mác nói về sự tự thân phát triển của mỗi sự vật, hiện tượng, rõ ràng không liên quan gì đến ví dụ kiểu này của Trần Đắng. Nhưng ông đã đưa ra đây, thì tôi cũng đành phải phân tích theo nó: Nói về cách thức đưa tin, thì từ lúc chạy bộ đưa thư đến lúc dùng smartphone mà vẫn nói là không phải phát triển thì đó là tư duy gì? Nói về tác dụng – tác hại của cách thức đưa tin hiện đại (dùng smartphone) đối với xã hội, chỉ vì có bọn ác, bọn buôn lậu, người ngu, lừa đảo, đĩ điếm… dùng smartphone mà cho rằng nó kéo xã hội đi giật lùi thì đúng là chỉ có Trần Đắng mới có thể nghĩ ra!

Ví dụ về đường xá cũng tương tự, từ lúc đi bộ 5km/giờ, tới nay đi xe trên đường nhựa 80km/giờ, nhưng nay có nhiều người chết vì tai nạn, từ đó Trần Đắng suy ra như vậy là không tiến bộ! Ông đang bàn về sự phát triển của giao thông, hay bàn về lợi – hại của sự phát triển đó đối với con người? Tôi lại hỏi, có thứ tư duy triết học nào mà lại liên thiên như thế này không?

Ví dụ về đường nhựa, Trần Đắng nói trong chiến tranh, phe miền Nam làm đường nhựa, vừa có lợi, vừa có cả hại nhỏ, vừa có hại lớn. Phe miền Nam di chuyển trên đường nhựa thuận tiện thì đó là lợi, phe miền Bắc đưa quân vào đánh quân miền Nam cũng bằng đường nhựa ấy, số lượng quân ít thì gây hại nhỏ, số lượng quân nhiều thì gây hại lớn cho phe miền Nam, như vậy là “đường nhựa có tính đa hướng”!!! Tôi lại phải cười chảy nước mắt mà hỏi các nhà triết học là, có thứ tư duy triết học nào mà…buồn cười đến thế này không?

Ví dụ về sinh viên học giỏi, Trần Đắng bảo không phải thế là tốt. Vì Trung Quốc có nhiều người giỏi thì nước Trung Quốc mạnh; Trung Quốc mạnh thì càng gây ảnh hưởng đến các nước khác! Tôi lại hỏi, có thứ tư duy triết học nào lại vớ vẩn đến như thế này không?

Ví dụ về ổi xá lị, Trần Đắng nói, ổi xá lị do có tác động của con người nên ngon hơn ổi thường, nhưng đó không phải là tiến bộ, vì ổi càng ngon, càng nhiều vitamin thì người ăn vào càng khỏe ra, “càng khỏe quậy xã hội càng lắm”! Vậy ông đang nói đến sự phát triển của giống ổi, hay nói đến cái gì? Tôi lại hỏi, có thứ tư duy triết học nào lại xằng bậy như thế này không?

Rồi còn tràng giang đại hải những ví dụ khác nữa mà Trần Đắng đưa ra, như ví dụ về thuyết tiến hóa, về chiến tranh của con người, về tinh trùng và trứng…, tất cả đều đi theo một lối tư duy hỗn độn, lộn xộn, méo mó kiểu như trên. Tôi không muốn phí uổng thời gian để đi phân tích hết những ví dụ ấy nữa, mà cũng chẳng rỗi hơi để cứ chạy theo phân tích nó làm gì, bởi với tất cả bạn đọc, đến chừng này cũng là quá đủ để hiểu về cái gọi là tư duy triết học Trần Đắng rồi.

“Thuyết đa hướng”, lý thuyết triết học của Trần Đắng, với nội dung cốt lõi là mọi sự vật, hiện tượng luôn vận động “chẳng biết đằng nào mà lần”, được chứng minh bằng “một lô” các ví dụ và suy luận khác người, có lẽ xứng đáng được gọi là lý thuyết nực cười nhất mà bộ óc con người có thể sản sinh ra!

Không những phủ nhận nguyên lý về sự phát triển, Trần Đắng còn muốn phủ nhận nhiều nội dung khác của triết học Mác.

Ông ta “phê bình” Mác vì “luôn khuôn các triết học khác theo 2 hướng là duy vật & duy tâm. Cứ duy vật là tiến bộ, còn duy tâm thì phản tiến bộ”! Bất kỳ ai nghiên cứu triết học cũng đều biết rằng, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử triết học, C.Mác không tự nghĩ ra hai trường phái ấy để khuôn các tư tưởng triết học vào loại này hay loại kia, cũng không bao giờ cứng nhắc cho rằng cứ duy vật là tiến bộ, còn duy tâm thì phản tiến bộ. Bằng phương pháp luận biện chứng, C.Mác luôn xem xét mọi sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ tác động lẫn nhau, xem xét tất cả các mặt, các khía cạnh của nó. Chẳng hạn như trên khía cạnh đạo đức, văn hóa, nhiều quan điểm duy tâm vẫn có những giá trị nhất định, C.Mác không bao giờ phủ nhận điều đó. Còn về thế giới quan, chủ nghĩa duy tâm khẳng định tính thứ nhất của ý thức, phủ nhận khả năng nhận thức của con người đối với thế giới, như vậy là phản tiến bộ. Ngược lại, chủ nghĩa duy vật khẳng định tính thứ nhất của vật chất, con người có khả năng nhận thức được thế giới, như vậy là tiến bộ. Trần Đắng đã cố tình đơn giản hóa, tầm thường hóa để hạ thấp triết học Mác.

Cũng bằng cách thức suy luận tương tự, Trần Đắng tìm cách phủ nhận lý luận giai cấp và đấu tranh giai cấp, phủ nhận tính đúng đắn của quy luật phủ định của phủ định trong triết học Mác, nhưng càng cố chứng minh (bằng những ví dụ), Trần Đắng càng bộc lộ sự hạn chế không chỉ trong hiểu biết mà còn trong cả năng lực tư duy của mình.

Người viết bài này, sau những gì đã được đọc từ Trần Đắng, thực sự không còn dám tin rằng có thể bằng đôi ba trang chữ này mà có thể vãn hồi được cách nghĩ của ông ta nữa, vì mức độ xem chừng đã trầm trọng quá rồi. Nhưng tôi vẫn mong sao, có thể qua đó mà thêm chút khích lệ để Trần Đắng bỏ công ra nghiên cứu chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng một cách đầy đủ hơn, cặn kẽ hơn, thấu đáo hơn, từ đó mà tích lũy cho mình những kiến thức triết học thực sự hữu ích. Trần Đắng nói ông là người tự học. Tự học bất cứ kiến thức gì cũng quý, tự học triết học lại càng quý hơn. Đừng vì thiếu hiểu biết, hay vì một thiên kiến nào đó mà bỏ qua, hay hạ thấp một hệ thống lý luận khoa học sinh động, hoàn bị và lôi cuốn như triết học Mác – Lênin./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

5 thoughts on “Sự học của Trần Đắng chẳng vào đâu, nên triết lý chỉ tầm phào, nhảm nhí

  • 30 Tháng Ba, 2016 at 7:18 sáng
    Permalink

    Đọc xong bài viết của Trần Đắng cảm giác thật là khó chịu. Khó chịu không phải vì mình theo chủ nghĩa Mác còn ông ta chống Mác. Khó chịu là bởi chính “cái ngu nhưng lại tỏ ra nguy hiểm” của Trần Đắng. Thực ra, ông ta chả biết gì, chả hiểu gì về Chủ nghĩa Mác – Lênin nhưng lại phân tích theo cái lối tư duy “con kiến” vụn vặt, nhỏ nhặt, hời hợt… với âm mưu chính là phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin – nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Xin thưa với Trần Đáng rằng, giá trị và sức sống mạnh liệt của chủ nghĩa Mác – Lênin đã được chứng minh rất rõ ràng và đã vượt qua biết bao nhiêu sự đả kích, chống phá của những nhà “lý luận sừng sỏ” chống Mác, chứ với dạng ông, đúng là “trình” của ông chưa tới. Đừng khua môi múa mép nữa.

    Reply
  • 30 Tháng Ba, 2016 at 9:39 chiều
    Permalink

    Không những ông Đắng không hiểu gì về triết học Mác – Lênin mà thực sự ông cũng không có chút kiến thức gì về triết học nói chung. Càng nói ông càng tỏ rõ sự “hâm” của mình khi mượn câu chữ “rối rắm” để tô điểm cho kiến thức “mờ mịt”!

    Reply
  • 30 Tháng Ba, 2016 at 10:04 chiều
    Permalink

    Thực tiễn cuộc sống luôn đòi hỏi triết học phải có sự phát triển phù hợp để giải thích sự vận động của nó một cách đúng đắn và thúc đẩy bước chuyển hoá nhanh hơn. Ở đây có vai trò to lớn của các nhà triết học, các nhà lý luận xuất sắc với sức mạnh trí tuệ, với năng lực tư duy trừu tượng đặc biệt, xuất chúng của họ. Nhưng đắng lòng thay, những thứ quan trọng ấy lại không tồn tại một miligam trong tâm trí ông, ông Đắng ạ!

    Reply
  • 4 Tháng Tư, 2016 at 3:43 chiều
    Permalink

    Với hạt nhân là phép biện chứng duy vật, triết học Mác – Lênin mang trong mình tính phê phán sâu sắc. Chính sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin là từ sự phê phán các trào lưu phản khoa học khác và cả sự tự phê phán. Sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin bắt nguồn từ bản chất cách mạng khoa học của nó, không “đứng im” mà luôn vận động phát triển cùng với sự vận động phát triển của xã hội loài người. Chính vì thế cho nên chỉ bằng vài lời nói ba hoa cộng thêm những ví dụ theo kiểu “vụn vặt” của mình mà Trần Đắng đòi phủ nhận cả một học thuyết cách mạng chân chính, thật là nực cười./.

    Reply
  • 20 Tháng Tư, 2016 at 9:18 chiều
    Permalink

    Tự học là một điều tốt, điều quý, đáng hoan nghênh. Thế nhưng, để tự học đạt kết quả tốt, tiếp thu được tri thức, vận dụng tri thức có ích vào cuộc sống thì không phải ai cũng có thể làm được. Cho nên, người ta cần mở trường lớp, cần có thầy cô định hướng, kèm cặp, dạy chữ kết hợp “dạy người”. Có lẽ, Ông – Trần Đắng cũng là một rong những người như thế. Sự tự học của ông, hay nói cách khác là ông không được dạy – mất dạy, đã tạo ra ông – một con người ngu dốt (về kiến thức) và mất nhân cách. Thôi, hãy câm miệng lại, đừng để người ta phải đắng lòng như cái tên của ông nữa.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.