Sự lố bịch của những kẻ xuyên tạc lịch sử

Trong suốt 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 – 1975), dân tộc ta đã đổ bao mồ hôi, xương máu mới giành được độc lập, tự do, Nam – Bắc thống nhất một nhà. Thế nhưng, có kẻ ngụy biện rằng: lẽ ra nhân dân ta tránh được hai cuộc chiến tranh tàn khốc chống Pháp, chống Mỹ nếu như các nhà lãnh đạo Việt Nam “khôn khéo, mềm mỏng hơn” trong quan hệ với Pháp và Mỹ. Có đúng vậy không? Hay họ cố tình “bỏ sót”? Điều này ai cũng biết, đó là thực dân Pháp đã có dã tâm quyết xâm lược nước ta một lần nữa. Sau hơn nửa thế kỷ nhìn lại, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng, người Pháp đã bỏ qua một cơ hội hòa bình để dấn thân vào một cuộc chiến tranh bẩn thỉu khi từ chối cái bắt tay hòa bình của Hồ Chí Minh. Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp được hai bên ký ngày 06-3-1946 đã thể hiện khát khao hòa bình cháy bỏng của nhân dân Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đại diện nói: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách,… Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm”[1]. Chính Tổng thống Pháp F. Mitterrand, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 02-1993 nói rằng: “Cuộc chiến tranh đó (tức chiến tranh Pháp – Việt 1945 – 1954) đối với tôi luôn luôn là một sai lầm” và “Cụ Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại nhưng không tìm được, dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập, cụ Hồ Chí Minh đã bị đẩy vào cuộc chiến tranh”[2].

Về cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược thì sao? Ngay sau khi hiệp định Geneve được ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền, nhưng bản tuyên bố cuối cùng của Hiệp định còn ghi rõ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7-1956. Thực hiện nghiêm túc Hiệp định, Đảng, Nhà nước ta muốn thực hiện một cuộc Tổng tuyển cử dân chủ trên phạm vi cả nước, nhằm thống nhất đất nước trong hòa bình. Nhưng nguyện vọng chính đáng đó đã không trở thành hiện thực bởi sự từ chối thẳng thừng của chính quyền Việt Nam cộng hòa do Mỹ dựng lên. Thay vào đó, quân viễn chinh Mỹ ồ ạt kéo vào miền Nam Việt Nam. Thế mà, một số kẻ còn ngụy biện rằng “đây là cuộc nội chiến” – cuộc chiến giữa hai miền Nam – Bắc Việt Nam, chiến tranh giữa những người Việt Nam. Và rằng “đó là cuộc chiến tranh chống Cộng sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam nhưng do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kém cỏi nên đã thảm bại”! Đặc biệt, có kẻ còn ôm mối hận thù trong lòng đã coi ngày đại thắng 30-4-1975 của toàn dân tộc là “nỗi tang thương to lớn”, là “ngày quốc hận”! Khỏi phải nói những luận điệu như thế là phi lý, phi lịch sử! Một dẫn chứng có đủ tầm ảnh hưởng và sức thuyết phục để phản bác lại quan điểm trên, đó là trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11-2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nói: “Nhiều người ở Mỹ đã hiểu sai, lầm tưởng rằng họ sang chiến đấu để giúp người Việt Nam được tự do và tự quyết”.

Sự thật lịch sử về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được cả thế giới, trong đó, có nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ đồng tình ủng hộ, thừa nhận và ngợi ca rằng: Việt Nam là lương tri của thời đại, biểu tượng của phẩm giá con người, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ngọn cờ đầu của phong trào chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX. Hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ xâm lược đã qua đi hàng chục năm, các nhà sử học, trí thức, tướng lĩnh và chính giới ở Pháp, Mỹ trong nhiều cuốn sách, bài báo, hồi ức, tổng kết về chiến tranh đã thừa nhận những sai lầm và thất bại của họ khi xâm lược Việt Nam.

Việt Nam và Pháp, Mỹ hiện đã bình thường hóa quan hệ, trở thành những đối tác toàn diện của nhau, mang lại nhiều lợi ích cho các bên. Trong khi hàng năm có hàng vạn Việt kiều ở hải ngoại về thăm quê hương, hưởng trọn niềm vui hòa giải, hòa hợp dân tộc theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cùng góp công sức xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp, dân chủ, văn minh, vậy mà vẫn còn có một số ít người Việt Nam lưu vong trên đất Mỹ, đất Pháp cố tình quay lưng, ngoảnh mặt, tiếp tục “bắn” vào quá khứ hào hùng của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Thật phi lý! Họ thật không biết lịch sử đã dạy rằng “gieo gió gặp bão”. Những kẻ cố tình “bắn” vào quá khứ, bắn vào lịch sử, làm vấy bẩn lịch sử dân tộc chắc chắn sẽ nhận được hậu quả tương ứng. Xét đến cùng đó là tội ác và đúng như câu châm ngôn hàm nghĩa về luật nhân quả và cách ứng xử trên đời “nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Những kẻ cố tình “bắn” vào lịch sử dân tộc, trực tiếp là những sự kiện, nhân vật lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh – một trong những thời đại vẻ vang, hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, không thể không coi chừng!

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, Tập 5, Tr. 12

[2] Thông tấn xã Việt Nam – Tin tham khảo thế giới, số 033, năm 1993

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.