Sự loay hoay nhằm chống phá Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Ngày 06/12/2015, bài viết “Kinh tế Việt Nam bao giờ hết loay hoay” của kẻ ẩn danh Kami trên trang mạng http//www.rfavietnam.com đã đưa ra một nhận định: Nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo. Điều đó đã làm cho nền kinh tế Việt Nam trở nên không phải là một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh như các quốc gia khác, đã gây rất nhiều hạn chế trong việc hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Đồng thời khẳng định trong nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, thì kinh tế nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo trong một nền kinh tế, chỉ có nền kinh tế tư nhân mới có đầy đủ những động lực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đây là một nhận định thiếu căn cứ, cố tình phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Đồng nhất với các quan điểm: “ Làm gì có cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “kinh tế thị trường là gắn với chủ nghĩa tư bản”, “là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản”…Qua đó muốn hướng nền kinh tế của Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Trước hết chúng ta phải khẳng định rằng: Kinh tế thị trường không phải là của riêng ai, mà là thành tựu chung của nhân loại, thị trường và kinh tế thị trường ra đời cách đây hơn 1.300 năm, nó được tồn tại và phát triển qua các phương thức sản xuất khác nhau. Dưới chủ nghĩa tư bản kinh tế thị trường được coi là mục tiêu. Vì vậy, họ lợi dụng tối đa ưu thế của kinh tế thị trường để phục vụ cho mục tiêu phát triển tiềm năng kinh doanh, chiếm đoạt lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Vai trò thống soái của chủ nghĩa tư bản trong cơn lốc toàn hóa kinh tế đã đe dọa lợi ích đến tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới… Bất chấp tất cả miễn sao chiếm đoạt được nhiều lợi nhuận. Đối với Việt Nam coi kinh tế thị trường là phương tiện, cách thức để xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội gắn chặt với việc không ngừng nâng cao đời sống toàn diện của nhân dân, tuyệt nhiên không phải là mục đích giành lấy lợi nhuận tối đa bằng mọi giá như chủ nghĩa tư bản đã làm. Như vậy thì kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội làm gì có mâu thuẫn và gây cản trở trong việc hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới như trang mạng đã viết.

Tác giả bài viết cho rằng: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo đã làm cho nền kinh tế Việt Nam trở nên không phải là một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đã gây rất nhiều hạn chế trong việc hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới…trong nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, thì kinh tế nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo, chỉ có nền kinh tế tư nhân mới có đầy đủ những động lực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển”. Thực chất của quan điểm này chính là tìm mọi cách để phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân, xóa bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến tới xóa bỏ chế độ chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Xung quanh vấn đề này chúng ta cần nhận thức rõ: nếu không có kinh tế Nhà nước đủ mạnh thì lấy gì để hỗ trợ cho các thành phần kinh tế khác vươn lên đứng vững trong cạnh tranh với các đối tác nước ngoài xây dựng một nền kinh tế phát triển thống nhất trong đa dạng, hội nhập toàn cầu hiện nay ở nước ta. Ngay cả các nước tư bản chủ nghĩa, kinh tế Nhà nước luôn đóng vai trò là “ bà đỡ”, “người cứu tử” đối với các doanh nghiệp khi họ rơi vào tình trạng khó khăn, có nguy cơ sụp đổ, làm chao đảo nền kinh tế quốc dân như: (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Tư bản phát triển ở Châu Âu…) trong những năm gần đây, Nhà nước của các quốc gia này phải dùng sức mạnh kinh tế của mình để cứu lấy hàng nghìn công ty trên các lĩnh vực kinh tế quan trọng của họ lâm vào cảnh phá sản, đổ vỡ trước cơn bão tài chính năm 2008 và các vụ thăng trầm của thị trường chứng khoán thế giới những năm qua. Đối với Việt Nam, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta luôn luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế cùng phát triển, hợp tác cạnh tranh bình đẳng. Chúng hãy đánh giá một cách sòng phẳng xem đã có mấy doanh nghiệp tư nhân trong nước hay nước ngoài đầu tư vào các ngành kinh tế có lợi nhuận thấp ở nơi có nhiều khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa của đất nước. Khi hàng loạt “cơn sốt ác tính” của thị trường bất động sản, xi măng, sắt thép…đồng loạt bùng phát, tưởng như không vượt qua, có nguy cơ tàn phá khốc liệt kinh tế đất nước, trước nguy cơ đó đã có mấy ông kinh tế tư nhân ra tay cứu trợ, nếu không phải là kinh tế Nhà nước gánh vác thành công trọng trách đầy cam go đó. Trong việc giải quyết những vấn đề xã hội ở tầm vĩ mô, có ông kinh tế tư nhân nào sẵn sàng vô tư nhảy vào làm những việc cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự tàn phá khốc liệt của thiên tai không ? Trên thực tế, việc đó chỉ có thể được giải quyết tốt, khi kinh tế Nhà nước chủ động ra tay giải quyết. Vậy thì tại sao “kinh tế nhà nước lại không thể giữ vai trò chủ đạo trong một nền kinh tế” như tác giả bài viết đã đưa ra.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, kinh tế Nhà nước đang là chỗ dựa vững chắc cho Nhà nước ta trong điều tiết, phát triển nền kinh tế, tạo ra thế và lực mới để chúng ta chủ động trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, vì lợi ích của toàn dân, bảo đảm sự hài hòa, thống nhất giữa phát triển kinh tế với giải quyết những vấn đề xã hội, thực hiện dân chủ, công bằng xã hội (đây là một tiêu chí then chốt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) mà chúng ta đã và đang thực hiện. Kể từ khi Việt Nam bước vào thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, làm thay đổi khá rõ tình hình đất nước. Kinh tế ra khỏi tình trạng khủng hoảng, hoạt động ngày càng năng động và có hiệu quả. Của cải xã hội ngày càng nhiều, hàng hóa ngày càng phong phú. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Đất nước không những giữ vững được sự ổn định trước những chấn động lớn trên thế giới mà còn có bước phát triển đi lên. Kinh tế tăng trưởng khá, chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường, văn hóa xã hội được phát triển. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Vị thế uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Vậy mà tại sao tác giả Kami lại cho rằng: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo đã làm cho nền kinh tế Việt Nam trở nên không phải là một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đã gây rất nhiều hạn chế trong việc hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới”. Đây là một nhận định vô căn cứ, một sự bịa đặt nhằm cố tình phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, phủ nhận chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước.

Kết thúc bài viết, tôi xin trích dẫn một số bài viết đánh giá khách quan về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đăng trên Euro Presse Image ngày 26-9-2015 đã khẳng định: “Phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được đẩy nhanh; mức sống của người dân được nâng lên rõ rệt, nhờ đó mà Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước kém phát triển, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Về đối ngoại ngày càng phát triển, Việt Nam đã ký thỏa thuận tiến tới thành lập khu vực mậu dịch thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), giúp thúc đẩy quan hệ thương mại với các nền kinh tế năng động của châu Á, giữa EU và Đông Nam Á và có thể trở thành hình mẫu để EU thiết lập các thỏa thuận tương tự với các nền kinh tế đang phát triển khác. Bài báo đã đánh giá cao phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã góp phần tạo ra sự ổn định và phát triển về mọi mặt, coi đây là điều cần thiết và không thể thiếu để phát triển kinh tế – xã hội. Bộ phận nghiên cứu đầu tư trực tiếp nước ngoài của báo Financial Times đã đưa ra nhận định:Nhờ môi trường chính trị ổn định, Việt Nam đứng đầu trong các nền kinh tế nước ngoài về thu hút vốn nước ngoài cho các dự án mới”. Công ty Kiểm toán Price Waterhouse Coopers nhận định: từ nay đến năm 2050, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh của thế giới”. Vì vậy, đánh giá về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam rất cần một thái độ trung thực, khách quan và động cơ trong sáng.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

6 thoughts on “Sự loay hoay nhằm chống phá Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

  • 19 Tháng Mười Hai, 2015 at 11:49 sáng
    Permalink

    Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường. Nó là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Việc dần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam bên cạnh những thành tựu là cơ bản song cũng không còn một số vấn đề cần được nghiên cứu làm rõ thêm. Tuy nhiên với việc xây dựng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã giúp nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống của nhân dân ngày một nâng cao, điều này chứng tỏ mô hình này là hoàn toàn đúng đắn. Luận điệu của Kami nhằm muốn phá bỏ lực lượng vật chất của nhà nước trong quản lý, điều tiết nền kinh tế, từ đó làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Luận điệu này cần được vạch rõ và lên án mạnh mẽ./

    Reply
  • 19 Tháng Mười Hai, 2015 at 6:49 chiều
    Permalink

    Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; có sự quản lý Nhà nước pháp quyền XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi âm mưu, thủ đoạn muốn phủ nhận mô hình kinh tế này ở nước ta đều nhằm mục đích hướng lái sự phát triển kinh tế của Việt Nam theo quỹ đạo TBCN, tiến tới thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Chúng ta kiên quyết đấu tranh loại bỏ những luận điệu ấy./.

    Reply
  • 20 Tháng Mười Hai, 2015 at 11:40 chiều
    Permalink

    nếu quan điểm “kinh tế thị trường là gắn với chủ nghĩa tư bản”, “là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản” là chắc chắn và “Chủ nghĩa xã hội” không được dùng tới “kinh tế thị trường” nữa. hỏi các vật liệu đồng, sắt do người nguyên thủy tìm ra sao chủ nghĩa tư bản được dùng? hỏi, Trâu, Bò, Lợn, Gà, Ngựa …. là do người nguyên thủy thuần chủng, sao chủ nghĩa tư bản vẫn phải dùng?…. thật là một quan điểm sai từ gốc rễ. chẳng những tự nhận vơ “kinh tế thì trường” là của mình, nhưng thực ra CNTB ra đời được mấy trăm năm, kinh tế thị trường đã ra đời bao nhiêu năm – theo đó thì quả đúng “sinh Kami rồi mới sinh cha hắn, sinh cháu Kami giữ nhà rồi mới sinh ông hắn”. thật nực cười

    Reply
  • 22 Tháng Mười Hai, 2015 at 9:34 chiều
    Permalink

    Những người bênh vực cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện nay vẫn chưa lý giải được những căn bệnh mà hàng thế kỷ đã qua các nước tư bản phát triển nhất vẫn chưa giải quyết được như: Thực trạng phân hóa thu nhập giữa: 1% và 99% dân số; di dân kinh tế; khủng hoảng kinh tế kéo dài,… Không phải vô lý khi không ít học giả có tên tuổi ở nhiều nước khuyến nghị giới cầm quyền nước họ tìm về những “liều thuốc” mà C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra từ giữa thế kỷ XIX. Vẫn phải khẳng định lại cho các lý luận gia phản động một lần nữa rằng: kinh tế thị trường là thành tựu của loài người trong quá trình tiến hóa tuy nhiên kinh tế thị trường cũng có mặt trái của nó và mặt trái này chỉ có thể được giải quyết, khắc phục bằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để xóa bỏ tình trạng người bóc lột người như cái cách mà nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đang làm.

    Reply
  • 22 Tháng Mười Hai, 2015 at 11:15 chiều
    Permalink

    Ngay từ năm 1776, nhà kinh tế học người Anh đã đưa ra lý thuyết về “bàn tay vô hình và bàn tay hữu hình”. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò điều tiết của nền kinh tế bằng các công cụ kinh tế của Nhà nước. Tuy nhiên, trong xã hội Tư bản, với lợi ích của giai cấp tư sản (quan tâm đến lợi nhuận (giá trị thặng dư), Nhà nước Tư bản, với tính cách là công cụ của giai cấp tư sản trở thành công cụ bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp tư sản. Với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; một mặt, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, mặt khác, Nhà nước xã hội chủ nghĩa – nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, điều tiết, điều hành nền kinh tế bằng các công cụ kinh tế của Nhà nước (chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô, vai trò của Kinh tế Nhà nước) nhằm bảo đảm các lợi ích cho người lao động và các chính sách xã hội khác. Chính vì thế, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một bước phát triển cao của xu thế phát triển của xã hội

    Reply
  • 31 Tháng Mười Hai, 2015 at 10:40 sáng
    Permalink

    Kinh tế thị trường ngày nay là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài của nền sản xuất hàng hóa, kinh tế hàng hóa hàng ngàn năm trong lịch sử nhân loại.
    Mầm mống của kinh tế thị trường xuất hiện ngay từ thời chế độ cộng sản nguyên thủy, khi các nghiên cứu, khảo cứu đã chứng minh được “sự trao đổi hàng hóa xuất hiện ở “đường ranh” giữa các công xã”. Từ những mầm mống ban đầu đó, kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường phát triển trong lòng tất cả các chế độ xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.
    Do vậy, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản; kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản không phải là một.
    Dưới chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có thể phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.