Thiện Ý – Gã phản động ảo tưởng

Thiện Ý nguyên là một luật sư trong chế độ Việt Nam cộng hòa. Khi chế độ bù nhìn tay sai này bị tan rã bởi cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 của quân và dân ta, y đã hòa vào dòng người trốn chạy sang Mỹ, mưu cầu bám víu vào những đồng đô la bố thí của kẻ đã từng giày xéo quê hương mình, bán nước cầu vinh. Hơn ba mươi năm đã trôi qua, khi những mối hận thù dần được hóa giải, đa phần những người lầm lạc khi xưa đã nhận ra chính nghĩa, muốn quay trở về đóng góp công sức vào công cuộc dựng xây đất nước thì lại vẫn còn đó những kẻ như Thiện Ý (đa phần đều là những kẻ gắn bó lợi ích với chế độ tay sai của Mỹ ở miền Nam Việt Nam trước đây) không chịu thức tỉnh, luôn ôm hận thù trong lòng, cứ ngày đêm điên cuồng tìm cách phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Dường như sau từng ấy năm, với đủ chiêu trò phá hoại mà vẫn không đạt được mục đích của mình, sự bất lực và phẫn uất đã khiến chúng càng ngày càng rơi vào trạng thái ảo tưởng, thậm chí là hoang tưởng. Mới đây, các trang mạng phản động lại đăng lên một bài viết của Thiện Ý với nhan đề: “Đại hội đảng 12 cần chọn giải pháp khả thi nào để cứu nước và phát triển đất nước?”. Bài viết không những không thể hiện được tầm hiểu biết của một luật sư đã có mấy chục năm trong nghề, mà còn thể hiện đầy đủ sự nông cạn, ảo tưởng và mù quáng về chính trị của y. Ở đây, người viết bài này xin được chỉ ra mấy điều, mong góp phần nào đó giúp cho Thiện Ý và những kẻ như ông ta sớm thức ngộ:

Thứ nhất, ảo tưởng về tính dân chủ trong nền chính trị phương Tây

Dang Dan Chu - Dang Cong Hoa
Cuộc đấu Đảng Cộng hòa – Đảng Dân chủ

Những kẻ như Thiện Ý, khi bàn về dân chủ ở Việt Nam, luôn tìm cách trưng ra cái gọi là tính ưu việt của nền chính trị dân chủ phương Tây, tiêu biểu là Mỹ, coi đó như một “hình mẫu”, một “chuẩn mực” để những nước như Việt Nam phải noi theo. Chỉ có những người còn mơ hồ do thiếu hiểu biết thì mới có thể bị đánh lừa bởi những luận điệu kiểu như vậy. Bởi chỉ cần có một chút hiểu biết chính trị cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng, nền chính trị phương Tây còn tồn tại đầy rẫy những khiếm khuyết, thậm chí mang nhiều yếu tố phi dân chủ, phản dân chủ. Cái gọi là dân chủ cho toàn dân ở đó chỉ là hình thức, còn thực chất, đó hoàn toàn là nền dân chủ cho một giai cấp, lại là giai cấp thiểu số trong xã hội – giai cấp tư sản. Đơn cử như ở Mỹ: bên cạnh xã hội được coi là “miền đất hứa” với những ánh mỹ kim hào nhoáng, vẫn còn tồn tại một “xã hội” khác hoàn toàn với đầy rẫy những bất công, bạo lực, đói nghèo, thất nghiệp, mất dân chủ,… Mỹ có 112 đảng, nhưng chỉ có hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thay nhau cầm quyền, tuy bề ngoài là chế độ đa đảng đối lập song xét về bản chất đó chỉ là một đảng – đảng của giai cấp tư sản. Dù Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa nắm quyền cũng đều là đảng của giai cấp tư sản, đều nhận sự tài trợ của các tập đoàn kinh tế, đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản. Vì thế, dân chủ ở Mỹ không gì khác là nền dân chủ tư sản, nền dân chủ chỉ dành cho một bộ phận thiểu số, một số ít người trong xã hội. Trong khi đó, dân chủ suy đến cùng là quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực thuộc về nhân dân lao động. Nhìn vào thực tiễn chính trị nước Mỹ có thể nhận thấy ngay: Với mỗi quyết sách được đưa ra, chính phủ Mỹ luôn phải thỏa hiệp để mang về lợi ích cho giai cấp tư sản, mà đại diện chính là giới chóp bu nằm trong thượng viện. Không bao giờ họ hy sinh lợi ích của giai cấp tư sản để có được những quyết sách có lợi cho toàn thể nhân dân Mỹ. Vậy thì dân chủ ở đâu? Hãy thôi ngay ảo tưởng về cái bánh vẽ dân chủ phương Tây này!

Thứ hai, ảo tưởng về chìa khóa vạn năng đa nguyên, đa đảng

Xuyên suốt bài viết của mình, ý tưởng mà Thiện Ý muốn đưa ra cho Việt Nam là “chuyển đổi” từ chế độ nhất nguyên sang chế độ đa nguyên đa đảng, coi đó như chìa khóa để có được một nền chính trị dân chủ thực sự. Đây là một ảo tưởng tai hại. Rõ ràng, thực tiễn chính trị thế giới đã chứng minh rằng, hoàn toàn không phải cứ đa nguyên đa đảng mới có dân chủ, và cứ nhất nguyên là mất dân chủ. Nước Mỹ, như đã nêu trên đây là một ví dụ. Mặt khác, cần phải nhận thức rõ rằng, không thể đem lý thuyết và thực tiễn chính trị của các nước có điều kiện chính trị, xã hội, lịch sử khác xa với Việt Nam để áp dụng cho Việt Nam được. Chúng ta hãy lấy thực tiễn và kinh nghiệm đa nguyên của các nước có hoàn cảnh xã hội, lịch sử… tương tự như Việt Nam để phân tích, so sánh và rút ra kết luận cần thiết là có nên lựa chọn con đường đa nguyên chính trị Việt Nam ở thời điểm hiện nay hay không? Đó là những nước như Philippin, Indonesia, Myanmar, Thái Lan (ở Đông Nam Á), Pakistan, Bangladesh, Sri Lanca (ở Nam Á), Peru, Bolivia (Nam Mỹ)… Thực tiễn cho thấy, ở các nước này, dù lựa chọn con đường đa nguyên chính trị thì những vấn đề về dân chủ vẫn không hề được cải thiện, mà còn gây ra sự mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thâm chí là cả bạo lực, xung đột vũ trang mà chính các nước phương Tây cũng lên án. Ở Việt Nam, thể chế nhất nguyên một đảng lãnh đạo hoàn toàn không đồng nghĩa với việc mất dân chủ, triệt tiêu dân chủ như các thế lực thù địch đã và đang ra sức xuyên tạc. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đều có sự tham gia đóng góp ý kiến của quần chúng nhân dân, phát huy dân chủ rộng rãi. Đường lối, chủ trương của Đảng luôn được xây dựng trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng của mọi tổ chức chính trị – xã hội, của các đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân. Thực tế không phải lịch sử Việt Nam chưa từng có chế độ đa nguyên, đa đảng, song chính lịch sử đã sớm phủ định chế độ đó. Không hà cớ gì, chúng ta lại phải quay về chế độ mà chính lịch sử của mình đã sàng lọc và loại bỏ, còn thế giới thì vẫn đang hoài nghi. Vấn đề không phải là nhất nguyên hay đa nguyên thì mới có dân chủ, mà ở chỗ chế độ chính trị ấy đại diện quyền lợi cho ai? Cho toàn thể nhân dân hay cho một số ít người!

Thứ ba, ảo tưởng về thực tiễn chính trị thế giới và Việt Nam

Không biết căn cứ vào đâu, cơ sở khoa học và thực tiễn nào mà Thiện Ý lại có thể kết luận rằng: “Chủ nghĩa cộng sản và các chế độ cộng sản trong đó có chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã ở “giờ thứ 25”, sự tiêu vong đã là một tất yếu”! Rõ ràng, đó là tột cùng của sự hoang tưởng. Trong khi thực tiễn lại minh chứng một điều ngược lại rằng, trải qua những thăng trầm, biến cố, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang có dấu hiệu hồi sinh mạnh mẽ, chứng tỏ ngày càng rõ ràng sức sống mãnh liệt của mình. Các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba… đang khiến cả thế giới phải kinh ngạc về những thành tựu to lớn đã đạt được. Riêng ở Việt Nam, chúng ta đang có thế và lực ngày càng mạnh, vị thế trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên, thể hiện cụ thể trong tất cả các tổ chức, hiệp ước, hiệp định… mà chúng ta tham gia. Liệu Thiện Ý có biết thực tiễn ấy không? Hay ông ta đang sống trong cái thế giới của riêng mình – một thế giới được tô vẽ lên bởi những điều huyễn hoặc, hoang tưởng.

Một hoang tưởng nữa của Thiện Ý về nền chính trị Việt Nam là tâm lý chính trị, thái độ chính trị của nhân dân ta. Ông ta cho rằng, thái độ của nhân dân ta đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đang dần đi đến trạng thái “tức nước vỡ bờ”, nếu đảng không tự chuyển đổi sang nền chính trị đa nguyên thì sẽ bị nhân dân đứng lên lật đổ. Có lẽ, mấy chục năm sống ở xứ người, Thiện Ý chỉ biết được về tình hình đất nước qua những thông tin méo mó mà những kẻ thâm thù cách mạng như ông ta đang tuyên truyền, nên mới có thể đi đến những kết luận hồ đồ như vậy. Ông ta không biết, hay không chịu thừa nhận thực tế rằng, tuyệt đại đa số nhân dân ta vẫn một lòng tin theo Đảng, ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng, mà sự tham gia tích cực của nhân dân vào những đợt vận động chính trị lớn của đất nước như sửa đổi Hiến pháp, Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp…là một minh chứng rõ ràng và đầy đủ. Chỉ có những kẻ tiểu nhân, muốn thỏa mãn lợi ích cá nhân, ôm chân bấu gót tư bản thì mới quay lưng lại với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta mà thôi.

Thứ tư, ảo tưởng về năng lực của bản thân

Là một luật sư, Thiện Ý muốn cố khoe mẽ cái kiến thức luật học tích lũy mấy mươi năm của mình bằng việc “khuyên nhủ” Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội và Nhân dân Việt Nam cần làm những gì, làm như thế nào để “cứu nước và phát triển đất nước”, thực chất là để chuyển đổi chế độ chính trị sang đa nguyên, đa đảng! Đọc bài của ông ta, có lẽ không có ai là không khỏi bật cười về sự ảo tưởng đến mù quáng về năng lực của bản thân đến như vậy. Cái nền hiểu biết về chế độ chính trị, về nhất nguyên và đa nguyên, về dân chủ… đã vừa sai vừa thiếu như vậy, mà ông ta còn dám mở lời khuyên nhủ, mà khuyên ai, khuyên cả Đảng, Quốc hội và Nhân dân Việt Nam! Càng viết, Thiện Ý càng thể hiện sự u mê, lầm lạc của mình. Có lẽ, dù đã có tuổi, nhưng vẫn là chưa muộn để ông ta có hể học lại, tìm hiểu lại những kiến thức lý luận và nắm bắt thực tiễn chính trị thế giới và Việt Nam, hòng có cơ hội tự vượt thoát khỏi trạng thái u mê, hoang tưởng trầm trọng hiện thời của bản thân mình.

Thay vì cứ mãi chìm đắm trong u mê hận thù cộng sản, ngày đêm chống phá nước nhà để rồi rơi vào hoang tưởng, Thiện Ý và những người như ông ta hãy mau mau tỉnh ngộ. Vẫn chưa bao giờ là muộn để ông và những kẻ lầm đường, lạc lối kịp thời hối cải, làm những điều có ích cho dân, cho nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mãi mãi phồn vinh, vững bền.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

6 thoughts on “Thiện Ý – Gã phản động ảo tưởng

  • 21 Tháng Một, 2016 at 8:15 chiều
    Permalink

    Chúng ta luôn luôn khẳng định, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của cách mạng nước ta; mục tiêu ấy phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và nguyện vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn hy vọng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Chúng ta tin tưởng chắc chắn vào thành tựu dân chủ do chính mình xây dựng. Thiện Ý cũng như các lực lượng thù địch của cách mạng Việt Nam muốn “chọc gậy bánh xe”, muốn đi ngược dòng lịch sử, nhất định sẽ thất bại, nhất định sẽ bị lịch sử đào thải và lên án.

    Reply
  • 22 Tháng Một, 2016 at 7:01 sáng
    Permalink

    Dân chủ, xét về bản chất phải trả lời câu hỏi: Quyền lực nhà nước có thuộc về số đông nhân dân lao động hay không? Cho nên, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ nhất nguyên hay đa nguyên. Đa nguyên – như tác giả đã phân tích – mà quyền lực nhà nước chỉ thuộc về thiểu số bộ phận dân cư, bảo vệ lợi ích của số ít, của nhóm người trong xã hội mà không “đếm xỉa” đến đại đa số người dân của quốc gia ấy thì đa nguyên cũng chả có dân chủ. Ngược lại là khẳng định, nhất nguyên hoàn toàn là một chế độ bảo đảm dân chủ. Cho nên, Thiện Ý hãy hồi tâm, đừng vì thù hằn giai cấp mà điên cuồng chống phá, không nghĩ gì đến thực tế mà ai cũng biết.

    Reply
  • 22 Tháng Một, 2016 at 4:01 chiều
    Permalink

    Thực tế cho thấy, hơn nửa thế kỷ nay, ở Singapo chỉ có một chính đảng nắm chính quyền là Đảng Hành động nhân dân mà cha con Lý Quang Diệu và Lý Hiển Long thay nhau lãnh đạo, song Singapo vẫn là một quốc gia phát triển rực rỡ về các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… là một trong những quốc gia luôn được các tổ chức bình chọn là “nơi đáng sống nhất hành tinh”.
    Trong khi đó nhiều nước khác có sự tồn tại của hàng chục, thậm chí hàng trăm đảng mà vẫn loạn lạc, chiến tranh, xung đột…
    Thực tế đó là minh chứng sinh động để đập lại quan điểm mấy kẻ phản động đã và đang gào lên đòi phải nhiều đảng nắm chính quyền thì đất nước mới phát triển được.
    Gã phản động Thiện Ý – một “thầy cãi” có bằng cấp dưới chế độ ngụy quyền Việt Nam cộng hòa mà lại không biết gì về đảng duy nhất nắm chính quyền và đưa Singapo thành “con rồng châu Á” suốt hơn nửa thế kỷ nay sao?
    Có lẽ Thiện Ý già cả, lú lẫn mất rồi.

    Reply
  • 24 Tháng Một, 2016 at 10:24 sáng
    Permalink

    Thưa ông Thiện Ý, tính đến sáng 23 tháng 1, đã có 200 chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế gửi điện mừng chúc mừng Đại hội XII của Đảng. Tất cả các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế, trong đó có rất nhiều hãng tin lớn củ thế giới và của chính nước Mỹ đều bày tỏ tình cảm chân thành và mong muốn Đại hội XII của Đảng thành công tốt đẹp. Đấy chẳng phải là sự thật tai nghe mắt thấy về ảnh hưởng, vị thế, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới hay sao? Ông là một người con dân nước Việt, không đóng góp gì cho mảnh đất nơi ông đã chôn rau cắt rốn thì cũng nên “trật tự” để cho đất nước được bình yên, lòng người đỡ bị phân tán bởi các giọng điệu “chống phá” như của ông và bè lũ đồng bọn nữa!

    Reply
  • 18 Tháng Hai, 2016 at 8:53 sáng
    Permalink

    Lại một nhà trí thức ảo tưởng, ngồi ở trời tây tôn thờ khẩu hiệu dân chủ mà không biết một thực tế rằng với chặng đường 86 năm qua,dưới sự lãnh đạo của Đảng cả dân tộc Việt Nam đã và đang tự hào về truyền thống của Đảng, trân trọng, nâng niu, giữ gìn những thành quả to lớn của cách mạng; khắc ghi sự cống hiến, hy sinh anh dũng của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, đồng bào, đồng chí vì mục tiêu lý tưởng của Đảng; càng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu – Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Ông đừng ảo tưởng sức mạnh của bản thân có thể xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam

    Reply
  • 26 Tháng Mười, 2018 at 2:52 chiều
    Permalink

    Thiện Ý nhưng luận điệu, phát ngôn đầy ác ý. “Miệng nam mô, bụng bồ dao găm”, bản chất thật của Thiện Ý là nhầm chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá chính quyền Nhân dân nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ. Tâm địa của Thiện Ý là đen tối, mọi người cần hết sức cảnh giác.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.