Vết “dầu loang” của chiến lược “diễn biến hòa bình”
Hungary là nước đầu tiên được Mỹ và phương Tây dùng làm thí điểm, “vật thí nghiệm” để áp dụng “diễn biến hòa bình” với các biện pháp can thiệp ngầm, sâu vào nội bộ Đảng và Nhà nước Hungary với kịch bản “không đánh mà thắng”; qua đó rút kinh nghiệm, bổ sung và hoàn thiện chiến lược này để áp dụng rộng rãi vào các nước xã hội chủ nghĩa cả ở phương Tây lẫn phương Đông. Rõ ràng, những toan tính của Mỹ và phương Tây là rất chắc chắn, chúng đã cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng đặc điểm tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử truyền thống và chọn khâu yếu căn bản, then chốt nhất là đánh vào lòng người, chiếm dụng con người; dùng biện pháp gây ảnh hưởng tâm lý đến tòan thể người dân Hungary để lôi kéo họ đứng về phía Mỹ và phương Tây; xa rời Đảng Cộng sản, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy thất bại trong việc lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Hunggari năm 1956, song Mỹ và phương Tây vẫn không từ bỏ âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” để lật đổ nước này. Lợi dụng làn sóng cải cách, mở cửa giữa những năm 80 của thế kỷ XX ở các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, người Mỹ đã dùng mọi biện pháp tâm lý để kích động người dân Hungary, khuyến khích phát triển tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền, từng bước làm cho người dân Hungary quay lưng lại với Liên Xô, tẩy chay quân đội Liên Xô; theo đó hướng về phương Tây, kết thân với Mỹ, nuôi dưỡng tham vọng được sống sung sướng, đổi đời của nhân dân các nước này. Ngón đòn độc chiêu, nguy hiểm nhất mà Mỹ và phương Tây đã áp dụng ở Hungary là thực hiện chiến dịch “đánh tỉa” nhằm vào giới trẻ, lớp người “năng động nhất, nhạy cảm nhất, dễ sai khiến nhất”. Trên cơ sở kích động tâm lý sùng bái hàng ngoại, nhạc ngoại, văn hóa ngoại, giáo dục, đào tạo ngoại…, tiến tới việc tiêm nhiễm tư tưởng, văn hóa phương Tây; tạo ra sự bất mãn của người dân với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, gieo rắc sự hoài nghi, bi quan, mất niềm tin của sinh viên, thanh niên với Đảng Lao động Hungary (ngày 11-1956, Đảng này đã đổi tên thành Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hungary).
Những động thái nêu trên diễn ra rất nhanh chóng và trên thực tế, Mỹ và phương Tây đã chiếm được sự ủng hộ, đồng tình của phần lớn sinh viên, thanh niên Hungary, nhất là các tổ chức của hai lực lượng này. Vì vậy, các cuộc biểu tình, tuần hành kéo dài của thanh niên, sinh viên đã “lây nhiễm” sang các tầng lớp nhân dân khác trong xã hội, làm cho hầu hết các thành phố lớn ở Hungary hỗn loạn, trật tự, kỷ cương, sinh hoạt xã hội bị rối loạn; nhiều hoạt động khác như sản xuất, kinh doanh, xuất bản, truyền thông…, chính phủ không kiểm soát được. Điều này đã gây áp lực vô cùng lớn cho Đảng và Nhà nước Hungary, buộc Đảng, Nhà nước Hungary phải thỏa hiệp, nhượng bộ phe đối lập, tiến hành sửa đổi hiến pháp và cuối cùng dẫn đến thay đổi đường lối, kết cục là chế độ xã hội chủ nghĩa của Hungary tan rã và sụp đổ.
Trước tình hình hỗn loạn của xã hội, nội bộ Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hungary phải đoàn kết, nhất trí cao, nhưng ngược lại, nội bộ Đảng lại bất đồng, mâu thuẫn sâu sắc. Một bộ phận lớn cán bộ, đảng viên đã “tự diễn biến” rời khỏi hàng ngũ của Đảng. Sự suy kiệt của nền kinh tế, rối loạn chính trị đã dẫn đến sự khủng hoảng sự lãnh đạo trong nội bộ Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hungary, đã buộc Đảng liên tục phải nhượng bộ phe đối lập, nhất trí thông qua đường lối, chấp nhận chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Tất cả điều đó đã mở đường cho phe đối lập trỗi dậy, nắm giữ các vị trí then chốt và cuối cùng giành lấy chính quyền, thực hiện xong mưu đồ xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Hungary. Rõ ràng, Mỹ và phương Tây đã thí điểm thành công phương thức chiến thắng chủ nghĩa xã hội mà không cần chiến tranh, dùng “diễn biến hòa bình” như một phương án tối ưu để áp dụng vào việc đánh đổ chế độ xã hội ở các nước khác, dù rằng, chúng có “cải tiến”, “cách tân”, làm mới chiến lược này cho phù hợp với đặc điểm tình hình mỗi nước xã hội chủ nghĩa, phù hợp với phong tục tập quán và bản tính người dân bản địa.
Cùng thời gian ấy, sự lây nhiễm của “diễn biến hòa bình” đã tràn sang đất nước Ba Lan, làm cho không ít đảng viên của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan thừa nhận, họ đã được đổi đời, như được “hồi sinh”, “lột xác” nhờ tiếp nhận “luồng gió mới, mát lành”. Không ai khác, chính những đảng viên Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan đã tự đốt thẻ đảng, tự “sám hối” là cả đời mình do mắc sai lầm đi theo Đảng Cộng sản và chính bộ phận “thay lòng đổi dạ” này đã kịch liệt công kích, phản kháng, phủ nhận tính hợp pháp của quân đội Liên Xô ở Ba Lan, dù trong sâu thẳm tâm hồn, họ vẫn biết nhờ có quân đội Liên Xô, đất nước Ba Lan mới thoát khỏi thảm họa diệt vong do phát xít Đức gây ra. Nhưng ngọn lửa hận thù đã làm họ mờ mắt, họ đã công khai phủ nhận mối quan hệ Ba Lan – Liên Xô, làm cho sự hoài nghi, Liên Xô từ những người cộng sản đã ảnh hưởng sâu sắc đến lòng tin của người dân trong xã hội Ba Lan lúc bấy giờ.
Đây là kẽ hở lớn nhất do nội bộ Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan tạo ra và nó đã được Mỹ và phương Tây chớp thời cơ, triệt để lợi dụng nó như một ngón đòn “độc chiêu”để thực hiện “diễn biến hòa bình” ở Ba Lan. So với Hungary, Mỹ và phương Tây đã “khôn khéo” khoét sâu vào điểm yếu nhất của xã hội Ba Lan thời đó là nước này đi lên chủ nghĩa xã hội từ nền nông nghiệp kém phát triển; những người đóng vai trò lãnh đạo ở trong Đảng và Nhà nước Ba Lan chủ yếu đều xuất thân từ nông dân.
Mỹ đã tuyên truyền, kích động, lôi kéo những cán bộ cao cấp và tầng lớp trí thức, công nhân xuất thân từ nông dân để thành lập Công đoàn Đoàn kết, một lực lượng đối trọng với Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan. Nội dung chủ yếu trong màn kịch “diễn biến hòa bình” ở Ba Lan là Mỹ và phương Tây luôn rùm beng tuyên truyền về mức sống quá thấp trong xã hội, làm cho người dân Ba Lan so sánh và nhìn thấy sự chênh lệch về mức sống của người dân Ba Lan với người dân phương Tây; qua đó làm cho họ chán nản chế độ chủ nghĩa xã hội và cho rằng, chính xã hội chủ nghĩa là nguyên nhân làm cho người dân Ba Lan đói khổ, đất nước tụt hậu, không thể phát triển. Mỹ và phương Tây đã hỗ trợ các lãnh tụ của Công đoàn Đoàn kết và nhà thờ, phát động quần chúng xuống đường biểu tình, gây bạo loạn từ thấp tới cao, làm cho sản xuất, kinh doanh đình đốn, xã hội rối loạn, qua đó gây áp lực với Đảng, Nhà nước, buộc Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan phải nhượng bộ, thỏa hiệp, bộ máy nhà nước mất khả năng điều hành, quản lý xã hội.
Thêm vào đó, Mỹ và phương Tây đã kích động và tuyên truyền tư tưởng “chia rẽ” vào thanh niên, sinh viên sự “xâm lược của Liên Xô”, đòi Ba Lan tách khỏi “sự thống trị của Liên Xô”. Với các yêu sách đề ra, vào năm 1988, các cuộc đình công kéo dài ở Ba Lan đã diễn ra, buộc Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan phải ngồi vào “bàn tròn” đàm phán với phe đối lập. Kết cục của cuộc gặp “bàn tròn” ấy là sự buông xuôi của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan, để cho các phe đối lập, đảng phái tranh cướp quyền lực, lũng đoạn trong Đảng, trong Quốc hội và Chính phủ. Việc Công đoàn Đoàn kết chiếm 99% số ghế ở Thượng viện đã đánh dấu sự thất bại cay đắng hoàn toàn của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan.
Với các yếu tố khách quan và nhân tố chủ quan nêu trên, Mỹ và phương Tây, một lần nữa, đã áp dụng thành công chiến lược “diễn biến hòa bình” ở một đất nước mà nội bộ Đảng, Nhà nước không có sự đoàn kết, nhất trí cao, không còn đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo đất nước; nhân dân không đồng tình, ủng hộ Đảng, Nhà nước. Họ đã “đơn độc” trong cuộc chiến chống lại Mỹ và phương Tây, họ đã thất bại bởi “diễn biến hòa bình” đáng ghê sợ do người Mỹ tiến hành.
Tình hình ở Tiệp Khắc đã diễn ra đúng như kịch bản “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch như đã áp dụng ở Hungary và Ba Lan, Mỹ và phương Tây đã thực thi một cách “êm đẹp” các chiêu bài tranh giành thanh niên và trí thức, lợi dụng sức mạnh của lực lượng này để tạo ra các cuộc biểu tình, gây mâu thuẫn nội bộ và rối loạn xã hội. Việc ầm ĩ tuyên truyền rộng rãi trong xã hội Tiệp Khắc mức sống qua sự so sánh quá chênh lệch giữa chủ nghĩa tư bản và đời sống của người dân ở Tiệp Khắc là một chiêu thức vô cùng hấp dẫn đã đẩy giới trẻ, trí thức ở Tiệp Khắc đi tiên phong trong việc lên tiếng đòi quyền tự do, dân chủ, đòi chính phủ phải nâng cao mức sống và điều kiện làm việc cho người dân và sinh viên, thanh niên mà lúc ấy, xã hội Tiệp Khắc không thể giải quyết được, đã làm cho xã hội Tiệp Khắc “nóng lên” từng ngày và cuối cùng rơi vào bế tắc, đất nước lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Rõ ràng, việc sử dụng ngón đòn đánh vào tâm lý, thu phục lòng người của Mỹ và phương Tây đã phát huy hết công năng, tác dụng. Phe đối lập ngày càng lớn mạnh nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Mỹ và phương Tây nên các cuộc biểu tình dài ngày, gây rối loạn, làm tê liệt các hoạt động xã hội, đã tạo ra áp lực rất lớn, buộc Đảng Cộng sản Tiệp Khắc phải tiến hành cải cách chính trị, cho phép thành lập hàng chục câu lạc bộ chính trị. Chính điều này đã làm cho bầu không khí chính trị – xã hội ở Tiệp Khắc bị pha loãng, các quan điểm trái ngược nhau trong Đảng đua nhau nảy nở như sau trận mưa rào, đã đẩy xã hội Tiệp Khắc đến bờ vực thẳm; các cuộc xung đột chính trị bắt đầu từ xung đột trong bộ máy lãnh đạo, làm cho Đảng, Nhà nước bị chia rẽ và ngày càng suy yếu.
Trước sự phản ứng yếu ớt và không rõ ràng của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, sự quản lý lỏng lẻo, bất lực của bộ máy nhà nước đã làm cho cuộc khủng hoảng trong xã hội Tiệp Khắc ngày trở nên trầm trọng. Trước tình cảnh ấy, nội bộ Đảng Cộng sản Tiệp Khắc lại mất đoàn kết kéo dài; không tìm ra phương pháp hữu hiệu nào để bảo vệ Đảng, Nhà nước trước nguy cơ sụp đổ. Đó là mảnh đất màu mỡ khiến cho các nước phương Tây đẩy nhanh tiến độ thực hiện “diễn biến hòa bình”. Cuối năm 1989, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc mất vai trò lãnh đạo và chính phủ mới được thành lập với các thành viên đa số không phải là đảng viên Đảng Cộng sản.
Qua việc phác thảo ba bức tranh nêu trên, có thể thấy một trong những đòn ác hiểm nhất là Mỹ và phương Tây đã chọn và đánh trúng, đánh đúng vào điểm hiểm yếu nhất của các nước xã hội chủ nghĩa là sự non kém của bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản và nhà nước ở các nước vừa nêu trên. Giá như các Đảng Cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu sáng suốt, tỉnh táo hơn thì họ đã không mắc mưu “diễn biến hòa bình”. Chính điều đó đã khẳng định rằng, trong thời đại hiện nay, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng Cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa đều phải tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc mácxít trong lãnh đạo nhà nước và xã hội, phải nắm chắc lực lượng vũ trang và pháp luật; thật sự đoàn kết, thống nhất, ra sức chăm lo phát triển kinh tế, ổn định chính trị – xã hội; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tôn trọng nhân dân, lấy dân làm gốc; quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ… Tất cả những điều đó nếu được làm tốt thì “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch dù có trăm ngàn phương sách, lắm trò “ảo thuật” cũng không thể gây hại cho Đảng Cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa./.
Một trong những bài học mà những người cộng sản sau này rút ra được sau chính biến ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là phải trung thành với những lý luận gốc của chủ nghĩa Mác – Lênin, tuyệt đối giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng không được phi chính trị hóa lực lượng vũ trang.