Vì sao sản phẩm văn hóa độc hại có đất tồn tại?

Mặc dầu đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng việc triển khai phòng, chống các sản phẩm văn hóa độc hại, phản văn hóa, phản động, các tệ nạn xã hội thẩm lậu vào các cơ quan, đơn vị và xây dựng môi trường văn hóa trong sạch lành mạnh trong từng cơ quan, đơn vị thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số cấp ủy, cán bộ, chiến sĩ và người dân nhận thức chưa sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này; năng lực nhận biết, phân loại, khắc phục tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại, phản văn hóa, phản động, các hủ tục, tệ nạn xã hội ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn có mức độ… Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả, sức thuyết phục trong định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cho cán bộ, chiến sĩ và người dân; gây khó khăn cho quá trình tổ chức Đại hội XII của Đảng.

Hiện nay, ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn có những cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình, thiếu biện pháp tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này; nói cách khác, chưa để tâm, quan tâm đúng mức và đầu tư thỏa đáng cho công việc này. Nội dung, hình thức một số hoạt động xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh chậm được đổi mới, hoặc đổi mới chậm; thiếu sáng tạo, một số hoạt động chưa lôi cuốn, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và người dân tham gia. Có nơi, có lúc, có mặt hoạt động còn nặng về phô trương hình thức, chạy theo thành tích. Một số nhà văn hóa, câu lạc bộ, bảo tàng, phòng Hồ Chí Minh, thư viện… hoạt động cầm chừng; chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chức năng về hướng dẫn, tổ chức và quản lý nhà nước các mặt hoạt động văn hóa cơ sở chưa được phát huy đầy đủ. Một số cơ quan, đơn vị chưa kết hợp chặt chẽ với các phường, xã, thị trấn ở địa phương trong xây dựng đời sống văn hóa mới tại cơ quan, đơn vị và khu vực dân cư.

Cần nhận thức rằng, xây dựng môi trường văn hóa ở cơ quan, đơn vị thật sự trong sạch, lành mạnh là một trong những giải pháp tối ưu để phòng, chống các sản phẩm văn hóa độc hại, phản văn hóa, phản động, các tệ nạn xã hội thẩm lậu vào đời sống của từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị; góp phần khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đã nêu ra, đồng thời, là giải pháp tốt để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta của các thế lực thù địch.

Trước thềm Đại hội XII của Đảng và chuẩn bị Bầu cử Hội đồng nhân và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2016-2021), cùng với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đấu tranhc phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại, phản văn hóa, phản động, các tệ nạn xã hội thẩm lậu vào các cơ quan, đơn vị, khu dân cư đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, sự xâm nhập ấy đến đâu, ở mức nào là hoàn toàn do chúng ta. Vì vậy, nhận thức đúng bản chất, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác này là hết sức quan trọng và nó phải được xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ hệ thống giải pháp “xây” và “chống” sau đây.

Không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn hóa hóa toàn bộ đời sống của các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn cao đối với cán bộ, chiến sĩ và người dân. Xây dựng đời sống văn hóa, văn hóa hóa toàn bộ đời sống của quân nhân và người dân là xây dựng, bồi dưỡng cho mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân có văn hóa, mỗi cơ quan, đơn vị, khu dân cư là một tập thể sống có văn hóa, toàn quân và toàn dân ta là một chế độ xã hội có văn hóa. Đó không chỉ là việc thực hiện nền nếp chính quy, xây dựng cơ quan, đơn vị, khu dân cư: xanh – sạch – đẹp… mà là sự biến đổi về chất mọi lĩnh vực của đời sống bộ đội và người dân từ nơi ăn, ở, học tập, lao động, sinh hoạt, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí đến quan hệ nội bộ và quan hệ gắn bó “tình làng nghĩa xóm”, “tắt lửa tối đèn có nhau”, cùng nhau “chia bùi sẻ ngọt”… Việc nâng cao chất lượng của các hoạt động văn hóa là một yêu cầu khách quan của nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa mới. Nhờ đó mà tạo nên đời sống văn hóa mới phong phú, đa dạng, môi trường sống tinh khiết để mỗi người được hít thở không khí trong lành, có sức đề kháng, miễn dịch tốt để ngăn chặn, đẩy lùi sự tiến công của các “vi rút văn hóa” độc hại.

Trong xây dựng đời sống văn hóa mới cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ từ khâu tổ chức điều hành đến lựa chọn nội dung, hình thức cùng với những yếu tố bảo đảm. Điều quan trọng nhất trong công tác bảo đảm không chỉ là cung cấp phương tiện vật chất hay kinh phí mà là việc cung cấp “chất liệu văn hóa” từ nguồn sản phẩm văn hóa, chương trình văn hóa lành mạnh do các thiết chế văn hóa chuyên nghiệp của Nhà nước, của Quân đội theo hướng thống nhất từ trung ương đến cơ sở. Để có nguồn này thì các thiết chế văn hóa, nghệ thuật, thông tin đại chúng chuyên nghiệp có trách nhiệm sản xuất thật nhiều sản phẩm văn hóa chất lượng tốt, xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa hấp dẫn, đồng thời chuyển tải, phân phối một cách kịp thời, đúng tiêu chuẩn, chế độ cho cơ sở và có hướng dẫn thực hiện thống nhất trong xã hội ta.

Thường xuyên đưa các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng vào nền nếp, có hiệu quả, đẩy mạnh các hoạt động phong trào sáng tác, biểu diễn với chất lượng ngày càng tốt hơn; giữ gìn, phát huy và có kế hoạch nuôi dưỡng hạt nhân nòng cốt, “khuyến khích sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, tương xứng với sự nghiệp giữ nước và dựng nước, đổi mới và phát triển của dân tộc. Nâng cao chất lượng và mở rộng diện phổ biến các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao và đa dạng”[1] của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; chú trọng hiệu quả của nó trong nhiệm vụ văn hóa – giáo dục toàn diện nhân cách, phẩm giá con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, có tác dụng tích cực đối với xã hội.

Vì vậy, cần gắn hoạt động văn hóa, văn nghệ với các hoạt động tư tưởng chính trị, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; học tập và công tác…, không tạo ra khoảng trống để các sản phẩm văn hóa độc hại, phản văn hóa, phản động, các tệ nạn xã hội có cơ hội thâm nhập vào đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân./.

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 213-214.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

4 thoughts on “Vì sao sản phẩm văn hóa độc hại có đất tồn tại?

  • 25 Tháng Mười Một, 2015 at 12:01 chiều
    Permalink

    Trên lĩnh vực văn hóa, thì sự tác động từ mặt tiêu cực của cơ chế thị trường đã, đang và sẽ tác động đến tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội. Quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế với sự du nhập của những văn hóa phẩm độc hại đang len lỏi, tác động vào đời sống văn hóa tinh thần của xã hội, làm suy giảm phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Sự chống phá của các thế lực thù địch bằng “diễn biến hòa bình” để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong đang hằng ngày, hằng giờ tác động làm xói mòn những giá trị, những quan hệ văn hóa, đạo đức, lối sống tốt đẹp trong xã hội.

    Reply
  • 27 Tháng Mười Một, 2015 at 12:47 sáng
    Permalink

    Văn hóa xấu độc xâm nhập vào các cơ quan, đơn vị trong quân đội ảnh hưởng không nhỏ đến phương hướng xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Do vậy, quá trình xây dựng đời sống văn hóa phải chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ về cảm xúc, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ lành mạnh, từ đó nâng cao khả năng xem xét, đánh giá các giá trị thẩm mỹ, biết phân biệt và đấu tranh ngăn ngừa, loại bỏ những thị hiếu thẩm mỹ lệch lạc, phản động, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

    Reply
  • 30 Tháng Mười Một, 2015 at 3:46 chiều
    Permalink

    Để ngăn chặn tiến tới xóa bỏ hoàn toàn những văn hóa phẩm độc hại cần tiến hành song song, đồng bộ nhiều giải pháp với sự vào cuộc của tất cả các cơ quan chức năng và mọi người dân. Bên cạnh đó, cần giáo dục, định hướng cho mọi người dân, trong đó cần tập trung vào thế hệ trẻ nhận thức được những tác hại của văn hóa phẩm độc hại đối với sự phát triển và tồn vong của dân tộc. Đồng thời, cần đẩy mạnh xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

    Reply
  • 11 Tháng Mười, 2018 at 11:03 sáng
    Permalink

    Tình hình phát tán văn hóa phẩm xấu, độc hại hiện nay đang diễn biến phức tạp, công khai cả ở thị thành và nông thôn đã ảnh hưởng không tốt đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Vì vậy, việc kiểm tra chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc của các cơ quan chức năng để xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh là hết sức cần thiết.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.