BƯỚC NGOẶT HIỆN THỰC HÓA SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN
Đêm 24, rạng ngày 25 tháng 10, Cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra và giành thắng lợi, tạo nên bước ngoặt hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Chế độ bóc lột của giai cấp địa chủ quý tộc và tư sản đã bị lật đổ, chính quyền cách mạng của giai cấp công nhân và nông dân Nga đã được thiết lập, ước mơ, nguyện vọng hàng trăm năm của quần chúng lao động về một chế độ xã hội không còn áp bức, bóc lột, bất công đã trở thành hiện thực ở nước Nga Xô viết.
Trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra, hiện thực hóa lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động là mục tiêu trực tiếp, trước mắt, giữ vị trí quan trọng hàng đầu nhằm tạo tiền đề, điều kiện để hiện thực hóa những mục tiêu tiếp theo của lý tưởng cộng sản. Chính quyền nhà nước là vấn đề cơ bản đầu tiên của mọi cuộc cách mạng xã hội. Cuộc cách mạng vô sản không phải là ngoại lệ. Giai cấp công nhân phải lãnh đạo quần chúng nhân dân lao động lật đổ chính quyền nhà nước của giai cấp tư sản, giành chính quyền về tay mình là vấn đề căn bản hàng đầu và điều kiện tiên quyết để bước vào cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa và đi tới xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Nếu như trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” tháng 2 năm 1848, C.Mác mới phác thảo: Để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, trước hết giai cấp vô sản phải giành lấy chính quyền – thiết lập chuyên chính vô sản, thì đến tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp”, khi tổng kết Công xã Paris (1871), C.Mác đã chỉ rõ con đường, phương thức giành chính quyền: Giai cấp vô sản không chỉ giành lấy chính quyền mà phải xóa bỏ, đập tan chính quyền của giai cấp tư sản để trở thành giai cấp thống trị. Đây chính là những lý luận căn bản nhất về con đường, phương thức đấu tranh của giai cấp công nhân để thực hiện mục tiêu bước đầu là giành lấy quyền lực nhà nước và nó chỉ trở thành hiện thực khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi.
Vận dụng và phát triển những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong tiến hành cách mạng vô sản; nghiên cứu sự vận động của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; khám phá ra quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc, V.I.Lênin nhận định: Cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ nổ ra và giành thắng lợi một số nước tư bản chủ nghĩa, thậm chí ở một nước như nước Nga – Nơi hội tụ đầy đủ và gay gắt nhất của các mâu thuẫn thời đại và thực tiễn đã chứng minh điều đó ở nước Nga Xô Viết.
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, Nhà nước Xô viết ra đời đã đưa giai cấp công nhân và nhân dân lao động trở thành người làm chủ xã hội. Đây là Nhà nước dân chủ của đa số người lao động, nhân dân được hưởng tự do, hạnh phúc thực sự, chứ không phải nhà nước của thiểu số bóc lột và không phải chuyển chính quyền từ tay một giai cấp thống trị này sang tay một giai cấp thống trị khác.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa trên hai nội dung cơ bản chính trị và kinh tế. Về chính trị là giành lấy chính quyền, xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền của giai cấp tư sản, thiết lập nhà nước cộng hòa Xô viết của công nhân, nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; thành lập một Quốc tế cách mạng mới của giai cấp công nhân; về kinh tế là tiến hành tịch thu không bồi thường toàn bộ cơ sở kinh tế của địa chủ, quý tộc, nhà thờ và giai cấp tư sản; xóa bỏ quan hệ sản xuất cũ, thiết lập chế độ kinh tế mới xã hội chủ nghĩa trên cơ sở công hữu về tư liệu sản xuất dưới sự kiểm soát của các Xô viết đối với sản xuất xã hội và phân phối sản phẩm.
Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ giải phóng giai cấp công nhân, nông dân Nga thoát khỏi mọi gông xiềng nô lệ, đứng lên làm chủ đất nước và vận mệnh của mình, mà còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới, chỉ cho họ con đường thực hiện sứ mệnh đánh đổ chế độ tư bản chủ nghĩa xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.
Với việc công bố bản Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga (Ngày 2 tháng 11 năm 1917), khẳng định: Các dân tộc có quyền bình đẳng và quyền tự quyết; xóa bỏ tất cả các đặc quyền và hạn chế về dân tộc và tôn giáo – dân tộc; các dân tộc thiểu số và các nhóm nhân chủng sống trên lãnh thổ Nga được phát triển tự do, chính quyền Xô viết đã trực tiếp thừa nhận quyền tự chủ của các dân tộc: Cộng hòa Ucraina ngày 3 tháng 12 năm 1917, Cộng hòa Phần Lan ngày 18 tháng 12 năm 1917, Ácmênia ngày 19 tháng 12 năm 1917, Extônia ngày 7 tháng 12 năm 1917 và Látvia, Lítva ngày 22 tháng 12 năm 1918. Đến cuối tháng 12 năm 1922, Liên bang Xô viết đã được thành lập trên cơ sở tình hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc đã tạo bước tiến lớn trong việc hiện thực hóa sứ mệnh của giai cấp công nhân trong giải phóng dân tộc, củng cố tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác phát triển giữa các dân tộc Xô viết cùng chung mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Mười Nga của những người Bônsêvích thành công đã trở thành một tấm gương đấu tranh, một con đường giải phóng cho dân tộc, một kiểu mẫu về giải quyết mối quan hệ dân tộc một cách thật sự tiến bộ trên cơ sở quyền dân tộc tự quyết và bình đẳng giữa tất cả các dân tộc; trở thành “một thứ vũ khí tuyên truyền mạnh mẽ cho các nước thuộc địa”. Qua đó, thúc đẩy giai cấp công nhân ở các nước châu Âu và các dân tộc thuộc địa Á, Phi và Mỹ La tinh thực hiện sứ mệnh lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc mình.
Với cách mạng Việt Nam. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã đưa ra lời giải chính xác trên thực tế về phương hướng, mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc, đó chính là chủ nghĩa xã hội và vai trò của giai cấp công nhân trong cuộc cách mạng giải phóng này. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhận thức rõ mối quan hệ biện chứng giữa đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, giữa sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, nhân dân lao động với tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Cách mạng Tháng Mười Nga đã “mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cho cả loài người, mở ra thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư sản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”.
Từ thành quả Cách mạng Tháng Mười của những người Bônsêvích Nga, giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam không chỉ tìm thấy đồng minh, có được sự ủng hộ quốc tế to lớn, mà còn giúp họ vận dụng thành công những phương pháp, cách thức, kinh nghiệm trong cách mạng giải phóng dân tộc, như đúc rút mang tính chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Thực tiễn cũng đã minh chứng, Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại mới do nó tạo nên một nhân tố thời đại quan trọng, đó là: Từ việc nghiên cứu Cách mạng Tháng Mười Nga, tin tưởng vào chủ nghĩa Mác – Lênin và đi theo con đường thời đại mà Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi dựng và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (tháng 12-1920); Người dầy công truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước và chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930; Người đã thức tỉnh các tầng lớp nhân dân, nhất là giai cấp công nhân nhất tề đứng lên gánh vác sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Tinh thần cách mạng không ngừng của Cách mạng Tháng Mười Nga tiếp tục được giai cấp công nhân Việt Nam tiếp bước, thực hiện mục tiêu: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc để đi lên chủ nghĩa xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Những kinh nghiệm của chủ nghĩa xã hội thời chiến ở Liên Xô được vận dụng sáng tạo trong “kháng chiến kiến quốc”, đặc biệt là trong thời kỳ vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng ở miền Nam, thống nhất đất nước ở Việt Nam.
Trải qua 105 năm, dù chủ nghĩa xã hội hiện thực đã từng chịu những tổn thất nặng nề, nhưng “Những thành tựu có quy mô và tầm vóc lịch sử thế giới của chủ nghĩa xã hội là không thể phủ nhận, nó đã từng là giá trị thể hiện bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội, mãi mãi còn in dấu trong lương tâm, ký ức nhân loại” của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn có tầm ảnh hưởng sâu rộng và sức sống bất diệt.
Những lý tưởng và giá trị tốt đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga đã, đang và sẽ tiếp tục cổ vũ, dẫn đường cho giai cấp công nhân Việt Nam xây dựng một xã hội – xã hội chủ nghĩa: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội XIII của Đảng khẳng định, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và coi đó là một vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Đây cũng chính là phương hướng, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của giai cấp công nhân và mọi giai tầng khác trong xã hội trong thực hiện sứ mệnh phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo những giá trị thời đại khởi nguồn từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại./.