CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA VỚI CUỘC ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ XÂY DỰNG, BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1. Cách mạng Tháng Mười Nga với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
Cách mạng Tháng Mười thắng lợi đã mở đầu một thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thức tỉnh giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân bị áp bức, soi sáng cho các dân tộc bị nô dịch đi tới cách mạng giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười Nga đã nêu tấm gương sáng trong giải phóng các dân tộc bị áp bức. Các dân tộc ở Đông Dương “Theo gương sáng của Đảng Bônsơvích Liên Xô, và cuộc đại Cách mạng Tháng Mười Nga. Cộng sản vận động thợ thuyền nông dân, tiểu tư sản thành thị, tất cả các lực lượng phản đế, tất cả các dân tộc ở Đông Dương kết thành mặt trận thống nhứt chống chiến tranh cho đến đánh đổ đế quốc Pháp làm cách mạng giải phóng dân tộc”[1].
Với lòng yêu nước thương dân vô bờ bến, khát khao cháy bỏng đem lại độc lập cho dân tộc, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đưa đất nước phát triển hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Với ý chí quyết tâm của một người dân mất nước, với nhiệt huyết và sức trẻ của tuổi thanh xuân, ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết chí đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau chặng đường bôn ba qua nhiều quốc gia, châu lục, với sự khảo nghiệm thực tế, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã bị lôi cuốn bởi thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Mặc dù, chưa hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về sự kiện vĩ đại này nhưng với sự nhạy cảm về chính trị và khát khao đất nước được giải phóng, nhân dân được tự do, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy sự kiện trọng đại này có một sức lôi cuốn kỳ diệu. Đặc biệt, khi được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo “Nhân đạo” của Đảng Xã hội Pháp (ngày 16 đến ngày 17 tháng 7 năm 1920), Nguyễn Ái Quốc đi đến một quyết định trọng đại – đó là đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, đến với con đường cách mạng vô sản, đến với Cách mạng Tháng Mười Nga và bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba do V.I.Lênin sáng lập và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp (tháng 2 năm 1920).
Sau khi ở Nga trở về Quảng Đông (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã tận tâm, tận lực truyền giảng cho thanh niên Việt Nam yêu nước, đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức, để xúc tiến cho sự ra đời của một chính Đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người viết, “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[2]. Và “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi… Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[3].
Sau khi các tổ chức cộng sản Việt Nam ra đời và nguy cơ phân liệt, mất đoàn kết, ảnh hưởng đến phát triển phong trào cách mạng chung của cả nước, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định viết thư mời, triệu tập và tổ chức thành công Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 6 tháng 01 đến ngày 8 tháng 02 năm 1930) tại Hương Cảng. Chánh cương vắn tắt của Đảng xác định rõ, “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[4].
Tấm gương Cách mạng Tháng Mười Nga là động lực to lớn, niềm cổ vũ lớn lao, thôi thúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu, quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Thực tế đã chứng minh tính đúng đắn, cơ sở khoa học của sự lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam phải đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với đường lối cách mạng đúng, sáng tạo, vận dụng tài tình, mềm dẻo, linh hoạt, phát huy sức mạnh tổng hợp, cả nội lực và ngoại lực, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công. “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam một lần nữa đã chứng tỏ tính chất đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tính chất đúng đắn của đường lối mà Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười năm 1917 đã vạch ra”[5].
Sự vận dụng đúng, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga như bài học về chuẩn bị lực lượng cách mạng, liên minh công nông; bài học về nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng; bài học về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ; về xây dựng Đảng và chăm lo củng cố chính quyền cách mạng… Những bài học kinh nghiệm trên có ý nghĩa rất quan trọng trong cách mạng giải phóng dân tộc và được tiếp nối trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga và Liên Xô sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiếp tục vận dụng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Những quan điểm tư tưởng về công nghiệp hoá và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; những chính sách phát triển kinh tế trong thời chiến và thời bình, về ruộng đất… được vận dụng trong xây dựng, khôi phục, phát triển kinh tế sau chiến tranh, thực hiện các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ nhất.
2. Cách mạng Tháng Mười Nga với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga tiếp tục được Đảng ta vận dụng, phát triển phù hợp thực tiễn cách mạng Việt Nam. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện muôn vàn khó khăn, cùng lúc vừa phải khôi phục phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Song, với kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga, nhất là kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trong điều kiện vừa phải chống thù trong, giặc ngoài, sự can thiệp của 14 nước đế quốc (1918 – 1920). Kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua bão táp, sóng gió, giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển đảo, xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Dấu mốc lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng Việt Nam là Đại hội VI của Đảng (tháng 12 năm1986). Đây là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Sự nghiệp đổi mới của Đảng diễn ra đã gặp phải khó khăn, thử thách, tác động lớn từ sự khủng hoảng, sụp đổ về mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô – thành trì của cách mạng thế giới, quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga. Vào thời điểm này, ở Việt Nam đã xuất hiện không ít những luồng tư tưởng hoài nghi sự phát triển của cách mạng Việt Nam, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. “Đục nước, béo cò”, các thế lực thù địch phản động vui mừng, hí hửng và rêu rao rằng chủ nghĩa xã hội ở các nước còn lại sớm muộn cũng sụp đổ; đồng thời chúng đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hoà bình”, đòi xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng, đòi Việt Nam phải từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội… Trong hoàn cảnh đó, những giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga và những kết quả đạt được trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước Nga là nguồn cổ vũ to lớn và tăng thêm sức mạnh để Đảng ta, nhân dân ta kiên định đổi mới, phát triển; đổi mới nhưng không thay đổi mục tiêu con đường đã chọn.
Bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga được rút ra có tính nguyên tắc như tính tất yếu khách quan phải bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức, lực lượng và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tính tất yếu của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vai trò quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Những quan điểm, tư tưởng về xây dựng quân đội kiểu mới để bảo vệ Tổ quốc và mối quan hệ giữa xây dựng với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa… được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt là sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội được khẳng định ngay từ khi Quân đội mới thành lập, thông qua một cơ chế, phương thức chặt chẽ, phù hợp, bảo đảm cho Quân đội thực sự là “tổ chức quân sự của Đảng”, luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quy luật sống còn và phát triển của dân tộc; là mối quan hệ cơ bản, lớn nhất và có tính chất bao trùm, xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Đây là mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam phản ánh quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam là dựng nước phải đi đôi với giữa nước. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài. Với nhận thức mới, “Đảng ta khẳng định xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau, xâm nhập vào nhau; xây dựng là gốc của bảo vệ và bảo vệ là bộ phận hợp thành của xây dựng; xây dựng phải gắn với bảo vệ, bảo vệ phải nhằm mục đích xây dựng, phát triển tốt hơn”[6].
Trong thời kỳ lịch sử mới, Đảng ta tiếp tục vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, đặc biệt những tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta Nga Xô viết mà một trong tư tưởng nổi bật là Chính sách kinh tế mới (NEP). Nhận xét về NEP, trong Bài phát biểu của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh “Với chính sách cộng sản quân sự trong những năm nội chiến, với Chính sách kinh tế mới trước một nền kinh tế đổ nát sau chiến tranh, Lênin đã nêu một tấm gương sáng ngời về vận dụng linh hoạt sách lược đấu tranh giai cấp thích hợp với những hoàn cảnh khác nhau của nước Nga Xô viết”[7]. Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười khai mạc hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (ngày 18 tháng 6 năm 1992) về Thời cuộc hiện nay và nhiệm vụ của chúng ta đã chỉ rõ, “Cổ phần hoá các xí nghiệp quốc doanh chính là một hình thức thực hiện chính sách kinh tế mới của Lênin trong điều kiện hiện nay”[8]. “Phải vận dụng sáng tạo và tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng của Lênin về chính sách kinh tế mới, về chủ nghĩa tư bản nhà nước, sáng tạo nhiều hình thức quá độ, những nấc thang trung gian đa dạng, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể để đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc”[9].
Đảng ta nhiều lần khẳng định sự vận dụng sáng tạo những quan điểm, tư tưởng của Chính sách kinh tế mới vào phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. “Đó là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin về chính sách kinh tế mới, mà một nội dung quan trọng của nó là chủ nghĩa tư bản nhà nước, phù hợp với hoàn cảnh thực tế nước ta trong thời đại ngày nay”[10]. “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng ta xác định có sự vận dụng và phát triển chính sách kinh tế mới của Lênin. Thực chất của chính sách kinh tế mới của Lênin là chủ trương tự do buôn bán, theo ta hiểu hiện nay là thừa nhận cơ chế thị trường”[11]. “Thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế là vận dụng chính sách kinh tế mới của Lênin, tiến hành việc điều chỉnh lớn về quan hệ sản xuất nhằm phát triển tốt lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Nội dung chủ yếu của chính sách đó ở Việt Nam là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, mở cửa để hội nhập nền kinh tế thế giới, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[12]. Như vậy, từ việc chưa thừa nhận sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường, chúng ta xem kế hoạch là đặc trưng quan trọng nhất của kinh tế xã hội chủ nghĩa, phân bổ mọi nguồn lực theo kế hoạch là chủ yếu; coi thị trường chỉ là một công cụ thứ yếu bổ sung cho kế hoạch. Không thừa nhận trên thực tế sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần, muốn nhanh chóng xóa bỏ sở hữu tư nhân và kinh tế cá thể, tư nhân; xây dựng nền kinh tế khép kín. Đến nay, “đã thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa… đã xác định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[13].
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã động viên được mọi tiềm năng vật chất và tinh thần của xã hội, vai trò động lực của khoa học và công nghệ, vai trò của giáo dục và văn hóa, tư tưởng đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế với năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Song Đảng ta cũng chỉ rõ, “sẽ là sai lầm nếu cho rằng nền kinh tế thị trường là liều thuốc vạn năng. Cùng với sự kích thích sản xuất phát triển, kinh tế thị trường cũng là môi trường thuận lợi làm nảy sinh và phát triển nhiều loại tiêu cực xã hội. Đã xuất hiện khuynh hướng làm giàu bằng bất cứ giá nào, kể cả lừa đảo, gây tội ác, vi phạm pháp luật, sẵn sàng chà đạp lên lương tâm và nhân phẩm”[14].
3. Giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Mười Nga hiện nay
Cách mạng Tháng Mười Nga có giá trị to lớn đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân trên thế giới nói chung và công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam nói riêng. Trong bài, “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”, đăng trên báo Pravđa (Liên Xô) nhân kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười Nga (ngày 7 tháng 11 năm 1917 – ngày 7 tháng 11 năm 1967), Hồ Chí Minh viết, “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[15].
Dù trải qua 105 năm nhưng Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn sáng ngời tính thời sự, có sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn. Những quan điểm, tư tưởng của lãnh tụ V.I.Lênin, giá trị và bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga được Đảng ta tiếp tục kế thừa và vận dụng sáng tạo trong thời kỳ mới. Đặc biệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu to lớn đạt được hơn 35 năm đổi mới, có ý nghĩa lịch sử “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[16]. Đây là minh chứng sống động và không thể phủ nhận về con đường cách mạng Việt Nam mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi không chỉ là biểu tượng của khát vọng và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội mà những bài học từ cuộc cách mạng này đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 575.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 289.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 304.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 1.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 175.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 64, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2016, tr. 51.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 32, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 155.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 52, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 75.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 53, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 197, 198.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 53, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 422.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 54, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 461.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 54, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 392.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 64, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.24, 33.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 39.
[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.387.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 25.
Pingback:CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA VỚI CUỘC ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ XÂY DỰNG, BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG TÌNH HÌNH MỚI |