GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA

Cách mạng Tháng Mười Nga là mốc son chói lọi đánh dấu bước ngoặt lịch sử, mở ra thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga là ngọn đuốc soi đường, dẫn dắt dân tộc ta đứng lên đấu tranh giành độc lập, xây dựng chế độ mới – chế độ xã hội chủ nghĩa. Đúng như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[1]. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, loài người đã chứng kiến biết bao thăng trầm, biến cố phức tạp của lịch sử, nhưng tầm vóc vĩ đại, giá trị, ý nghĩa của Cách Mạng tháng Mười Nga vẫn đã, đang và sẽ vẹn nguyên giá trị, tiếp tục vang mãi.

1. Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới

Cách mạng Tháng Mười Nga khác hẳn về chất so với các cuộc cách mạng trước đó vì nó xóa bỏ mọi hình thức bóc lột, người lao động trở thành người chủ của xã hội và của chính mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác và học thuyết Lênin ở một nước lớn là Liên Xô, rộng một phần sáu thế giới. Đó là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức do giai cấp công nhân và đội quân tiên phong của họ là Đảng Bônsêvích lãnh đạo. Cách mạng Tháng Mười đã dùng bạo lực cách mạng đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến địa chủ, lập nên chính quyền của những người lao động, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, một xã hội không có người bóc lột người”[2]. Nhờ Cách mạng Tháng Mười, lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân Nga thoát khỏi ách áp bức bóc lột của tư bản bằng việc tước đoạt và biến các tư liệu sản xuất của bọn chủ tư bản thành tài sản xã hội; giai cấp nông dân Nga thoát khỏi ách áp bức bóc lột của giai cấp địa chủ, phong kiến bằng việc ban bố và thi hành sắc lệnh về ruộng đất, tịch thu ruộng đất của địa chủ giao cho nông dân. Cách mạng Tháng Mười cũng đã giải thoát cho các dân tộc bị áp bức khỏi nhà tù của chế độ Nga Hoàng bằng việc thi hành chính sách dân tộc theo tinh thần quốc tế vô sản, tôn trọng quyền tự quyết và quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Nói về Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin cho rằng: “Chúng ta có quyền tự hào và quả thật chúng ta tự hào là đã có cái hân hạnh được bắt đầu xây dựng nhà nước Xô viết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”[3]. Cách mạng Tháng Mười Nga là “ngọn đuốc” soi đường, chỉ lối cho giai cấp công nhân vững niềm tin bước lên vũ đài chính trị với tư cách là giai cấp trung tâm của thời đại – “hạt nhân” của phong trào cách mạng thế giới; cổ vũ, động viên nhân dân cần lao ở các nước thuộc địa, phụ thuộc đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc; làm cho “bão táp cách mạng” từ châu Âu lan tỏa nhanh chóng và mạnh mẽ sang châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, khiến cho giai cấp tư sản vô cùng hoảng sợ, buộc phải lùi bước, xuống thang và điều chỉnh để tồn tại.

Có thể khẳng định: Cách mạng Tháng Mười Nga thành công có một ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa trên thế giới; là động lực to lớn, thúc đẩy, lôi cuốn, cổ vũ, động viên hàng loạt nước trên khắp các châu lục đã tiến hành thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc, giành được độc lập. Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, phong trào giải phóng dân tộc ở các châu lục bắt đầu chuyển sang một bước ngoặt mới với nội dung, tính chất và xu hướng phát triển mới. Bởi, “Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”[4]. Giai cấp vô sản lên nắm quyền lãnh đạo; lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động; thực hiện mục tiêu là làm cách mạng dân chủ triệt để rồi tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

2. Cách mạng Tháng M­ười Nga là một mẫu mực kiệt xuất về chiến lược và sách lư­ợc tiến hành cách mạng

V.I.Lênin và Đảng Cộng sản Liên Xô đã giải quyết thành công những vấn đề cơ bản có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong cách mạng vô sản. Đó là xác lập và không ngừng củng cố quyền lãnh đạo tuyệt đối của giai cấp công nhân – giai cấp tiên tiến nhất gắn liền với nền sản xuất hiện đại, tiêu biểu cho con đ­ường đi lên của lịch sử, ng­ười đại biểu chân chính nhất quyền lợi của nhân dân lao động thông qua chính Đảng kiểu mới của mình. Xây dựng một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, thống nhất về tư­ t­ưởng, tổ chức và hành động. Xây dựng khối liên minh công nông vững chắc, kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa với phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân các dân tộc bị áp bức. Sử dụng mọi biện pháp và hình thức đấu tranh cách mạng, tạo thành một sức mạnh tổng hợp, tạo thời cơ và chớp thời cơ đánh đổ kẻ thù, giành lấy chính quyền về tay công nông.

Có thể khẳng định: Cách mạng Tháng M­ười Nga là bài học sinh động về sự vận dụng linh hoạt, tài tình và sáng tạo lý luận bạo lực cách mạng và khởi nghĩa giành chính quyền. Đây là một cuộc cách mạng có tính chất nhân dân sâu sắc, là sự nổi dậy của quảng đại quần chúng cần lao dư­ới khẩu hiệu “công nông binh liên hiệp”, kết hợp chặt chẽ và linh hoạt lực l­ượng vũ trang và lực l­ượng chính trị, tạo thành bạo lực cách mạng to lớn đủ sức đập tan bạo lực phản cách mạng, giành và bảo vệ chính quyền nhân dân. Đó là những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa phổ biến đối với tất cả các nư­ớc trong quá trình tiến hành cách mạng vô sản. Đó cũng là những vấn đề có ý nghĩa thời sự nóng hổi trong sách lư­ợc, chiến l­ược cách mạng của thời đại ngày nay.

3. Cách mạng Tháng Mười Nga giương cao ngọn cờ hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc

Cách mạng Tháng Mười Nga bắt đầu chuyển sang một hệ thống xã hội tiến bộ hơn, hệ thống chủ nghĩa xã hội mà loài người luôn mơ ước; tạo ra trong đời sống một hình thái mới của hệ thống chính trị. Từ “chiếc nôi nước Nga”, chế độ xã hội chủ nghĩa được xây dựng ở nhiều không gian địa – chính trị trọng yếu, thu được những thành tựu to lớn. Chủ nghĩa xã hội đã trở thành một thực thể quan trọng, cấu thành nền chính trị thế giới và tác động sâu rộng đến quan hệ quốc tế. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã nhân lên sức mạnh của phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh và nguy cơ chiến tranh, góp phần củng cố, phát triển tình hữu nghị và sự hợp tác giữa các dân tộc.

Với bản chất yêu chuộng hòa bình và để thoát ra khỏi tình thế nguy ngập trong cuộc chiến tranh, ngay khi cách mạng vừa thành công, Chính quyền Xô viết đã ra “Sắc luật hòa bình” lên án cuộc chiến tranh đế quốc đang diễn ra và kêu gọi các nước tham chiến ở cả hai bên hãy nhanh chóng đàm phán, ký kết một hòa ước chấm dứt chiến tranh. Đồng thời, không thể tiếp tục cuộc chiến tranh phi nghĩa và hao tổn tiềm lực quốc gia, Chính phủ Xô viết quyết định đàm phán với đế quốc Đức để rút khỏi chiến tranh. Bên đạnh đó, ngay sau Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, Chính quyền Xô viết đã công bố bản “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc Nga” khẳng định những nguyên tắc cơ bản của Chính quyền Xô viết đối với vấn đề dân tộc là: Bình đẳng và chủ quyền của các dân tộc; các dân tộc nước Nga được quyền tự quyết một cách tự do, kể cả việc tách ra và thành lập các quốc gia độc lập; xóa bỏ tất cả các đặc quyền và hạn chế về dân tộc và tôn giáo – dân tộc; các dân tộc thiểu số và các nhóm nhân chủng sống trên lãnh thổ nước Nga được phát triển tự do. Đó là những nguyên tắc pháp lý quan trọng về vấn đề dân tộc. Đồng thời khẳng định những cơ sở kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của chủ nghĩa xã hội được xây dựng là tiền đề xóa bỏ ách áp bức giai cấp, nô dịch dân tộc, tạo sự bình đẳng, đoàn kết, xích lại gần nhau giữa các dân tộc.

Có thể nói: kiên định và giữ vững những nguyên tắc về hòa bình, bình đẳng, hữu nghị giữa các dân tộc từ Cách mạng Tháng Mười, trong hơn 70 năm tồn tại, mặc dù phải đối diện với những khó khăn, thách thức nhưng Nhà nước và nhân dân Xô viết luôn lựa chọn mục đích hướng tới hòa bình, dân chủ. Chính ngọn cờ hòa bình được nêu cao từ Cách mạng Tháng Mười, được Liên Xô kế tục là một nhân tố có vai trò quyết định ngăn chặn cuộc chiến tranh thế giới mới và hạn chế bớt những cuộc chiến tranh xâm lược cục bộ do chủ nghĩa đế quốc gây ra.

4. Cách mạng Tháng M­ười Nga khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin, từ lý luận trở thành hiện thực

Chế độ Xô viết và chủ nghĩa xã hội hiện thực – thành quả của Cách mạng Tháng M­ười đã có những cống hiến to lớn đối với sự phát triển của xã hội loài ng­ười. Ngày nay, mặc dù chủ nghĩa xã hội hiện thực trên quê h­ương của Cách mạng Tháng Mư­ời và ở Đông Âu đã đổ vỡ, như­ng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là những thành quả, ảnh h­ưởng, giá trị và ý nghĩa của Cách mạng Tháng M­ười không còn nữa. Những gì đã và đang diễn ra trong không gian hậu Xô viết đã chứng minh trên thực tế sự nghiệp của Cách mạng Tháng M­ười vẫn đang sống trong lòng nhân dân ngay tại các n­ước mà chế độ xã hội chủ nghĩa ở đó bị đổ vỡ. Chỉ đến bây giờ, sau sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội, những người lao động ở Nga và các xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây đang ngày càng ý thức ra việc họ đã có được những gì và đã bị mất đi những gì. Đồng thời, sự phục hồi các đảng cộng sản ở những n­ước xã hội chủ nghĩa trước đây cũng như sự thắng thế của các tư tưởng tiến bộ, dân chủ ở nhiều nước trên thế giới hiện nay càng khẳng định bản chất cách mạng, nhân văn của Cách mạng Tháng M­ười.

Những biến đổi sâu sắc chư­a từng có trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của n­ước Nga Xô viết sau Cách mạng Tháng M­ười đặt nền móng hiện thực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải quyết thành công những vấn đề hết sức cấp bách của xã hội loài người nh­ư: vấn đề chiến tranh và hòa bình, dân tộc, tôn giáo; đã đoàn kết đ­ược mọi dân tộc, mọi tầng lớp, mọi giáo phái thực hiện lý t­ưởng chung là xây dựng một xã hội tốt đẹp, bình đẳng, công bằng, mang lại độc lập, tự do của các dân tộc và hạnh phúc cho tất cả quần chúng lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là một ­ước mơ cao đẹp của loài ng­ười, sau Cách mạng Tháng M­ười vĩ đại trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn, lôi cuốn hàng nghìn triệu ng­ười vào hành động cách mạng, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”[5].

5. Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ ra con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam

Trong quá trình tìm đường cứu dân tộc khỏi ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, đến với Cách mạng Tháng Mười. Người khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”[6]. Bởi vì, “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã làm rung chuyển cả thế giới, trong đó có Việt Nam”[7]. Từ đó, Người đi đến nhận thức về con đường giải phóng dân tộc của Việt Nam: muốn cách mạng thành công thì phải đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, cuộc cách mạng lấy quần chúng nhân dân làm gốc và giải phóng triệt để quần chúng nhân dân khỏi ách áp bức, bóc lột. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại.

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), Đảng đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo Cách mạng Tháng Mười Nga, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Dưới ánh sáng soi đường của Cách mạng tháng Mười Nga, với đường lối đúng đắn, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc; làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả; tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

6. Mặc dù thế giới có nhiều biến đổi, nhưng thời đại mới từ Cách mạng Tháng Mười Nga không thay đổi

Ngay từ khi cuộc Cách mạng Tháng Mư­ời Nga thành công, đã có không ít kẻ bôi nhọ, xuyên tạc, phủ nhận giá trị và ý nghĩa thế giới của cuộc Cách mạng vĩ đại này. Ngày nay, sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nư­ớc xã hội chủ nghĩa Đông Âu, những kẻ cơ hội và những lý luận t­ư sản lại lớn tiếng thoá mạ, bôi nhọ, phủ nhận giá trị và ý nghĩa quốc tế của Cách mạng Tháng M­ười. Chúng mô tả những gì diễn ra trong Tháng Mư­ời năm 1917 ở nước Nga nh­ư là “một sự kiện ngẫu nhiên”, “là sự chệch h­ướng lịch sử”, nh­ư là “một đứa trẻ bất hợp pháp”; Cách mạng Tháng M­ười chỉ là một thứ “đẻ non”! Và, nó “đã chết”… Cho dù các thế lực thù địch luôn cố tình phủ nhận, xuyên tạc lịch sử, song chúng cũng không thể làm lu mờ được giá trị và ý nghĩa trường tồn của Cách mạng Tháng Mười Nga.

Nhân loại tiến bộ luôn ghi nhận, biết ơn Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 – một sự kiện vĩ đại có ý nghĩa đột phá, mở đường để nhân loại tiến vào một chế độ xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa tiến bộ, nhân văn, tất cả vì con người, sự phát triển toàn diện của con người. Thực tiễn cho thấy, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã vượt qua cơn chấn động chính trị, kiên cường đấu tranh để trụ vững và phát triển. Các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, tôn trọng thực tế khách quan”, “kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn mỗi nước” để đề ra đường lối cải cách, đổi mới đúng đắn, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của nước mình, phù hợp với xu thế thời đại. Sự kiên cường và phát triển mới của các nước xã hội chủ nghĩa đã thực sự trở thành tấm gương sáng cho những người cộng sản và nhân loại tiến bộ trên thế giới trong đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Bằng chứng là, trong những năm qua, tuy trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã có những bước phục hồi và có sự phát triển. Nhiều Đảng công sản đã thông qua cương lĩnh chính trị, đánh dấu sự thoát ra khỏi khủng hoảng về đường lối. Trước những biến động của thời đại, nhân loại càng khẳng định những giá trị tốt đẹp và bản chất nhân văn của chủ nghĩa cộng sản, điều mà mọi người, mọi quốc gia, dân tộc đều hướng tới. Điều đó khẳng định: Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tiếp tục soi sáng con đường phát triển của cách mạng thế giới, chứ không như một số người lầm tưởng.

Tóm lại, 105 năm đã trôi, qua kể từ khi tiếng súng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga rền vang, nhân loại đã chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm, phức tạp. Nhưng một sự thật lịch sử không thể phủ nhận được là với việc thủ tiêu chế độ phản động câu kết giữa giai cấp tư sản và phong kiến Sa hoàng, khai sinh nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, Cách mạng Tháng Mười Nga – Cuộc cách mạng làm “rung chuyển thế giới” vẫn là một trong những sự kiện bước ngoặt trọng đại nhất của sự phát triển xã hội loài người, mở ra một con đường đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột, xây dựng một thế giới mới công bằng và tiến bộ. Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn vẹn nguyên giá trị trường tồn với nhân loại và thời đại ngày nay./.

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thât, Hà Nội, 2011, tr. 387.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 387 – 388.

[3] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tr.184 – 185

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 388.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 390.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 304.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 625.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

One thought on “GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.