Cơ sở khoa học phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Trải qua 30 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới, với đường lối hợp quy luật, hợp lòng dân, đầy tính sáng tạo, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, làm cho công cuộc đổi mới vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh nội lực – sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được phát huy cao độ. Khẳng định điều này, Văn kiện Đại hội XII của Đảng viết: “Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường…Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Bên cạnh ưu điểm, Đại hội XII của Đảng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong hoạt động lãnh đạo và tổ chức xây dựng, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc thời gian qua: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân…. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp có lúc, có nới chưa sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở, còn có biểu hiện hành chính hoá, chưa thiết thực, hiệu quả”.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về tình hình trong nước và thế giới, về dân tộc và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống đoàn kết của dân tộc, quan điểm đoàn kết dân tộc của Đảng tiếp tục được khẳng định và thể hiện ngày càng rõ trong các kỳ đại hội Đảng. Đến Đại hội XII, Đảng khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng, tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc”. Nếu đem so sánh với các Văn kiện trước đây của Đảng, quan điểm Đại hội XII về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc có một số điểm mới:
1. Phương hướng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Một là, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quan điểm này của Đảng trước hết là sự kế thừa kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ qua. Đặc biệt là khi cả nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, kinh nghiệm về xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc được Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát triển và được thể hiện rõ trong các Nghị quyết, Văn kiện của Đảng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII khẳng định “Mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc”. Kế thừa quan điểm đó, Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh: trong xây dựng chủ nghĩa xã hội phải “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”. Đến Đại hội XI, quan điểm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong hoàn cảnh mới”. Đến Đại hội XII, Đảng ta vừa thể hiện sự nhất quán quan điểm trên, nhưng đã có sự bổ sung thêm, cụ thể hoá nội hàm “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” đó là “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời khắc phục những hạn chế trong phát huy nguồn lực, tiềm năng của nhân dân.
Hai là, quá trình xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc phải luôn tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc. Quan điểm Đại hội XII là sự kế tiếp, nhưng có sự bổ sung mới so với quan điểm trước đó của Đảng, thể hiện ở các khía cạnh: 1. Trong xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc phải thừa nhận, chấp nhận, tôn trọng những điểm khác biệt trong cộng đồng xã hội, nhất là sự khác biệt về văn hoá của vùng, miền, dân tộc. 2. Đảng nêu lên quan điểm tôn trọng sự khác biệt, nhưng không chấp nhận sự khác biệt đi ngược lại đạo lý nhân văn con người, giá trị truyền thống văn hoá, trái với lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc.
Sự khẳng định này có giá trị quan trọng trong định hướng hoạt động thực tiễn: chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện sai trái trong phân biệt, đối xử đang tồn tại trong xã hội ta; là cơ sở để đấu tranh chống lại mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại đường lối, chủ trương, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực phản động, thù địch; sâu hơn nữa là tạo cơ sở để toàn Đảng, toàn dân có sự thống nhất trong nhận thức và hoạt động xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
2. Về nhiệm vụ và giải pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Trên cơ sở kế thừa những nhiệm vụ, giải pháp của Đại hội XI, căn cứ vào thực tiễn đất nước và thực trạng xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong những năm qua, Đại hội XII có bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp mới: Tiếp tục thể chế hoá và cụ thể hoá các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân.
Đây là những nhiệm vụ, giải pháp được Đảng cụ thể hoá thêm, thể hiện sự phát triển về tư duy lý luận của Đảng ta trong lãnh đạo triển khai, tổ chức thực hiện phương hướng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; đảm bảo cho các chủ trương đó nhanh chóng đến được với các tầng lớp nhân và được thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn. Những giải pháp này còn có giá trị tích cực thúc đẩy thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân và phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của mọi công dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội./.
Có thể khẳng định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng vì mục tiêu giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; Xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã được mở rộng hơn với nội dung phong phú, sâu sắc hơn và hình thức đa dạng hơn. Đây chính là nhân tố quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trước tình hình thế giới đầy biến động và khó lường như hiện nay.