Để khoa học công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu
Quan điểm Đại hội XII của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ có nhiều điểm mới đáng chú ý:
Một là, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII khẳng định “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”.
Khoa học và công nghệ “thực sự” là quốc sách hàng đầu, có nghĩa, mọi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng – an ninh, bảo vệ Tổ quốc đều phải dựa vào khoa học và công nghệ, được thực hiện bằng khoa học và công nghệ. Bởi vậy, phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu là quan điểm mới, thể hiện sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn mới, nhằm thực hiện mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thực tế cho thấy, mặc dù nhiều lần được khẳng định là quốc sách hàng đầu, nhưng khoa học và công nghệ vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương. Quá trình phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta còn nhiều nút thắt cần tập trung tháo gỡ. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Việc huy động nguồn lực của xã hội cho khoa học, công nghệ chưa được chú trọng. Không hoàn thành mục tiêu xây dựng các trung tâm khoa học lớn đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới. Thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm. Công tác quy hoạch, phát triển khoa học, công nghệ chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ còn thiếu định hướng chiến lược, hiệu quả thấp.”
Hai là, để làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp.”
Đây là “điểm nhấn” của Đảng so với các kỳ đại hội trước, là giải pháp có tính chất “đột phá” thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ trong điều kiện mới. Thực tiễn cho thấy, sự phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta thời gian qua, bên cạnh những thành tựu, đã bộc lộ những hạn chế lớn: “Khoa học, công nghệ chưa thực sự gắn kết và trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội.” Một trong những nguyên nhân của những hạn chế đó là do khoa học và công nghệ chưa nhận được sự đầu tư thích đáng từ các ngành, các cấp, chưa được ưu tiên đầu tư “trước một bước”. Hoạt động khoa học và công nghệ thời gian qua, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Chi dành cho khoa học và công nghệ hiện chiếm 2% ngân sách nhà nước, tương đương với mức trung bình các nước trên thế giới, nhưng do GDP còn thấp, nên nguồn đầu tư cho khoa học và công nghệ của Việt Nam hàng năm còn rất khiêm tốn. Nếu tính bình quân theo đầu người, vốn đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta chỉ đạt 12-13 USD/người, thuộc diện thấp nhất thế giới, thấp hơn cả một số nước trong khu vực như Philippines, Indonesia… Việc huy động các nguồn đầu tư xã hội, nhất là từ phía các doanh nghiệp còn thấp.
Hiện nay, đầu tư cho khoa học và công nghệ của khối doanh nghiệp chỉ bằng 50% đầu tư từ ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp ở nước ta chưa thực sự quan tâm đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. Nguyên nhân là do, cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, cũng như dành một phần lợi nhuận để đầu tư cho khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ nên với 10% lợi nhuận sẽ không đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ hoặc tạo ra sản phẩm mới.
Từ thực tế đó, với quan điểm nhấn mạnh “ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước” để phát triển khoa học và công nghệ của Đảng, sẽ tạo tiền đề quan trọng cho việc “huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ”.
Ba là, cùng với hệ thống giải pháp đồng bộ đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, Đại hội XII của Đảng xác định, phải tập trung: “Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia”.
Đây là quan điểm, giải pháp mới về phát triển khoa học và công nghệ, lần đầu tiên được đưa vào văn kiện của Đảng. Đồng thời, là giải pháp cơ bản, cấp bách thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển, thực sự “là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh” trong điều kiện hiện nay.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, bên cạnh việc gia tăng nguồn vốn đầu tư, “chìa khoá” để thúc đẩy đổi mới sáng tạo là phải gia tăng sự lưu thông, liên kết ý tưởng, và phối hợp thực hiện giữa các phần tử trong xã hội. Tuy nhiên, đây là điểm yếu cơ bản của Việt Nam, khi chưa tạo ra sự phối hợp hiệu quả giữa ba đối tượng chính, cần tham gia vào những nỗ lực đổi mới sáng tạo quốc gia, là: doanh nghiệp; trường đại học cùng các tổ chức nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ và Nhà nước. Đặc biệt là, sự phối hợp liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ còn rất mờ nhạt.
Để tạo bước đột phá phát triển khoa học và công nghệ, Đại hội XII của Đảng chủ trương tập trung xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, bằng hệ thống giải pháp đồng bộ: “Phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học. Khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức và hoạt động của tổ chức khoa học, công nghệ công lập. Hoàn thiện thể chế định giá tài sản trí tuệ, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm các vi phạm. Hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu công nghệ.”
Những quan điểm mới về phát triển khoa học và công nghệ được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định, đã thể hiện sự trung thành và vận dụng đúng đắn sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của đất nước. Đồng thời, thể hiện bản lĩnh trí tuệ, nhạy bén, tự chủ, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những quan điểm trên là một hệ thống đồng bộ, vừa “nâng tầm” của khoa học và công nghệ, vừa đề ra những giải pháp đột phá, cơ bản, lâu dài thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững trong giai đoạn mới./.
Để quan điểm của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ đi vào thực tiễn cuộc sống, trước tiên cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để các định hướng phát triển khoa học, công nghệ được thực hiện có hiệu quả, các cấp uỷ đảng, chính quyền và mỗi người dân phải quán triệt quan điểm Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là quan tâm phát triển khoa học, công nghệ, tạo động lực, nguồn lực và môi trường thuận lợi nhất cho khoa học, công nghệ phát triển.
Việc tiếp thu và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất góp phần cải thiện nền công nghiệp lạc hậu của ta. Nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại đã được chuyển giao vào nước ta trong các lĩnh vực tạo nền tảng cho các ngành công nghiệp chủ chốt của nước ta. Từ đó, thúc đẩy rút ngắn quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để khoa học công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu cần đãi ngộ một cách thỏa đáng các nhà khoa học, nhất là những người giỏi – bao gồm mức lương đặc biệt, nhà ở, phương tiện đi lại và làm việc, những đảm bảo ổn định khác…
Để khoa học công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu cần khẩn trương xây dựng các phòng nghiên cứu chuyên sâu và đặt các trường đại học theo mô hình các trường đại học nghiên cứu chất lượng cao của thế giới thay vì duy trì lâu các viện nghiên cứu độc lập nằm ngoài trường đại học.