Phát triển văn hóa – xã hội, khâu đột phá chiến lược phát triển đất nước
Đại hội XII của Đảng xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, trong đó những nội dung về văn hoá, xã hội được trình bày thành bốn vấn đề: Một là, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hai là, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; Ba là, phát triển văn hoá, xây dựng con người; Bốn là, quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Các nội dung, nhiệm vụ này luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, rằng buộc lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình vận động, phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là nội dung, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Điều đó không chỉ nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ này mà đã tạo ra sự nhất quán với quan điểm giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Đại hội XII của Đảng đã kế thừa, tiếp thu, chọn lọc những nội dung cốt lõi trong Văn kiện Đại hội XI và các nghị quyết Trung ương, đã phân tích thực tiễn giáo dục, đào tạo và tiếp tục phát triển quan điểm đó trong bối cảnh mới. Đại hội XII tiếp tục khẳng định, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược. Như vậy, Đại hội XII khẳng định mạnh mẽ, nhất quán về vị trí, vai trò của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nhấn mạnh đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016 – 2020.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là con đường thực hiện sứ mệnh của giáo dục. Đại hội XII tiếp tục khẳng định quan điểm phát triển giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đồng thời, mở rộng, cụ thể hoá nội dung quan điểm phát triển giáo dục, đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học và công nghệ, với quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực. Cơ sở khoa học để xác định sứ mệnh của giáo dục là dựa trên sự phân tích xu hướng phát triển của giáo dục đại chúng và giáo dục tinh hoa trên thế giới, xu hướng phát triển của kinh tế tri thức và cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục. Giáo dục trên thế giới đang phát triển theo xu hướng đa dạng hoá. Nhiều quốc gia đã thành lập trường đại học nghề, để đào tạo nhân lực lao động nghề. Trường đại học nghiên cứu bậc 1,2,3 để đào tạo các chuyên gia nghiên cứu lý thuyết.
Bản chất quan điểm nâng cao dân trí là phát triển giáo dục đại chúng để mọi người dân ai cũng được học hành, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh. Giáo dục phải mở ra nhiều loại hình đào tạo, nhiều trường lớp, tạo cơ hội để mọi người được học và học được. Đây chính là quan điểm “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo”. Nhưng phải đảm bảo tiêu chí “Chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục và đào tạo”.
Bản chất của quan điểm đào tạo nhân lực là phát triển giáo dục đáp nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới. Phát triển giáo dục phải tương thích với phát triển xã hội. Phát triển giáo dục phải đi trước đón đầu sự phát triển của xã hội. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phải phát triển hệ thống trường nghề, trường đại học nghề. Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội.
Bản chất của bồi dưỡng nhân tài là phát triển giáo dục tinh hoa, coi trọng chất lượng. Xây dựng nền giáo dục chất lượng cao, mở các loại trường chất lượng cao ở phổ thông, mở trường đại học nghiên cứu. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.