Quan điểm Đại hội XII của Đảng về giải quyết mối quan hệ “vừa hợp tác vừa đấu tranh” trong hội nhập quốc tế hiện nay

Nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, tiếp tục gia tăng sức mạnh quốc gia, nắm vững và thực hiện đúng đắn quan điểm mà Đại hội XII của Đảng: “hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đây là luận điểm mới, rất sâu sắc được Đảng bổ sung trong Văn kiện Đại hội XII, có ý nghĩa định hướng, chỉ đạo quá trình hội nhập quốc tế của đất nước ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội : kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Khẳng định: “hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh” là kết quả sự đổi mới tư duy, sự phân tích sâu sắc tình hình thế giới, khu vực và của đất nước dựa trên sự kiên định, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới. Vì vậy, quan điểm “vừa hợp tác vừa đấu tranh” trong quá trình hội nhập quốc tế mà Đại hội XII đưa ra cần phải được nghiên cứu, quán triệt một cách sâu sắc, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay.

Hiện nay, quốc tế hoá, toàn cầu hoá trở thành một xu thế của thế giới đương đại. Cả thế giới là một thị trường, phân công lao động, hợp tác quốc tế hết sức năng động. Mỗi quốc gia trở thành một bộ phận của thế giới mở. Nước nào chấp nhận hợp tác phân công lao động sẽ có cơ hội phát triển, hoà nhập với thế giới, không chấp nhận sẽ bị bỏ rơi. Quốc tế hoá, toàn cầu hoá là xu thế phát triển khách quan của xã hội loài người và, suy cho cùng được quy định bởi sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất. Hội nhập quốc tế chính là sự ứng xử chủ quan của các quốc gia, dân tộc đối với xu thế khách quan đó. Nói cách khác, hội nhập quốc tế là một tiến trình chủ quan dựa trên nhận thức về các quy luật khách quan của sự phát triển xã hội. Hội nhập quốc tế là phương thức phát triển đất nước phù hợp với xu thế khách quan của thế giới và thời đại.

Thực tế hội nhập quốc tế đã góp phần thúc đẩy kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ, bên cạnh đó tạo ra một sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã tạo ra những khả năng mới để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường cho hàng hoá, dịch vụ và có điều kiện xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật để đưa đất nước phát triển.

Đến nay, nước ta đã thu hút hơn 15 nghìn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký trên 200 tỷ USD, đóng góp ngày càng tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với các nước và khu vực quan trọng. Năm 2016, với việc đàm phán, ký kết thành công Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) và Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC) chính thức đi vào hoạt động, chúng ta đang cố gắng tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai vào Việt Nam để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

 Tuy nhiên, hội nhập quốc tế đã, đang và sẽ đặt ra cho đất nước ta không ít thách thức mới cần phải đấu tranh, ngăn chặn. Do toàn cầu hoá luôn đòi hỏi sự quốc tế hoá thị trường, sự gia tăng ảnh hưởng của các công ty xuyên quốc gia, sự thống trị của các cơ cấu siêu nhà nước vốn được tạo ra do kết quả hội nhập kinh tế. Các quá trình này, đến lượt mình lại thu hẹp đáng kể khả năng điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Nhà nước ta. Trong khi đó thì tư bản xuyên quốc gia lại có sức mạnh điều tiết kinh tế toàn cầu và nếu có cơ hội nó có thể làm khuynh đảo thị trường trong nước. Bằng nhiều con đường khác nhau, nhất là thông qua con đường hợp tác đầu tư, chúng khuyến khích phát triển mạnh kinh tế tư nhân hòng lấn kinh tế nhà nước, thực chất là nhằm xoá bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, thủ tiêu cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, từng bước tạo ra những tiền đề cho chuyển hoá chế độ kinh tế – xã hội ở nước ta. Đồng thời, thực hiện chiến lược “chi phối đầu tư”, các thế lực thù địch còn tìm cách xâm nhập, khống chế các ngành kinh tế then chốt, nhằm tạo sự lệ thuộc, lái nền kinh tế nước ta từng bước đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa đế quốc lợi dụng sự tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các nước trong hội nhập quốc tế để hạ thấp chủ quyền quốc gia; lấy một thị trường không biên giới để phủ nhận tính bất khả xâm phạm của toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; lấy các thiết chế quốc tế làm mô hình siêu nhà nước đứng trên các nhà nước…, làm cho độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đứng trước nguy cơ bị xâm phạm. Sự ổn định của đất nước bị đe doạ bởi các thế lực thù địch, phản động, đang truyền bá tư tưởng chống phá Đảng và Nhà nước. Các giá trị ngoại lai (trong đó có lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền), nhất là văn hoá phương Tây xâm nhập ồ ạt, làm tổn hại bản sắc văn hoá dân tộc. Nhiều giá trị bản sắc văn hoá của dân tộc bị xói mòn và mất dần ảnh hưởng …

Tất cả những vấn đề trên đã đặt ra một yêu cầu hết sức quan trọng và khách quan cho Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế đúng đắn trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, mềm dẻo, linh hoạt về sách lược, với những phương thức ứng xử tinh tế trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay để củng cố hoà bình, an ninh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của đất nước.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

One thought on “Quan điểm Đại hội XII của Đảng về giải quyết mối quan hệ “vừa hợp tác vừa đấu tranh” trong hội nhập quốc tế hiện nay

  • 12 Tháng Năm, 2016 at 6:56 sáng
    Permalink

    Về thực chất, hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh để thực hiện lợi ích quốc gia, dân tộc trong các mối quan hệ nhiều mặt đa dạng, song phương, đa phương với các chủ thể khác nhau trong cộng đồng quốc tế. Hội nhập quốc tế là toàn diện trên mọi lĩnh vực, theo một chiến lược tổng thể nhưng mức độ và lộ trình hội nhập trong từng lĩnh vực phải phù hợp với năng lực của đất nước trong lĩnh vực đó, tránh khuynh hướng mở cửa, hội nhập vô nguyên tắc.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.