Quan điểm Đại hội XII về xây dựng và phát triển con người Việt Nam

Điểm mới rất quan trọng lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam “thấm nhuần tinh thần dân tộc”. Đây là mục tiêu quan trọng đối với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Con người gắn với văn hóa – một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thì đương nhiên con người – chủ thể sáng tạo các giá trị văn hóa, phải mang bản sắc dân tộc của văn hóa. Con người “thấm nhuần tinh thần dân tộc” tức là mọi nhận thức và hành động của con người đều có tính dân tộc, mang bản sắc dân tộc. Mục tiêu xây dựng con người Việt Nam thấm nhuần tinh thần dân tộc là để con người Việt Nam biết đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, là bao hàm trong đó cả tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Thấm nhuần tinh thần dân tộc là thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ công dân đối với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc và đất nước; là tinh thần tự tôn dân tộc trong quan hệ quốc tế. Thấm nhuần tinh thần dân tộc chân chính tất yếu sẽ gắn chặt mục tiêu của dân tộc với mục tiêu của thời đại, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Xây dựng con người Việt Nam “thấm nhuần tinh thần dân tộc” là phù hợp với xu thế của thời đại – các quốc gia, dân tộc đang điều chỉnh chiến lược, trong đó lợi ích quốc gia, dân tộc được đặt lên hàng đầu.

Về định hướng phát triển con người, Đại hội XII khẳng định “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”.

Để phát triển con người, cần phải hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người hướng tới các giá trị phổ quát của nhân loại là chân – thiện – mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập.

Xây dựng và phát triển lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; nâng cao ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; phát huy tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Để xây dựng, phát triển con người, bên cạnh khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn, Đảng ta nhấn mạnh việc kết hợp giữa xây và chống. “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”.

Về xây dựng môi trường văn hóa, Đảng nhấn mạnh đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ trước tác động phức tạp của cơ chế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Một điểm nhấn trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là tính chất đồng bộ của môi trường văn hóa – xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho môi trường văn hóa trở thành “miền định hướng” – nơi nuôi dưỡng, hoàn thiện con người Việt Nam.

 Đại hội XII khẳng định là: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.

Để con người phát triển không chỉ là chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn cho nhân dân với tư cách mục tiêu của sự phát triển xã hội, mà còn là bồi dưỡng toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và nhân cách cho con người nhằm phát huy nguồn lực con người với tư cách động lực quan trọng và căn bản nhất của sự phát triển bền vững.

Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm năng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Đây là quan điểm mà Đảng ta luôn nhất quán, mang tính định hướng chiến lược trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam.

Để văn hóa trở thành động lực hướng vào xây dựng và phát triển con người phải tạo điều kiện cho các yếu tố chứa đựng giá trị sáng tạo của văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người. Không ngừng nâng cao hàm lượng văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội con người là để đẩy nhanh hiện thực hóa sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Mọi hoạt động của hệ thống giáo dục – đào tạo, khoa học và thiết chế văn hoá phải hướng vào việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, trí tuệ và đạo đức; gắn với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, nâng cao trí lực và kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.