Quyết tâm đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ XII, một trong những giải pháp quan trọng nhằm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được Đảng ta xác định, đó là: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, trước hết là người đúng đầu cấp uỷ, chính quyền và của toàn bộ hệ thống chính trị. Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xẩy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”.

1. Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng và vô cùng khó khăn, phức tạp, bởi lẽ “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe doạ sự tồn vong của chế độ”. Điểm mới trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đảng ta đã xác định rõ tham nhũng, lãng phí không chỉ là thách thức, mà trở thành thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng…đe doạ sự tồn vong của chế độ. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài.

2. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trước hết phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí. Đây là một nội dung thể hiện quan điểm mới của Đại hội XII về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước hết phải có các giải pháp thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, không để tham nhũng, lãng phí xảy ra rồi mới xử lý, giải quyết tình hình tham nhũng ngay từ gốc, triệt tiêu các điều kiện nảy sinh và phát triển của hành vi tham nhũng, lãng phí.

Để thực hiện tốt việc phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, Đảng xác định rõ cần “Đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; thu chi ngân sách, mua sắm công, tài chính,, ngân hàng, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; công tác cán bộ; quản lý doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; giáo dục, đào tạo và y tế”. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

3. Xác định rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý kịp thời người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình trực tiếp quản lý. Đây là một quan điểm mới, phản ánh nhận thức đúng của Đảng ta về nguồn gốc nảy sinh và điều kiện tồn tại của tham nhũng, lãng phí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Đảng khi xảy ra các hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, cá nhân đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền. Ngay trước khi diễn ra Đại hội XII của Đảng, trước yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngày 07/12/2015, Bộ Chính trị đã ra chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác  phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Đồng thời, Bộ Chính trị đã yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí.

4. Phải kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để không thể tham nhũng và không dám tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả quan hệ “lợi ích nhóm”; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Sơ kết, rút kinh nghiệm của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng những năm vừa qua cho thấy, tình hình tham nhũng đang có những diễn biến vô cùng phức tạp, đa dạng được che đậy bằng thứ vỏ bọc kín kẽ rất khó để phát hiện, điều tra, xử lý. Thực tế đã xuất hiện sự liên kết “ma quỷ”, “lợi ích nhóm” trong các hoạt động tham nhũng. Để phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, vấn đề cần quan tâm giải quyết là cần phải có cơ chế để phòng ngừa, răn đe, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”, đặc quyền, đặc lợi; xoá bỏ cơ chế “xin – cho”; khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”; đồng thời phải tập trung nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

5. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Vai trò của của các cơ quan dân cử và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của báo chí, hiệp hội ngành nghề không chỉ là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các thành viên, hội viên, mà còn thể hiện ở việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói riêng. Luật Phòng, chống tham nhũng đã có quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, Ban thanh tra nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. Báo chí, một mặt, lên án, đấu tranh và tạo sự phản ứng mạnh mẽ của công luận đối với những hành vi tham nhũng, những biểu hiện tiêu cực, lối sống xa hoa lãng phí, tệ quan liêu hách dịch cửa quyền của những kẻ thoái hoá biến chất trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Mặt khác, báo chí còn nhân lên, lan toả những gương người tốt, việc tốt, những người dũng cảm dám đấu tranh với nạn tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

4 thoughts on “Quyết tâm đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

  • 8 Tháng Sáu, 2016 at 1:54 chiều
    Permalink

    Trong những năm qua,Ðảng và Nhà nước ta đã tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nhiều vụ án tham nhũng, trong đó có những vụ án lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý.Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng, lãng phí còn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ.

    Reply
  • 9 Tháng Sáu, 2016 at 8:51 sáng
    Permalink

    Tham nhũng là một trong bốn nguy cơ của cách mạng Việt Nam, cùng với lãng phí đã gây nên tác hại khủng khiếp cho xã hội trên cả lĩnh vực kinh tế lẫn những chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội. Lợi dụng tham nhũng, lãng phí các thế lực thù địch khoét sâu vào chống phá, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, âm mưu gây bất ổn chính trị, tiên tới lật đổ chế độ. Do vậy, phả kiên quyết phòng chống tham nhũng lãng phí, xử lý nghiêm với bất cứ đối tượng nào.

    Reply
  • 9 Tháng Sáu, 2016 at 8:55 sáng
    Permalink

    Trong thời gian qua, một số vụ án “điểm” về tham nhũng được đưa ra xét xử đã tạo nên dư luận tốt với sự đồng tình ủng hộ to lớn của nhân dân. Do vậy, để tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả cần mạnh tay hơn nữa, kiên quyết hơn nữa để cho những kẻ cơ hội không dám tham nhũng, không thể tham nhũng.

    Reply
  • 9 Tháng Sáu, 2016 at 9:09 chiều
    Permalink

    Tham nhũng, lãng phí là thứ giặc “nội xâm” đặc biệt nguy hiểm. Nó làm suy giảm lòng tin của dân vào Đảng và cơ quan Nhà nước, làm suy thoái, băng hoại đội ngũ cán bộ và trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy, chống tham nhũng, lãng phí phải được coi là công việc cấp bách và là công việc thường xuyên của Đảng và Nhà nước.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.