Sự thật của những “thư ngỏ” và “kiến nghị” với Đảng ta

Những năm qua, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng việc Đảng, Nhà nước ta tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn hoặc nhân diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước để đẩy mạnh tuyên truyền những luận điệu sai trái nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng và lôi kéo, kích động các hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Trong năm 2015 vừa qua, các thế lực thù địch lợi dụng việc tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng để tán phát hàng ngàn bài viết có nội dung hết sức phản động, xuyên tạc, phủ nhận bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Đảng và những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam; xuyên tạc, phủ nhận cương lĩnh chính trị, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân với Đảng, gây hoài nghi, giao động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt nguy hiểm là một số bài viết đã tán phát trên các trang mạng xã hội gần đây núp dưới vỏ bọc “thư ngỏ”, “kiến nghị” với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương mà những người tham gia ký tên vào bản “kiến nghị” cho là họ “hết sức trăn trở, lo âu về vận mệnh đất nước”“ là yêu cầu bức thiết phù hợp với ý nguyện đông đảo của nhân dân”. Nhằm tăng “độ tin cậy” và thuyết phục người đọc với các “thư ngỏ”, “kiến nghị”, cuối bản các bản “kiến nghị”, họ đã liệt kê danh sách những người ký tên đồng tình, trong đó có một số người đã từng là cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, trí thức có học vị, học hàm: tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, bác sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ, thậm trí cả một số cán bộ cao cấp quân đội, công an đã nghỉ hưu. Để tìm sự thật về những “trăn trở, lo âu về vận mệnh đất nước” của các “thư ngỏ”, “kiến nghị” này, xin các độc giả và mọi người hãy quan tâm tới hai vấn đề những người là người ký tên vào bản “kiến nghị” đó là ai? và quan trọng hơn là xem xét thực chất nội dung những kiến nghị của họ là gì?

Một là, những người ghi danh, ký tên vào bản “kiến nghị” không phải là đại biểu của các tổ chức chính trị, xã hội do nhân dân bầu ra, không phải là đại biểu của nhân dân và cũng không được nhân dân ủy quyền. Mặc dù, những người ghi danh ký tên vào bản “kiến nghị”, rất nhiều người đã từng là cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, trí thức có học vị, học hàm: tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, bác sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ, thậm trí cả một số cán bộ cao cấp quân đội, công an đã nghỉ hưu…nhưng họ hoàn toàn không phải là đại biểu của nhân dân, không do nhân dân bầu ra và cũng không được nhân dân ủy quyền. Chắc chắn “đông đảo nhân dân” mà họ đề cập trong bản “kiến nghị” không phải là những người Việt Nam chân chính. Vì vậy, theo tôi những người này không được mượn danh là “ý nguyện của đông đảo nhân dân” để “kiến nghị”, 127 người ký tên vào bản kiến nghị đó không thể đại diện cho nhân dân, cũng không do nhân dân bầu ra. Vì vậy, họ không có lý do gì để tự nhận mình là đại biểu của nhân dân và trên thực tế tôi tin rằng không có nhân dân nào lại yêu cầu họ “kiến nghị” những nội dung như vậy. Trong số 127 vị ghi danh ký tên vào bản “kiến nghị” này, tôi thấy rất nhiều người trong số đó đã từng ghi danh, ký tên vào các bản “kiến nghị”, “thư ngỏ” của nhóm 61 người và nhóm 20 người được tán phát trang các trang mạng xã hội năm 2013 nhân dịp Đảng, Nhà nước ta tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Trên thực tế, từ ngày 15 tháng 9 năm 2015 đến ngày 31 tháng 10 năm 2015, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội, các cấp, các ngành trong cả nước đã tổ chức hàng ngàn cuộc hội thảo, thảo luận lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với đất nước của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã được các cơ quan chức năng tổng hợp gửi đến Ban soạn thảo văn kiện và Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu quốc hội đã thảo luận góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng. Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XI họp tại Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 21 tháng 12 đã thảo luận, kết luận bổ sung những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Do vậy, xin các bạn đọc hãy hết sức tỉnh táo, để nhìn nhận xem họ là ai? vì sao họ lại phải nhân danh là đại diện cho “ý nguyện của đông đảo nhân dân”? và nhân dân mà họ đại diện là nhân dân nào? họ kiến nghị vì ai? vì sao lại tán phát kiến nghị trên các trang mạng xã hội? …

Hai là, thực chất nội dung các “kiến nghị” của họ là gì? Là một công dân của nước Việt Nam, sau khi đọc bản “kiến nghị” có ghi danh của 127 người gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương (tán phát trên các trang mạng xã hội vừa qua), tôi nghĩ rằng, muốn kiến nghị đúng đắn trước hết cần có cái nhìn khách quan về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, phải đánh giá đúng những thành tựu, ưu điểm đã đạt được và những hạn chế, khuyết điểm; không được thổi phồng thành tựu, ưu điểm, cũng không bi quan tuyệt đối hóa thổi phồng những hạn chế, khuyết điểm.

Như mọi người đã thấy: Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa XI đã họp tại Hà Nội từ ngày 05 đến ngày 11 tháng 10 năm 2015, Ban Chấp hành Trung ương đã đánh giá khách quan về tình hình kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015, chỉ rõ những kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém; xác định kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách năm 2016. Trong bản “kiến nghị”, không biết các vị căn cứ vào đâu để đánh giá thực trạng nền kinh tế – xã hội đất nước bằng cái nhìn bi quan, tăm tối “Thực trạng kinh tế đang có nhiều bất ổn (nổi lên là ngân sách và cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt nặng kéo dài, nợ công tăng quá nhanh)…văn hóa xuống cấp; đạo đức xã hội bị băng hoại; nhân dân càng mất lòng tin vào thể chế chính trị” và quy kết đổ lỗi:“Sự phát triển của đất nước bị kìm hãm chủ yếu là do Đảng Cộng sản Việt Nam từ nhiều năm nay dẫn dắt dân tộc đi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô-viết dựa trên chủ nghĩa Mác – Lênin”, “Đảng Cộng sản Việt Nam bám giữ thể chế độc tài toàn trị với bộ máy cầm quyền hết sức nặng nề, thiên về dùng bạo lực và dối trá, vi phạm nhiều quyền tự do dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân”

Tôi thấy đây không phải là “kiến nghị” mà thực chất đây là sự vu cáo, xuyên tạc, phủ nhận, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi Đảng từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn và hy sinh, phấn đấu xây dựng mấy chục năm qua để nhân dân ta có cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay…

Chúng ta hãy cùng điểm lại và xem những nội dung mà 127 vị ghi danh lần này “kiến nghị” với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị có điểm gì mới không? Tôi thấy hoàn toàn không có gì mới, họ vẫn lặp đi, lặp lại điệp khúc mà các bản “thư ngỏ”, “kiến nghị” trước đây đã đề cập, như: “Đảng Cộng sản Việt Nam dứt khoát từ bỏ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo con đường chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ động tiến hành cải cách triệt để và toàn diện theo con đường dân tộc và dân chủ”, “đổi tên Đảng (không gọi là Đảng Cộng sản); đổi tên nước (không gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); chấm dứt sự trấn áp và ngăn chặn nhân dân thực hiện quyền tự do dân chủ theo Hiến pháp”… “xây dựng dựng mới và hoàn thiện hệ thống luật (đặc biệt là luật bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân…luật về đảng chính trị và đảng cầm quyền); xây dựng bộ máy cầm quyền tinh gọn với ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp) độc lập”… Họ kêu gọi: “Các đại biểu Đại hội XII (của Đảng), với cương vị và trách nhiệm là thành viên cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam cần làm đúng quyền hạn của mình, bãi bỏ những quy định của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự…yêu cầu Đại hội được bầu trực tiếp Tổng bí thư…”

Tôi xin điểm lại những nội dung của bản “kiến nghị” để chúng ta thấy những cái gọi là “kiến nghị” ấy không có gì mới, mà vẫn lặp đi, lặp lại điệp khúc mà các bản “thư ngỏ”, “kiến nghị” trước đây họ đã đề cập. Những cái mà họ gọi là “kiến nghị” ấy, không xuất phát từ động cơ trong sáng, cũng không thực sự tâm huyết, trách nhiệm vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, vì sự phồn vinh và tương lai của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân…

Một lần nữa, cần khẳng định dứt khoát rằng: Đây không phải là “kiến nghị” có động cơ trong sáng, có nội dung đúng đắn. Vì nếu kiến nghị với Đảng tại sao lại phải tán phát trên các trang mạng xã hội; nội dung “kiến nghị” về thực chất đây là sự tuyên truyền những luận điểm sai trái của một nhóm người; họ lợi dụng “kiến nghị” để vu cáo, xuyên tạc, phủ nhận, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi Đảng từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hướng lái đưa đất nước đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

5 thoughts on “Sự thật của những “thư ngỏ” và “kiến nghị” với Đảng ta

  • 25 Tháng Một, 2016 at 10:52 sáng
    Permalink

    Một bài viết đã chỉ rõ bộ mặt thật của những kẻ bày đặt “tâm thư” với Đảng! Thực chất không tồn tại cái gọi là “tâm thư” mà chỉ là sự xuyên tạc, kích động, bôi nhọ Đảng, bôi nhọ chế độ trong những ngày Đại hội XII diễn ra để gây bầu tâm lý bất an trong xã hội. Mọi người dân Việt Nam yêu nước cần cảnh giác trước những “tâm thư” kiểu như “tâm thư 127” hiện đang xuất hiện nhan nhản trong mạng Internet!

    Reply
  • 25 Tháng Một, 2016 at 2:35 chiều
    Permalink

    Rõ ràng những ý kiến, nhận định nêu trong “thư ngỏ”, “tâm thư” này không thể là thái độ của người “yêu nước thực sự, đầy tâm huyết” như họ tự xưng. Những “tâm thư”, “thư ngỏ” kiểu này đều là những chiêu trò nhằm bôi nhọ, xuyên tạc nói xấu Đảng, nói xấu chế độ trước những sự kiện trọng đại của đất nước. Chúng tung những bức “thư ngỏ”, “tâm thư” này lên mạng xã hội nhằm để gây xáo trộn tâm lý trong nhân dân. Chúng ta cần cảnh giác trước những chiêu trò kiểu này!

    Reply
  • 27 Tháng Một, 2016 at 9:04 sáng
    Permalink

    Nếu cứ chê người ta ngoài đảng, không đại diện cho ai mà không lắng nghe người ta thì làm sao thay đổi, làm sao phát triển được ! Có 1 sự thật hiển nhiên là, nhiều thằng tù còn giỏi hơn cả giám đốc trại giam !

    Reply
  • 17 Tháng Hai, 2016 at 10:52 sáng
    Permalink

    Trong sự vận động xã hội, việc có những quan điểm, ý kiến khác nhau là bình thường và chúng ta cũng luôn tôn trọng chính kiến, ý kiến đa chiều. Tuy nhiên, quan điểm, ý kiến khác nhau nếu thực sự là “góp ý, kiến nghị” thì cũng cần phải thực hiện theo đúng hình thức và đúng địa chỉ chứ không phải cứ tung bừa lên mạng internet. Với những người có quan điểm khác với quan điểm của Đảng, của Nhà nước, lại đứng danh nghĩa nhân sĩ, trí thức, khi nêu quan điểm hay hành động điều gì càng phải làm sao cho đúng và có văn hóa như cái mỹ từ này.Đừng lợi dụng cái gọi là “góp ý, kiến nghị” để chống phá Đảng và Nhà nước

    Reply
  • 23 Tháng Hai, 2016 at 8:21 chiều
    Permalink

    Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân, của các văn sĩ, trí thức và tất cả các thành phần trong xã hội miễn là những ý kiến đó có giá trị và phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, những “kiến nghị” mượn danh đại biểu của nhân dân để chống phá Đảng, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân và sự nghiệp cách mạng thì đó chỉ là những tiếng “hú” lạc lọng đi ngược lại với đường lối phát triển đất nước, làm mất đi tinh thần dân chủ và chắc chắn sẽ không thể đảo ngược được sự đi lên, phát triển của cách mạng Việt Nam, tất yếu cũng sẽ không phù hợp với sự mong mỏi của nhân dân. Vì vậy, hãy đừng ngay những tiếng kêu lạc lõng ấy.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.