Trí tuệ – nguồn sáng của Văn kiện Đại hội XII
Phương Duy
Bác Hồ và Đảng ta là hiện thân cao nhất của trí tuệ Việt Nam, là linh hồn của cách mạng Việt Nam. Bác và Đảng ta đã xác định đúng đắn mục tiêu, đường lối, chiến lược, sách lược đấu tranh cách mạng; đã lãnh đạo nhân dân và quân đội ta từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; đánh thắng thực dân Pháp với Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thực hiện trọn vẹn lời căn dặn của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc; đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; khởi xướng và lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Chìa khóa” đem lại thành công của việc xây dựng đường lối, chủ trương và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là Đảng ta luôn quan tâm chăm lo phát triển trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên với hệ các giải pháp phù hợp, khả thi; từng bước nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; coi trọng việc trí tuệ hóa đảng, trí tuệ hóa nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi trí tuệ là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nét nổi bật của phát triển trí tuệ Việt Nam là Đảng đã tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ tri thức gắn với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ; coi đó là quốc sách hàng đầu; là đầu tư cho tương lai, là mắt khâu đột phá để tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới, phát triển, thực hiện giá trị đạo đức và văn minh trong Đảng, trong xã hội ta. Đố là cơ sở khoa học để Đảng và Nhà nước xây dựng, phát triển các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Để góp phần đóng góp trí tuệ vào việc bổ sung, hoàn thiện Văn kiện Đại hội XII của Đảng, đưa đường lối, quan điểm của Đảng vào cuộc sống; thiết nghĩ, mỗi người chúng ta cần phải nhận rõ hơn vai trò, vị trí của người công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hiến kế, đề xuất giải pháp, kế sách phát huy sức mạnh của trí tuệ Đảng, trí tuệ của dân tộc Việt Nam; đặc biệt là vai trò ngày càng tăng của đội ngũ tri thức, của sức mạnh trí tuệ trong cuộc chạy đua với thời cuộc, tạo động lực mới thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không ngừng phát triển với hệ giá trị thành công mới, cao hơn.
Một trong những giải pháp đột phá trong phát triển trí tuệ Việt Nam thời kỳ mới là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chấn hưng nền học thuật nước nhà, nâng cao trình độ nhận thức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về vị trí, vai trò, tác dụng của trí tuệ Việt Nam. Giải pháp này thể hiện trên ba cấp độ: Thứ nhất, tập trung đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong bộ máy Đảng, Nhà nước – những người có trách nhiệm hoạch định chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thứ hai, đổi mới nội dung, hình thức, phương thức nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho xã hội, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức; tạo ra trình độ học vấn cao, sự tinh thông và thành thạo tay nghề, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thứ ba, nâng cao mặt bằng học vấn, trình độ trí tuệ, kỹ năng sống cho quảng đại quần chúng nhân dân lao động. Muốn vậy, cần nghiên cứu, xây dựng cho được hình mẫu người lao động trí tuệ Việt Nam với một hệ chuẩn các tiêu trí xác định, khả thi, phù hợp với từng đối tượng cần bồi dưỡng, phát triển trí tuệ.
Cần đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận và tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới về con đường, giải pháp phát triển trí tuệ để áp dụng, vận dụng vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm cao trí tuệ của người Việt Nam trong tình hình mới, nhất là trí tuệ của những người giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy, quản lý cơ quan, đơn vị. Hãy suy ngẫm lời dạy của Bác Hồ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” để củng cố ý chí quyết tâm vươn lên xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, làm cho đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Chìa khóa để mở ra con đường đưa nước ta tiến lên, trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2050, không có gì khác mà chính là tài sản trí tuệ – vốn liếng quý nhất của dân tộc, nguồn sáng của đổi mới và phát triển, cơ sở để thực hiện giá trị đạo đức, văn minh.
Nói một cách khác, chúng ta chỉ có thể có được một bộ văn kiện Đại hội XII chất lượng tốt nhất; nước ta chỉ có thể phát triển bền vững khi trí tuệ của Đảng, của nhân dân ta được coi trọng và không ngừng phát triển. Trong quá trình chấn hưng đất nước, chúng ta cần sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhưng nguồn này đang bị khai thác cạn kiệt và đến một ngày nào đó sẽ không còn. Nguồn vốn và của cải duy nhất để có thể phát triển đất nước mà không sợ cạn kiệt và ô nhiễm môi trường là tri thức, trí tuệ. Đây là nguồn vốn, của cải vô tận và là động lực để nước ta bước vào nền kinh tế tri thức. Chính nó là sự cứu nguy quá trình chảy máu chất xám đang diễn ra trầm trọng ở nước ta. Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ trí tuệ, tri thức, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo lại được đề cao và tôn vinh như hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ, Đảng, Nhà nước ta lại lo ngại về sự tụt hậu do hậu quả kém phát triển trí tuệ, tri thức, khoa học, công nghệ như hiên nay. Đảng ta ý thức sâu sắc rằng, trí tuệ chỉ là một nguồn lực trong quá trình phát triển đất nước; nó không phải là yếu tố duy nhất; nhưng thiếu nó thì không thể phát triển. Cán bộ, đảng viên mà thiếu trí tuệ thì không thể lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh.
Để phân định một cách rõ ràng đúng sai, chân lý và sai lầm, những việc cần làm, nên làm và không nên làm trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì nhất thiết Đảng phải nâng cao năng lực, trình độ trí tuệ của mình và nó được thể hiện rõ ràng, sâu sắc nhất ở bộ Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Bởi vì, một đảng là đạo đức, là văn minh, luôn tỏa sáng và được nhân dân tin yêu, tín nhiệm trước hết phải là đảng có trí tuệ, do trí tuệ của cán bộ, đảng viên của Đảng tạo nên. Đây là yếu tố cần thiết làm cho “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”./.
Góp ý văn kiện Đảng là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng nhằm động viên, phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo văn kiện Đại hội XII. Điều này tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn kiện ngay trong quá trình xây dựng cũng như khi đã trở thành Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tạo niềm tin, động lực đưa Nghị quyết và các văn kiện của Đảng vào cuộc sống.
Người Pháp có trí tuệ tốt không? Người Mỹ có trí tuệ tốt không?….Người Pháp có thua trận trước người Việt Nam không? Người Mỹ có thua trận trước người Việt Nam không?… Ai đã làm cho người Pháp, người Mỹ cay đắng chấp nhận là kẻ “cơ bắp” có thừa so với nước Việt Nam nhỏ bé, vẫn là kẻ bại trận? “Xem thành bại luận anh hùng”. Người xưa chẳng từng dạy một câu chí lý “mạnh dùng sức, yếu dùng mưu”. Như thế, người Việt Nam thắng người Pháp, người Mỹ không bằng cái “mưu” cái “trí” bằng trí tuệ thì bằng cái gì? Và Đảng Cộng sản Việt Nam là người đại diện cho cái “mưu”, cái “trí”, cái trí tuệ. Thế mới biết, lịch sử đã kiểm nghiệm và đừng nghi ngờ trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đơn giản là thế thôi.
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp và Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Để sự nghiệp cách mạng nước tiếp tục phát triền trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, một trong những vấn đề quan trọng, chúng ta phải nâng tầm trí tuệ của Đảng và nhân dân. Chí có trí tuệ chúng ta mới nhìn nhận, đánh giá đúng những thuận lợi và thách thức, đồng thời có những chủ trương, biện pháp, cách làm để tận dụng những thời cơ, vượt qua những khó khăn, lực cản, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to dẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu, con người Việt Nam được phát triển toàn diện, giữ vững nền hòa bình, độc lập của Tổ quốc, đưa nước ta tiên lên Chủ nghĩa xã hội theo quy luật vốn có của lịch sử phát triển xã hội
Đại hội XII của Đảng họp vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; trải qua 5 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã tới gần, hy vọng rằng, với sự đóng góp ý kiến của đông đảo nhân dân, văn kiện đại hội, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, sẽ là kim chỉ nam soi đường cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.