Vấn đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Tại Đại hội XII, quan điểm về công nghiệp hoá, hiện đại hoá phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại tiếp tục có sự bổ sung, phát triển mới cho phù hợp với tình hình của đất nước và xu thế phát triển chung của thế giới, trong đó điều chỉnh về mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá cho sát với tình hình thực tiễn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới (2016 – 2020) được xác định là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…
Công nghiệp hoá là quá trình biến đổi về chất của toàn bộ các mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là con đường đưa một quốc gia một nền nông nghiệp phát triển thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và cao hơn là nước công nghiệp hiện đại. Theo cách hiểu chung nhất, “hiện đại” là cái tiên tiến, cái mới, cái thuộc về thời đại hiện nay.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá trở thành xu thế khách quan; khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ đang tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội của các quốc gia. Việc thực hiện công nghiệp hoá luôn đòi hỏi phải hướng tới trình độ hiện đại, theo yêu cầu của kinh tế tri thức và của phát triển bền vững; đồng thời phải tăng cường xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Theo đó, xây dựng các tiêu chí của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cần nghiên cứu tham khảo các tiêu chí của các nền kinh tế công nghiệp mới (NICS) và đặc biệt là phải phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế – xã hội, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay – giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trên cơ sở tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh, bền vững, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đại hội XII của Đảng đã nêu định hướng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại; xác định hệ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020 theo các tiêu chí định hướng trên như sau:
– Tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế (GDP bình quân đầu người, tỷ trọng gia tăng công nghiệp chế tạo, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hoá, điện bình quân đầu người). Những tiêu chí định hướng này là cơ sở cho việc xác định các chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế giai đoạn 2016 – 2020. Đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 – 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 – 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 – 34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP. Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25 – 30%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng 4 – 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 – 1,5%/năm; tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38 – 40%.
– Tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội (chỉ số phát triển con người (HDI), tuổi thọ bình quân, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, số bác sĩ trên 1 vạn dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo…). Tiêu chí định tính này được lượng hoá thành các chỉ tiêu cụ thể về phát triển xã hội giai đoạn 2016 – 2020: Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 35 – 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 – 70%, trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 – 26%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; có 10 bác sĩ và trên 26 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,3 – 1,5% năm.
– Tiêu chí phản ánh về môi trường (tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, độ che phủ rừng, tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính). Lượng hoá tiêu chí này bằng các chỉ tiêu về môi trường trong giai đoạn 2016 – 2020 là: “Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 80 – 85% chất thải nguy hại, 95 – 100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 44 – 45%”. Có thể khẳng định rằng, xét cả về định tính và định lượng, việc xác định hệ tiêu chí trên là phù hợp. Bởi vì: a). hệ tiêu chí đã phán ánh được trình độ phát triển kinh tế – xã hội của nước ta gắn với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2016 – 2020. Đó là giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức đang diễn ra trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, v.v.; b). hệ tiêu chí này phán ánh được các vấn đề kinh tế, xã hội cốt lõi là chỉ số phát triển con người và môi trường sinh thái. Các chỉ tiêu trong từng nhóm tiêu chí có đủ tính đại diện và về cơ bản là phù hợp với các mục tiêu, định hướng ưu tiên của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, phù hợp với giai đoạn phát triển mới 2016 – 2020 của Việt Nam và cũng phù hợp với xu thế phát triển bền vững trên thế giới hiện nay./.