Vấn đề xây dựng, phát triển con người Việt Nam
Nghiên cứu nội dung Văn kiện Đại hội XII, quan điểm của Đảng trong từng lĩnh vực đã có sự bổ sung, phát triển so với các nghị quyết của Đảng trước đó. Xét riêng trên lĩnh vực xây dựng, phát triển con người Việt Nam, quan điểm trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã có sự bổ sung phát triển, thể hiện ở những vấn đề cơ bản:
Một là, chủ trương xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh gắn với xây dựng, phát triển con người Việt Nam. Suốt nhiều thập kỷ lãnh đạo cách mạng, Đảng ta từng bước nhận thức đúng vai trò, mối quan hệ giữa môi trường văn hoá và con người, hình thành quan điểm xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh làm cơ sở để xây dựng, phát triển con người. Xét về lịch sử, cụm từ “môi trường văn hoá lành mạnh” được Đảng ta đề cập lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội VIII của Đảng (1996): “Mọi hoạt động văn hoá, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho sự phát triển xã hội”.
Khái niệm “môi trường văn hoá” hàm chứa các thành tố chính: văn hoá vật thể, phi vật thể do con người tái tạo ra; sự hiện hữu của cả những yếu tố vật thể tự nhiên bao quanh con người, trở thành khung cảnh và điều kiện tồn tại của con người; sự hiện diện của các nhân cách văn hóa trong không gian, thời gian xác định, quan hệ, tác động lẫn nhau hướng con người tới những chuẩn mực giá trị xã hội. Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9, khoá XI, Đảng xác định “xây dựng đồng bộ môi trường văn hoá, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng” và “mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hoá lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống”. Đến Đại hội XII, Đảng ta một lần nữa chỉ ra mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ xây dựng văn hoá, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời khẳng định dứt khoát, rõ ràng chủ trương: “xây dựng môi trường văn hoá, đời sống văn hoá lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống”.
Trước Đại hội XII, chủ trương xây dựng, phát triển văn hoá, con người thể hiện trong các Văn kiện của Đảng thường được lồng trong nội dung của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Đến Đại hội XII, vấn đề xây dựng, phát triển con người được Đảng đặt trong quan hệ với xây dựng, phát triển văn hoá, và được thiết lập thành một mục lớn của Văn kiện – mục VII: “XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI”. Điều này vừa thể hiện tính kế thừa, vừa phản ánh nấc thang phát triển tư duy xây dựng con người Việt Nam của Đảng trong tình hình mới. Đồng thời còn hàm chứa giá trị mới – giá trị chỉ đạo thực tiễn: yêu cầu các cấp, các ngành, tổ chức, tập thể, cá nhân trong xã hội phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ, vận dụng có hiệu quả sự kết hợp xây dựng, phát triển văn hoá với xây dựng, phát triển con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy vai trò, trách nhiệm, kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng xuống cấp về môi trường văn hoá; phải chủ động tích cực xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh tạo thêm cơ sở, điều kiện để: “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”.
Hai là, bổ sung thêm nội dung chuẩn mực giá trị con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011), Đảng đề ra chủ trương xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Và Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9, khoá XI, xác định: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị … con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”.
Đến Đại hội XII, trên cơ sở nhận thức đúng đòi hỏi cấp thiết về chất lượng nguồn lực con người, Đảng ta tiếp tục bổ sung thêm nội dung chuẩn mực giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, đó là: “phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật…hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hoá dân tộc.., tôn vinh cái đúng, cái đẹp, cao thượng, nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hoá, làm tha hoá con người”.
Việc bổ sung chuẩn mực giá trị con người Việt Nam của Đảng trong Văn kiện Đại hội XII là thể hiện nhất quán mục tiêu chiến lược, phù hợp với điều kiện, khả năng của đất nước và nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn về xây dựng con người mới đang đặt ra; tạo thêm cơ sở khoa học, pháp lý để mọi tổ chức, tập thể, cá nhân vận dụng vào xây dựng chuẩn mực giá trị con người Việt Nam vừa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cá nhân vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phát triển con người Việt Nam toàn diện – đó cũng chính là động lực, là mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà chúng ta đang từng bước tiến hành. Bởi lẽ, nguồn lực con người ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trong sự phát triển nền kinh tế chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì chất lượng nguồn lực con người là nhân tố quyết định chứ không phải là tài nguyên thiên nhiên.