Về phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta
Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong Đại hội XII là một trong những nội dung lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới nói chung, phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay nói riêng.
Quan điểm Đại hội XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân bao hàm trong đó cả việc tiếp tục khẳng định quan điểm của các Đại hội trước, đồng thời có những nội dung mới về phát triển kinh tế tư nhân. Có thể thấy, quan điểm Đại hội XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay trên một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Thực tiễn cho thấy, việc phát triển kinh tế tư nhân trong cơ cấu kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cách gọi trước đây và nay là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng ta kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới. Theo đó, qua các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội IX, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khoá IX chỉ rõ: “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế”. Đến Đại hội lần thứ X và Đại hội lần thứ XI của Đảng, chủ trương nhất quán về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được khẳng định.
Mặc dù vậy, trong thực tiễn quá trình phát triển kinh tế tư nhân, một mặt do công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đối với các tầng lớp dân cư cũng như quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối đó còn những bất cập, mặt khác do sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Đảng ta…, nên không ít người vẫn còn biểu hiện băn khoăn, nghi ngại về tính nhất quán của đường lối, chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Đảng. Do đó, Báo cáo Chính trị Đại hội XII một lần nữa khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật…”. Điều đó cho thấy, phát triển các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân là chủ trương nhất quán, là vấn đề chiến lược lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta – điều mà các đại hội thời kỳ đổi mới của Đảng trước đó đã khẳng định.
Thứ hai, khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Số liệu thống kê về kinh tế tư nhân cho thấy, hiện cả nước có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp, chiếm gần 90% số doanh nghiệp của cả nước. Trong giai đoạn 2006-2015, so với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP cả nước, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hoá và 100% giá trị sản lượng hàng hoá vận chuyển. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm v.v… Điều này chứng tỏ vai trò quan trọng, không thể thiếu của kinh tế tư nhân, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Với lẽ đó, nói về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, Báo cáo Chính trị Đại hội XII khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Quan điểm đó của Đảng cho thấy, đánh giá về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong Đại hội XII có bước phát triển mới. Theo đó, kinh tế tư nhân không những được xác định là “một trong những động lực của nền kinh tế” như đã khẳng định ở Nghị quyết Đại hội XI, mà còn là động lực “quan trọng” của nền kinh tế nước hiện nay.
Thứ ba, tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ cải thiện môi trường, điều kiện kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế
Để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trong điều kiện nước ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, Đại hội XII của Đảng chủ trương “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế”, trong đó chú trọng “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp”, đồng thời “Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”. Điểm mới đáng lưu ý là, Đại hội XII của Đảng chủ trương khuyến khích phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở “hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế”, hỗ trợ phát triển “doanh nghiệp khởi nghiệp”, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân “đa sở hữu”. Điều này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Thống kê của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam về quy mô của doanh nghiệp kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay, có tới 96% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn. Hơn nữa, ngoài Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng ta đã có hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần được ký kết với các nước và các tổ chức quốc tế. Điều này vừa tạo ra “cơ hội” để kinh tế nước ta phát triển, tránh được nguy cơ “tụt hậu” nhưng cũng chứa đựng nhiều “thách thức” nếu chúng ta không tận dụng được những lợi thế để chuyển hoá thành “cơ hội”, trong đó tạo môi trường, thể chế, chính sách thuận lợi để huy động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Để hiện thực hoá chủ trương tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển các thành phần kinh tế nói chung, phát triển kinh tế tư nhân nói riêng, Đại hội XII của Đảng xác định: “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”, “Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư”.
Chủ trương trên vừa thể hiện sự tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện phát triển kinh tế tư nhân những năm qua, vừa tạo những đột phá mới về môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển tương xứng với vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong bối cảnh tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” và sự hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra sâu rộng, mạnh mẽ hiện nay. Đây cũng là một trong những điểm mới trong quan điểm của Đại hội XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân./.