Xây dựng Đảng về đạo đức – điểm mới trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Nếu như các kỳ Đại hội trước xác định “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức” thì Đại hội XII đưa “đạo đức” cùng với “chính trị, tư tưởng và tổ chức” cấu thành mục tiêu xây dựng Đảng. Cần khẳng định rằng xây dựng Đảng về “đạo đức” – về thực tiễn không phải là điểm mới, vấn đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quan tâm giáo dục, rèn luyện ngay từ những ngày đầu thành lập và trong suốt quá trình xây dựng đảng. Nhưng Đại hội XII là lần đầu tiên ghi nhận, cấu thành “đạo đức” trong mục tiêu xây dựng Đảng “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Đây là sự phát triển lý luận về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay. Trở thành điểm mới, điểm nhấn quan trọng định hướng công tác xây dựng Đảng, bảo đảm cho toàn bộ hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Xây dựng Đảng về đạo đức là sự phát triển quan điểm Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và kết quả  thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những năm gần đây trước những biến đổi nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước nhất là quán trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường đã đặt ra những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Nhận rõ đây là “những vấn đề quan trọng, khó và đã kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chưa có những giải pháp đủ mạnh để khắc phục, giải quyết”. Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và quá trình tổ chức thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặc và đẩy lùi tiêu cực, suy thoái trong Đảng.

Tuy nhiên, mục tiêu của Nghị quyết chưa đạt được. “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước”. Thực trạng trên cho thấy, để khắc phục hạn chế, yếu kém trong xây dựng Đảng thì quyết tâm chính trị của cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa nhiệm kỳ Đại hội chưa đủ mà phải có quyết tâm chính trị cao nhất từ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng – khẳng định “đạo đức” cùng với “chính trị, tư tưởng và tổ chức” cấu thành mục tiêu xây dựng Đảng.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Bộ Chính trị khoá X phát động, cho tới nay “đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng”, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, ở nhiều ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức chưa đi vào chiều sâu, có nơi còn thực hiện mang tính hình thức. Ghi nhận quan điểm xây dựng Đảng về đạo đức là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đưa việc học tập và làm theo Bác thành nội dung thường xuyên, một trong những nhiệm vụ quan trọng, thành hành động tự giác trong mọi hoạt động của các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Xây dựng Đảng về đạo đức đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy về xây dựng Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền. Vấn đề Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền được ghi rất rõ trong các văn kiện của Đảng, tuy nhiên việc thực hiện vai trò “lãnh đạo”, “cầm quyền” của Đảng ở từng giai đoạn cách mạng luôn đặt ra yêu cầu cao về công tác xây dựng Đảng.

Trước hết, “lãnh đạo” là đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức nhân dân thực hiện, dùng để chỉ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam. Còn “cầm quyền” có nghĩa là nắm giữ chính quyền, là để chỉ vai trò của Đảng khi đã giành được chính quyền, có nghĩa là Đảng lãnh đạo khi đã có chính quyền, lãnh đạo toàn xã hội bằng chính quyền, thông qua chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Nghĩa là Đảng sử dụng chính quyền là công cụ mạnh mẽ để đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống. Nhưng không có nghĩa Đảng là ông chủ mà là đầy tớ của nhân dân, không phải đứng trên Nhà nước và Pháp luật mà phải hoạt động trong khuân khổ Hiến pháp và Pháp luật.

Quan điểm về Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền là sáng rõ nhưng quá trình tổ chức thực hiện lại không dễ dàng, tiền ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo của Đảng, đến tồn vong của chế độ. Sự sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu là minh chứng rõ nét, bài học quý giá nhất. Ở Việt Nam, vấn đề xây dựng Đảng cầm quyền còn gặp rất nhiều khó khăn, cho tới nay “chưa xác định rõ nội dung và phương thức cầm quyền” và đã nẩy sinh những vấn đề do mặt trái của quyền lực gây ra. Do đó, xây dựng Đảng cầm quyền cần sự bảo đảm xây dựng Đảng về đạo đức làm nền tảng. Hay xây dựng Đảng về đạo đức là giải pháp cơ bản, quan trọng để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái quyền lực trong xây dựng Đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền được xây dựng về đạo đức đảm bảo quyền lực của nhân dân được thực thi vì lợi ích của nhân dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, xây dựng Đảng về đạo đức là sự phát triển về lý luận xây dựng Đảng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Làm cho mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” trở nên sáng rõ, hài hoà và bền vững, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

One thought on “Xây dựng Đảng về đạo đức – điểm mới trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

  • 12 Tháng Năm, 2016 at 8:13 sáng
    Permalink

    Trong tình hình hiện nay, để lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và đạo đức, phải chú trọng giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng; thực hành dân chủ rộng rãi và nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng; đồng thời, đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đưa những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta xứng đáng là đảng cầm quyền, mọi cán bộ, đảng viên của Đảng thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, Đảng phải thật sự trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.