Đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống phải gắn với chống “tự diễn biến”
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xử lý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, lối sống.
Đảng ta nhiều lần chỉ rõ nguy cơ suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và những yếu kém, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Nhận thức rõ mức độ nguy hại của tình trạng suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với sự lãnh đạo của Đảng, vận mệnh của chế độ, của dân tộc, trong 30 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta đã thường xuyên đề ra những chủ trương, biện pháp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đẩy mạnh đấu tranh, phòng chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Các nghị quyết của Đảng xác định chủ trương đẩy mạnh tự phê bình và phê bình làm phương thức giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống; kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, phát huy nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến để chống tiêu cực, suy thoái. Trong Đảng đã đẩy mạnh tự phê bình và phê bình với tinh thần “người cộng sản phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật”, không che dấu khuyết điểm; mỗi người cán bộ, đảng viên phải giữ gìn và nêu cao danh hiệu cao quý người đảng viên cộng sản, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng.
Trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, các nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ phải thực hiện đúng, đủ, tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, duy trì kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh và coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Xác định, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Hiện nay, đẩy mạnh tự phê bình, phê bình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hành kỷ luật nghiêm minh và chú trọng tiến hành các cuộc vận động lớn về xây dựng và chỉnh đốn Đảng là thành công, kinh nghiệm trong đấu tranh phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
Tình trạng suy thoái trong một bộ phân không nhỏ cán bộ, đảng viên do nhiều nguyên nhân, những nguyên nhân chính là tác động tiêu cực của biến đổi kinh tế – xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa; sự chống phá của các thế lực thù địch; cán bộ, đảng viên chưa tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên; thực hiện nguyên tắc xây dựng đảng, sinh hoạt đảng thiếu nghiêm túc, thực hiện các cuộc vận động lớn chưa hiệu quả; tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật chưa nghiêm minh.
Phải nói ngay rằng, chủ nghĩa cá nhân, lề thói thực dụng đã và đang làm xói mòn tính tiên phong, gương mẫu, dẫn đến sự xa rời lý tưởng cộng sản và làm suy giảm sự tự giác tu dưỡng, rèn luyện theo tiêu chuẩn người cán bộ cách mạng, người đảng viên cộng sản của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh sự tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức là biện pháp quan trọng quyết định trong đấu tranh, phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở cán bộ, đảng viên.
Những thói quen mang tính “tập tục” ấy làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên bị “lùa theo” lợi ích cá nhân, tìm mọi cách “lách luật”, “chạy chọt”, thu vén cá nhân bằng mọi giá, dẫn đến sự tha hóa về đạo đức, lối sống. Xây dựng con người Việt Nam mới, con người mới xã hội chủ nghĩa là một nội dung quan trọng, cốt lõi trong đấu tranh, phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Sự tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có nguyên nhân từ quá trình hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa và sự chống phá của các thế lực thù địch. Hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa làm gia tăng khả năng thu nhận giá trị sống lệch chuẩn mực, phản tiến bộ, trái với thuần phong mỹ tục dân tộc của con người Việt Nam. Thủ đoạn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ít nhiều tạo ra những “khoảng trống”, “sự dao động” về nhận thức, thái độ, niềm tin trong một số cán bộ, đảng viên. Song, cũng cần thấy rõ rằng, sự tác động và chống phá đó chỉ có thể phát huy tác dụng khi mà đội ngũ cán bộ, đảng viên non yếu về trình độ và bản lĩnh chính trị, về cách sống, phân tâm về nghĩa vụ và quyền lợi… Trên thực tế, việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nói chung, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn xây dựng Đảng nói riêng chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn mới; công tác giáo dục, tuyên truyền lý luận chính trị, quan điểm, đường lối, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên còn giản lược, chưa sát thực và kém hiệu quả; cơ chế thông tin đối với cán bộ, đảng viên không rõ ràng. Trong tình hình đó, cán bộ, đảng viên buộc phải lượm lặt tri thức, thu nhặt thông tin trôi nổi, dẫn đến loạn chuẩn giá trị lý luận, giá trị thực tiễn. Sự “nghèo”, “đói” về lý luận, về thông tin kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội chính thống của đất nước là một nguyên nhân sâu xa về tình trạng suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Như thế, để đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên phải đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn xây dựng Đảng; có cơ chế phù hợp để thường xuyên, liên tục trang bị cho cán bộ, đảng viên tri thức, thông tin, kinh nghiệm mới, chính thống. Nâng cao nhận thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay./.
Tự phê bình và phê bình là phương thuốc hữu hiệu nhất