Đổi mới chính trị phải đúng định hướng xã hội chủ nghĩa
Gần đây trên một số trang mạng xuất hiện một vài bài viết cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sợ đổi mới chính trị, trong đó điển hình là bài của Phạm Trần với tiêu đề: “Sợ đổi mới chính trị sẽ tan hàng rã đám”, đăng trên blog: anhbasam, ngày 1/4/2016. Cái lý lẽ mà Phạm Trần cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không dám đổi mới chính trị là: Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đổi mới chính trị nhưng không nói rõ là đổi mới những gì; nói đổi mới chính trị mà không thay đổi thể chế chính trị là không đổi mới, v.v.. Sự thực có phải như vậy? Đức Trung tôi thấy cần thiết phải làm rõ vấn đề này.
Ngay từ khi khởi xướng đường lối đổi mới đất nước, trên cơ sở nhận thức mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới chính trị. Về giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: Chúng ta tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị. Không thể tiến hành cải cách hệ thống chính trị một cách vội vã khi chưa đủ căn cứ, mở rộng dân chủ không có giới hạn, không có mục tiêu cụ thể và không đi đôi với tập trung thì dẫn đến sự mất ổn định về chính trị, gây thiệt hại cho sự nghiệp đổi mới.
Đáng chú ý là, trong bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp song Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá VI Đảng Cộng sản Việt Nam (8-l989) đã khẳng định: Chế độ chính trị của chúng ta là chế độ làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng… Chúng ta không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên chính trị, không để cho các tổ chức chống đối chủ nghĩa xã hội ra đời và hoạt động, không coi việc thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần là thực hiện chủ trương đa nguyên về kinh tế.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh chủ trương giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị: Đồng thời với đổi mới kinh tế, phải từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy ngày càng tốt quyền làm chủ và năng lực sáng tạo của nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Sau Đại hội VII, trong nhiều nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng Cộng sản Việt Nam định hình hệ quan điểm, nguyên tắc của đổi mới, nhấn mạnh hướng ưu tiên (đổi mới kinh tế), nhấn mạnh điều kiện tiên quyết (ổn định), nhấn mạnh nguyên tắc, phương châm; bước đi của đổi mới chính trị (thận trọng, từng bước, có kết quả, thúc đẩy kinh tế, tạo ổn định tích cực…); nhấn mạnh đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, không phải là thay đổi chế độ mà là làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa phát triển đúng đắn, phát triển dân chủ, vì con người, vì quyền làm chủ của nhân dân.
Thành tựu của sự kết hợp đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị được Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị.
Chủ trương kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục được khẳng định trong các kỳ Đại hội IX, X, XI. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương…
Về đổi mới chính trị, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tập trung 3 yếu tố cơ bản, trọng yếu là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương: Rà soát, bổ sung, điều chỉnh, ban hành mới, xây dựng đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; khắc phục tình trạng Đảng bao biện làm thay, hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ trung ương đến địa phương cơ sở; cải cách thủ tục hành chính trong Đảng; đổi mới cách ra nghị quyết, tổ chức thực hiện nghị quyết, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết.
Về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương: Nâng cao nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; tiếp tục đối mới tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tích cực thực hành tiết kiệm, phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí.
Về mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, trước hết là thực hiện dân chủ trong Đảng; có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình; chống tập trung, quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức; phát huy dân chủ đi đôi với đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương; phê phán, nghiêm trị hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ vì mục đích xấu.
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định chủ trương: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.
Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; đồng thời hiện nay xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, trong đó có đổi mới chính trị. Vậy thì tại sao Phạm Trần lại cố tình phủ nhận vấn đề này, đưa ra luận điệu: Đảng Cộng sản Việt Nam sợ đổi mới chính trị; tung tin rằng có nhiều trí thức trong và ngoài Đảng đề xuất đổi mới chính trị nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam bảo thủ không chịu đổi mới,..? Nói đến “Phạm Trần”, độc giả nước ta không lạ gì, y chính là phần tử phản động, tay sai của các thế lực thù địch, tác giả của nhiều bài viết trên một số trang mạng tuyên truyền các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với chiêu bài “dương đông, kích tây”, tuyên truyền luận điệu: Đảng Cộng sản Việt Nam sợ đổi mới chính trị, y đã lộ rõ ý đồ thâm hiểm nhằm thay đổi thể thể chế chính trị, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta cần nhận rõ âm mưu thâm độc và bộ mặt thật của y.
Âm mưu “đổi mới chính trị” mà các nhà cải cách, cải lùi muốn nói tới thực chất là vấn đề thực hiện đa nguyên, đa đảng, là xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đúng như các cụ vẫn nói, miệng của các nhà cải cách, cải lùi nam mô nhưng trong bụng thì một bồ dao găm.
Đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là tất yếu, tuy nhiên vị trí giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị không ngang bằng nhau. Đổi mới kinh tế làm trọng tâm thể hiện vai trò quyết định của kinh tế đối với chính trị. Trong tình hình mới, chính trị có nhiều phức tạp, cho nên đổi mới chính trị phải thận trọng, phù hợp với yêu cầu của kinh tế. Luận điệu: Đảng Cộng sản Việt Nam sợ đổi mới chính trị là sự xuyên tạc của Phạm Trần chúng ta cần hết sức cảnh giác./.