ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM LÀ QUÁ TRÌNH SÁNG TẠO KHÔNG NGỪNG

Thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội phản động đã đồng loạt tán phát bài viết Tư duy cải cách giáo điều kìm hãm động lực tăng trưởng kinh tế thế nào? của Phạm Quý Thọ. Với lập luận khiên cưỡng và mưu đồ hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xét lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, Phạm Quý Thọ đã cố tình đưa ra sự lệch lạc về công cuộc đổi mới đất nước ở Việt Nam.

Phạm Quý Thọ cho rằng, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đang thực hiện một cách giáo điều, thể hiện ở chỗ tư tưởng CNXH đã không còn thích hợp với thực tế chuyển đổi hiện nay. Rõ ràng đây là luận điệu nguy hiểm, hòng gây hoang mang trong dư luận xã hội, phủ nhận sạch trơn những thành quả sáng tạo “có ý nghĩa lịch sử” của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước. Hơn thế, hướng đích của Phạm Quý Thọ còn muốn hạ thấp vai trò, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, hướng lái tương lai phát triển của đất nước, của dân tộc theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.

Mỗi người dân Việt Nam đều nhận thức rõ, sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu, đúng quy luật và phù hợp với thực tiễn. Đây là một cuộc vận động mang tính cách mạng không ngừng để thay cái cũ bằng cái mới tốt hơn; là một sự phủ định biện chứng, không phủ định sạch trơn và không quay trở lại cái cũ. Tính sáng tạo trong đổi mới ở Việt Nam là trên cơ sở nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhân dân ta đã tiến hành đổi mới toàn diện, đồng bộ, có nguyên tắc, có lộ trình và bước đi thích hợp; đổi mới toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Đổi mới những không xa rời, từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa, mà làm cho những mục tiêu nhanh chóng được hiện thực hóa với con đường, biện pháp phù hợp.

Từ thực tiễn đất nước với muôn vàn khó khăn bởi hậu quả chiến tranh và cấm vận, trong bối cảnh quốc tế có những thay đổi khó lường, nắm bắt kịp thời “ý dân”, “lòng dân”, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương kịp thời, đúng đắn “cởi trói”,  “giải phóng” lực lượng sản xuất, “làm cho sản xuất bung ra”, tạo động lực cho sản xuất phát triển. Sức sản xuất được giải phóng, phát triển làm cho quan hệ sản xuất mới ngày càng được củng cố, tăng cường, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; chính trị – xã hội ổn định, Việt Nam trở thành một trong quốc gia an toàn, đáng sống trên thế giới. Trên cơ sở đó định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường, quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng, Việt Nam trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng động quốc tế. Đó là sự phát triển biện chứng trong công cuộc đổi mới đất nước, thể hiện rõ nét sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta, nhân dân ta phù hợp với thực tiễn đất nước và bối cảnh quốc tế.

Qua hơn 35 năm đổi mới, mỗi người dân Việt Nam có quyền tự hào rằng đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đánh giá về thành tựu đổi mới của Việt Nam, Ngân hàng thế giới (WB) nhận định: Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Những thành tựu này là động lực, là nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đồng thời, là cơ sở vững chắc cho chúng ta khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn; là con đường hợp xu thế vận động của thế giới trong thời đại ngày nay. Thực tiễn sinh động này cũng phủ nhận những quan điểm sai trái, lệch lạc cho rằng chủ nghĩa xã hội là “lỗi thời”, “lạc hậu”, và “khuyên” Việt Nam nên từ bỏ.

Công cuộc đổi mới đất nước ở Việt Nam còn tiếp tục được đẩy mạnh với những nguồn lực phong phú và hết sức to lớn, trong đó có những nguồn lực không bao giờ cạn; bởi cuộc vận động cách mạng này đã và đang kết hợp tất cả các yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Khi “ý Đảng” với “lòng dân” đã hợp làm một vì mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội thì không một thế lực nào có thể cản ngăn. Mọi luận điệu xuyên tạc sẽ trở nên trơ trẽn, lạc lõng và nhanh chóng bị lãng quên, loại bỏ./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.