Góp phần làm rõ bản chất suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Gần đây, không biết là vô tình hay hữu ý, một số người, kể cả một số học giả có tên tuổi đã cho rằng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên là một “tất yếu khách quan” của “chế độ một đảng độc quyền lãnh đạo” và chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa do thiếu dân chủ sinh ra. Họ coi đó là “điều khó tránh khỏi” và “sẽ bị diệt vong”, nếu chúng ta cứ tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, thiếu thiện chí với “sự hợp tác, giúp đỡ” của các nước phương Tây. Thoạt nghe những điều kiến giải của một số người được coi là “cấp tiến”, “có tâm huyết, có trách nhiệm với vận mệnh của quốc gia dân tộc” nêu trên, không ít người dân, kể cả một số người có bằng cấp, học thức, song lại “nhẹ dạ, cả tin”, đã rơi vào hoang mang, dao động; cho rằng, Đảng, Nhà nước ta cần phải đổi mới quyết liệt theo hướng tư bản chủ nghĩa, phải dựa vào phương Tây, học cách xây dựng chế độ dân chủ theo hướng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; lấy nó làm động lực phát triển kinh tế – xã hội; làm cho Việt Nam mạnh lên, sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự nó sẽ tiêu vong; không cần phải thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, hối lộ, chống quan liêu, lãng phí… từ trung ương đến cơ sở; không cần ra nghị quyết, ban bố 19 điều quy định đảng viên không được làm, v.v..
Vin vào cái cớ nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Đảng ta bàn về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng một số người có quan điểm bất đồng, thậm chí đối lập với Đảng, Nhà nước ta để xuyên tạc sự thật, thổi phồng khuyết điểm, khuếch đại thiếu sót, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta; coi Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng ta là “lời tự thú về những sai lầm, khuyết điểm” của chế độ đảng độc quyền lãnh đạo và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Quan điểm, mục tiêu của những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta đã quá rõ ràng: vu khống, quy trách nhiệm và thổi phồng nguyên nhân suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một số cán bộ, đảng viên là do chúng ta đi theo con đường chủ nghĩa xã hội và chế độ đảng độc quyền lãnh đạo; là do chúng ta thiếu dân chủ, chưa giải quyết thấu đáo vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, v.v.. Bản chất của vấn đề là họ muốn phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta; xóa bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; lái nước ta đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa có lợi cho phương Tây. Ý đồ của họ đã lộ diện, âm mưu, thủ đoạn của họ đã được công khai từ nhiều năm nay thông qua thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, kết hợp với bạo loạn lật đổ. Giờ đây, lợi dụng Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Đảng ta, các thế lực thù địch đã và đang rùm beng lên rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam đã thú nhận sai lầm” để chống Đảng ta. Hãy bình tĩnh nhìn nhận, xem xét mọi vấn đề và làm tốt công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng – một vấn đề có tính nguyên tắc trong sinh hoạt của Đảng và làm tốt hơn công tác phản biện xã hội để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới khắc phục suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ là một vấn đề rất quan trọng và cấp bách trong tình hình hiện nay.
Chúng ta đều biết rằng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là ba căn bệnh nằm trong một cá thể người “bị bệnh nặng”. Ba căn bệnh ấy có cùng nguồn gốc sinh thành là “bệnh lý” hay sự “nhiễu loạn của hệ thần kinh trung ương” mà chủ yếu là sự “thoái hóa, biến chất”, mất nhân cách, mất “tính người” người ở một số “cán bộ” mang danh hiệu đảng viên. Ai đó nếu đã bị lâm vào căn bệnh suy thoái tư tưởng chính trị, thì lập tức, căn bệnh này sẽ “lây nhiễm”, biến người đó đồng thời tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống và ngược lại. Để vạch trần bản chất sai trái, phản động của một số người có quan điểm đối lập với Đảng ta về việc quy kết nguyên nhân suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay về cái gọi là do chúng ta đi theo “con đường chủ nghĩa xã hội và chế độ đảng độc quyền lãnh đạo” gây nên, chúng tôi tập trung phân tích, làm rõ bản chất, căn nguyên nảy sinh bệnh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay và mối quan hệ giữa chúng.
Với tư cách là kết quả của quá trình tư duy được thể hiện thành quan điểm, lập trường, chính kiến của chủ thể, tư tưởng luôn là một đặc quyền của con người, do một loại vật chất có tổ chức cao nhất, hoàn thiện nhất là bộ óc người sinh ra, có chức năng phản ánh hiện thực khách quan bằng sự suy nghĩ, hoạt động trí tuệ, thể hiện dưới những hình thức: suy nghĩ trong đầu về đối tượng cần biết và toàn bộ những sản phẩm của trí tuệ do con người tạo ra hợp thành phong cách tư duy, phong cách lãnh đạo, chỉ huy, v.v.; biểu đạt bằng các khái niệm, phạm trù, quy luật; được con người đúc kết, khái quát từ thực tiễn, hình thành tư tưởng, hệ tư tưởng, ý thức hệ. Vì vậy, nói đến tư tưởng, là nói đến tư tưởng của con người và chỉ có con người mới có tư tưởng; tức là nói đến sự suy nghĩ, quan điểm của họ về thế giới và những sản phẩm tinh thần do hoạt động trí tuệ của “bộ óc” tạo nên. Tư tưởng là “tấm gương phản chiếu hiện thực khách quan”, được dùng làm nguyên tắc để giải thích các hiện tượng bên ngoài, bao gồm các mục đích, ý định, định hướng và triển vọng, giúp con người tiếp tục nhận thức sâu hơn, có những giải pháp tối ưu để cải tạo thực tiễn vì lợi ích của mình.
Suy thoái tư tưởng chính trị, về thực chất, là sự phản ánh sai lệch hiện thực khách quan từ việc phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, do tuyệt đối hóa cái chủ quan, nhìn nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, những cái tốt, tính ưu việt của chế độ ta bị xuyên tạc trở thành méo mó, thực hư, thật giả, trắng đen lẫn lộn; bị lợi dụng để thực hiện mục đích cá nhân theo kiểu “đục nước béo cò”; biến cái tốt thành xấu, “thẳng thành cong”. Vì thế, cái xấu có cơ hội nảy nở, lấn át cái tốt. Căn nguyên của sự suy thoái tư tưởng chính trị và tình trạng phản ánh sai lệch các chuẩn mực đạo đức, lối sống” có thể nhìn nhận từ hai khía cạnh: Thứ nhất, bộ óc người, khí quan vật chất sản sinh ra tư tưởng chính trị bị tổn thương do sự cố tai nạn hoặc bị rối loạn chức năng tâm sinh lý gây nên. Thứ hai, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một số người là do bộ óc của họ “có vấn đề”, có thể là do bệnh lý, sự rối loạn, nhiễu loạn hệ thần kinh trung ương nên cá thể người thuộc diện này không thể suy nghĩ lành mạnh; hơn thế, “lương tâm, danh dự” của họ đã bị hoen ố, lu mờ; tự thân, không thể nhận thức, phân biệt rõ ràng phải trái, đúng sai; không thể điều chỉnh thái độ, hành vi trong các quan hệ giao tiếp, ứng xử để đạt đến sự chuẩn mực đạo đức nên đã rơi vào lối sống buông thả, “quên tình nghĩa, xa rời đạo lý”; đề cao vật chất, sùng bái đồng tiền; nặng về hưởng lạc, ham chức, cậy quyền, đề cao “cái tôi”, coi thường tổ chức, trà đạp lên tập thể. Hiện tượng này tuy không phải là phổ biến, chỉ rơi vào một số cán bộ, đảng viên nhưng lại gây hại lớn cho xã hội; làm nhiều người tốt lo ngại, băn khoăn; thậm chí không ít người tốt bị “lây nhiễm”, khủng hoảng niềm tin vào chân lý; có nơi lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, nhất là đối với tổ chức đảng và chính quyền địa phương bị giảm sút nghiệm trọng.
Nguyên nhân làm cho một người nào đó suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trước hết cần xem xét, nhấn mạnh về mặt nhân cách xã hội, giai cấp; đây là mặt chính yếu, đồng thời cần xem xét, nhìn nhận sâu hơn về mặt sinh học; tức là cội nguồn, cơ sở vật chất sản sinh ra tư tưởng của người mắc “bệnh suy thoái” ấy. Phải chăng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một người nào đó, trước tiên là do quan điểm, lập trường, bản lĩnh chính trị của người ấy bị thoái hóa, biến chất? Chúng ta đều biết rằng, các yếu tố này không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố xã hội mà còn phụ thuộc vào hệ thần kinh trung ương. Nói cách khác, chất lượng của các yếu tố ấy, phần lớn là do bộ óc của người ấy sản sinh ra. Lâm vào tình cảnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, rõ ràng là “bộ óc” của người ấy “có vấn đề”, sự tỉnh táo, khôn ngoan, giá trị nhân cách của người ấy đã bị cái xấu làm cho mê muội, bị vùi lấp, che kín mắt; thuốc kháng sinh và sự toàn tâm của bác sĩ rất khó chữa trị căn bệnh này. Vì thế, vấn đề đặt ra là, trong công tác tuyển chọn cán bộ, nhất là đề bạt cán bộ ở vị trí quan trọng phải thật sự chú ý đến bản lĩnh chính trị, lập trường, quan điểm giai cấp, quá trình rèn luyện, phấn đấu của nhân sự; đồng thời, kiểm tra sức khỏe và tính đến cả chất lượng “bộ óc” của các nhân sự ấy. Kiên quyết không thể chấp nhận ai đó mà chất lượng bộ óc thấp, cũng như bản lĩnh chính trị non kém; sự tu dưỡng, rèn luyện, ý thức chấp hành kỷ luật không nghiêm vào các vị trí chủ chốt, nhất là ở những nơi mà điều kiện, hoàn cảnh “vật chất” dễ lôi cuốn, cám dỗ, làm họ dễ mắc bệnh suy thoái hóa tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nói cách khác, họ đã lùi bước, đầu hàng, tự đánh mất mình do sự lôi cuốn, cám dỗ của vật chất, sự mua chuộc của đồng tiền, sự hấp dẫn của chức quyền, sự đam mê của tửu sắc, sự tung hê, bợ đỡ, thao túng của một số phần tử cơ hội, thành phần thuộc dạng ngầm trong “xã hội đen” mà chúng ta đang truy quét, tẩy sạch, nhưng chưa thể làm xong trong “một sớm một chiều”, v.v..
Có thể khẳng định rằng, bệnh hoạn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống có nguyên nhân từ bản thân bộ óc, chủ yếu là bản chất cá nhân chủ nghĩa đã khiến một số cá thể người không còn tỉnh táo, sáng suốt, nhìn nhận, đánh giá đúng đắn mọi vấn đề, không đủ sức phân tích thấu đáo các sự kiện xung quanh; dẫn đến các hành vi “lệch chuẩn”, mê muội trong cách hành xử thiếu văn hóa nên lún sâu vào “vũng bùn” của chủ nghĩa cá nhân.
Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một loại bệnh “nan y” nhưng không phải là vô phương, hết cách cứu chữa. Cơ địa chung của những người mắc bệnh này là ý thức trách nhiệm thấp, bản lĩnh chính trị non kém; tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức nhân cách người cách mạng không vững vàng nên không đủ sức cự tuyệt những cám dỗ vật chất, ham muốn đời thường, thiếu trung thực với tổ chức, song lại biết che đậy kín đáo trước các hành vi bất chính, bất lương. Khi cái lợi đến quá dễ dàng, lâu dần thành thói quen biến thành một sự sùng bái quyền lực, đồng tiền và sự hưởng lạc; đến lúc đó, họ không còn biết tự trọng danh dự, không còn hổ thẹn, cắn dứt lương tâm khi làm điều sai trái; đã bán thân cho “quỷ dữ”, nhúng tay làm những điều thất đức, phi nhân tính; họ cứ trượt dài, dần dần mất nhân cách người cách mạng. Vì vậy, pháp luật cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để chẩn trị, cắt bỏ các chứng bệnh này, làm cho xã hội ta lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn.
Cũng cần nói rằng, sự lệch lạc trong suy nghĩ, thoái hóa về tư tưởng chính trị thể hiện rõ ở việc phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin, buông lỏng nguyên tắc sinh hoạt Đảng, nói và làm sai nghị quyết, Điều lệ của Đảng là cái gốc đẻ ra các chứng bệnh: phát ngôn thiếu trách nhiệm, thực hiện pháp luật, kỷ luật không nghiêm; quan liêu, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền; áp đặt quan điểm chủ quan, duy ý chí, phiến diện, siêu hình trong quan hệ đạo đức, lối sống nên các hành vi, biểu hiện của nó hết sức phức tạp. Nó vừa là hệ quả, sản phẩm tất yếu do non kém cái này, vừa là nguyên nhân sinh ra cái kia và ngược lại. Sống, sinh họat trong một tổ chức tốt, một người có tư tưởng chính trị lành mạnh, đúng đắn thì họ luôn kiên định, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, không bao giờ làm những điều sai trái. Mọi cám dỗ, mua chuộc không thể chuyển lay, không vì lợi ích cá nhân mà hy sinh lợi ích tập thể và do đó có cuộc sống trong sạch, lành mạnh, luôn ngẩng cao đầu đúng với tư cách một con người, là một cán bộ, đảng viên nêu tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo.