Khó khăn, thách thức trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Hiện nay, cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay đang gặp một số khó khăn, thách thức buộc chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh để vượt qua, đó là:
Cuộc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng, bộ máy Nhà nước hiện nay diễn ra trong điều kiện kinh tế – xã hội đất nước còn tồn tại đan xen giữa cái tốt và cái xấu, tiên tiến và lỗi thời, đan xen các lợi ích.
Phát triển kinh tế trường với các thành phần kinh tế khác nhau, tất yếu dẫn đến có các lợi ích khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Trong nền kinh tế thị trường, lợi nhuận, lợi ích cá nhân trở thành động lực phát triển đã có sức hấp dẫn lớn thúc đẩy tính tích cực hoạt động của cá nhân nâng cao hiệu quả lao động sản xuất. Tuy nhiên, do tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân và động cơ lợi nhuận sai lệch, không ít cán bộ, đảng viên đã bỏ bê công việc tập thể, lợi ích cộng đồng, có người vì quyền lợi cá nhân mà phản bội lại lợi ích tập thể, bất chấp luân thường đạo lý, sẵn sàng vi phạm khuyết điểm, bất chấp luật pháp, làm giàu bằng mọi giá, lợi dụng chức vụ để trục lợi, từng bước xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Một số cán bộ, đảng viên giữ các cương vị chủ trì, nắm giữ trọng trách, tài sản của Nhà nước đã câu kết với nhau, vì lợi ích nhóm mà chiếm đoạt tài sản, tiền bạc, xâm hại lợi ích của Nhà nước, của nhân dân. Họ tìm mọi mánh khóe để kiếm lời bất chính, tìm đủ mọi cách để chống bị phát hiện, khi bị phát hiện lại không thành khẩn, cố tình chạy tội. Tự họ tạo ra những vùng cấm, đặc quyền, tạo ra những khó khăn, rào cản, cố tình làm chậm quá trình điều tra, đấu tranh, ngăn chặn nhận thức và việc làm sai trái đó. Công việc đấu tranh, ngăn chặn càng trở nên khó khăn, khi đó là cuộc đấu tranh diễn ra trong mỗi con người, mỗi tổ chức, giữa đúng và sai, tự giác khắc phục và cố tình lẩn trốn. Đòi hỏi mỗi tổ chức, cấp ủy và cá nhân cán bộ, đảng viên và toàn Đảng phải có nỗ lực rất cao, mỗi cá nhân và tập thể phải quyết tâm rất lớn, phấn đấu bền bỉ, kiên trì với những biện pháp thật kiên quyết và tích cực.
Cuộc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong Đảng, bộ máy Nhà nước gắn liền với các lĩnh vực khác nhau của đời sống dân sinh, xã hội.
Xây dựng đất nước, đổi mới là sự nghiệp vĩ đại tạo sự chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa… Các yếu tố này có mối quan hệ, tác động qua lại nhau, nhưng chính trị là yếu tố giữ vai trò định hướng, quyết định tính chất của các yếu tố khác. Vì vậy, nếu suy thoái về tư tưởng chính trị thì sẽ dẫn đến suy thoái cả về kinh tế, xã hội và văn hóa và ngược lại, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa nếu không giữ vững sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có xu hướng chệch hướng thì sẽ làm tăng tính phức tạp, khó khăn cho cuộc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước.
Hiện nay, nếu Đảng ta không giữ được bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Chính vì vậy mà Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền trong các cơ quan trọng yếu của Nhà nước, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc công… đất nước lại phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế tác động vào Đảng. Trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu – nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động. Vậy, Đảng có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc nữa không? Thực tế đã có bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền. Các mặt khuyết điểm, yếu kém chưa khắc phục được bao nhiêu, có mặt còn phức tạp thêm, gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tác động tiêu cực vào sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của Đảng làm tăng khó khăn trong cuộc đấu tranh chống suy thoái này.
Sự chống phá điên cuồng và quyết liệt của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” với tham vọng thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ Đảng, Nhà nước, đảng viên, cán bộ của Đảng. Chủ nghĩa đế quốc đứng đầu đang tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Các thế lực thù địch đã và đang áp dụng các chiến lược khác nhau một cách rất kiên trì, kiên quyết, xảo quyệt. Trong chiến lược này, tiến công trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa được chúng đặc biệt coi trọng, xác định là lĩnh vực hàng đầu làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về tư tưởng, lý luận tạo ra khoảng trống để dần dần thẩm thấu hệ tư tưởng tư sản, cuối cùng xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo làm đòn đột phá khẩu để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị của chúng ta. Chúng còn lợi dụng các tiêu cực xã hội, yếu kém trong công tác quản lý xã hội và đặc biệt là các tệ nạn xã hội như tham nhũng, hối lộ, ma túy, mại dâm, sự phân hóa giàu nghèo… để chống phá ta. Chúng coi đây là cơ hội để tác động, làm chuyển hóa tình hình, thay đổi đường lối chính trị nước ta. Chúng điên cuồng tiến công với nhiều sách lược, thủ đoạn mới; vừa dùng các lực lượng, phương tiện từ bên ngoài, vừa tận dụng phát triển lực lượng ở trong nước để tạo ra sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống đối từ nội bộ Đảng ta, xã hội ta, hòng phá ta từ bên trong phá ra. Những thủ đoạn nham hiểm đó của những kẻ thù dấu mặt đã thất bại trong chiến tranh nhưng vẫn muốn giành thắng lợi trong hòa bình sẽ làm tăng khó khăn trong cuộc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạnh suy thoái nêu trên.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong Đảng, bộ máy Nhà nước, đòi hỏi chúng ta không những phải có nhận thức đúng đắn về những điều kiện thuận lợi, khó khăn đó, mà còn cần phải hiểu rõ đặc điểm tồn tại của chúng ở sự đan xen, thường xuyên tác động, chi phối tới “cuộc chiến” đặc biệt này. Đó là cuộc chiến không tiếng súng trong hoàn cảnh thời bình diễn ra hằng ngày trong Đảng, bộ máy Nhà nước và nội bộ nhân dân. Sự thật, giả, đúng, sai, tốt, xấu luôn có xu hướng đan cài nhau, đòi hỏi người xem xét phải có tư duy khoa học, nhạy bén với cái mới và lập trường kiên định, vững vàng và mẫu mực để phân biệt được rõ đâu là bạn, thù, ta. Nhân dân là tối thượng, bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tuy khó khăn còn nhiều nhưng niềm tin vào thắng lợi cuối cùng thì không hề thay đổi bởi mối liên hệ trở thành máu thịt giữa Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân đã được thử thách qua thời gian hơn 86 năm qua./.