Sự xuyên tạc của VietTuSaiGon
Gần đây, bài viết “Nhiệm vụ chính trị là gì” của VietTuSaiGon đang được tán phát rộng rãi trên nhiều trang mạng phản động. Nội dung bài viết là sự xuyên tạc, bóp méo tình hình đất nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, kêu gọi chia rẽ mối đoàn kết giữa Đảng với nhân dân. Bài viết một lần nữa cho thấy bộ mặt tráo trở, phản động của “nhà dân chủ” núp bóng dưới bút danh VietTuSaiGon.
Theo y, chỉ có ở quốc gia độc đảng, độc tài (Việt Nam) mới có những nhiệm vụ chính trị kì quái, không giống ai… Và, những nhiệm vụ này dân chỉ được quyền nghe, tin và làm chứ không được phép hoài nghi, phản biện. Luận điệu này thể hiện góc nhìn thiển cận, thiếu khách quan của người viết về đời sống chính trị, xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, bộc lộ rõ mưu đồ của VietTuSaiGon muốn kích động chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phủ nhận quyền làm chủ thực sự của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, những luận điệu đó không thể lừa bịp được những người Việt Nam chân chính, không thể che lấp được những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp nhân dân.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “nhiệm vụ chính trị” được phổ biến rộng rãi trong đời sống chính trị, xã hội, được các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ ràng, sâu sắc. Về bản chất, nhiệm vụ chính trị là công việc chính, nhiệm vụ trung tâm, cơ bản được quy định bởi chức năng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị. Nhiệm vụ chính trị được phân chia theo chức năng, tính chất hoạt động của mỗi loại hình cơ quan, đơn vị, tổ chức. Có nhiệm vụ chính trị của quốc gia, của bộ, ngành, địa phương. Có nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, của tổ chức, đoàn thể, của quân đội, công an, các lực lượng vũ trang. Có nhiệm vụ chính trị trước mắt, nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, nhiệm vụ chính trị lâu dài. Theo đó, trong từng giai đoạn cụ thể, do yêu cầu của thực tiễn đất nước sẽ có các nhiệm vụ chính được xác định. Điển hình như: học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hiện nay; khi đại dịch Covid – 19 xảy ra, tiêm phòng vacxin cho toàn dân là nhiệm vụ chính trị; khi xảy ra tình trạng khan hiếm xăng, dầu khiến giá cả mặt hàng này tăng, nguy cơ dẫn đến lạm phát thì việc bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng, dầu là nhiệm vụ chính trị… Khi xác định các vấn đề trở thành “nhiệm vụ chính trị” có nghĩa, quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ đó được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Hướng đích cao nhất của các nhiệm vụ chính trị là bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân lao động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, theo đúng nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Chỉ có những kẻ “chuyên nghề” xuyên tạc, chống phá như VietTuSaiGon mới không chịu nhận ra điều đó, mới lớn tiếng phủ nhận cho rằng đó là những nhiệm vụ chính trị kì quái, không giống ai.
Nếu so sánh ở các nước tư bản chủ nghĩa, đa nguyên, đa đảng sẽ thấy rõ sự khác biệt. Chính phủ các nước tư bản chỉ có một mục đích tối cao là duy trì quyền lợi kinh tế, địa vị chính trị, xã hội cho một nhóm người thiểu số trong xã hội. Đại bộ phận người dân, người lao động nghèo không có quyền tham gia vào đời sống chính trị. Chính phủ các nước tư bản phải thường xuyên điều chỉnh, tìm mọi cách xoa dịu mâu thuẫn trong xã hội, tránh gây bất ổn chính trị. Nhưng bản chất, những hoạt động đó chỉ nhằm bảo vệ lợi ích tối cao của nhà cầm quyền tư sản, không vì lợi ích của đại bộ phận nhân dân. Không bao giờ có một “nhiệm vụ chính trị” chung cho đảng phái cầm quyền, Chính phủ và các tầng lớp nhân dân ở các nước tư bản, bởi giữa các lực lượng này có sự khác nhau căn bản về lợi ích. Do đó, khi đại dịch Covid – 19 xảy ra, rất nhiều người nghèo, người vô gia cư bị đẩy ra bên ngoài xã hội, bị bỏ lại phía sau và phải chật vật để tồn tại trong đại dịch. Nếu chống dịch trở thành “nhiệm vụ chính trị” của các nước tư bản, thì người dân nghèo đã không phải cơ cực đến vậy!
Ở Việt Nam, người dân thực sự là người làm chủ xã hội, ngày càng thể hiện rõ vai trò phản biện, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hoàn toàn không có chuyện dân chỉ được quyền nghe, tin và làm chứ không được phép hoài nghi, phản biện như lời vu cáo trắng trợn của VietTuSaiGon. Thực tiễn cho thấy, công tác phản biện xã hội trong nhiều năm qua đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hoạt động phản biện xã hội đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và các địa phương. Người dân Việt Nam tham gia phản biện từ những vấn đề lớn của đất nước, như: xây dựng, sửa đổi Cương lĩnh, Nghị quyết của Đảng, hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước đến những vấn đề gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, như: vấn đề học phí, giá nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý trật tự đô thị… Phản biện xã hội đã thực sự trở thành một “kênh” quan trọng giúp Đảng, Nhà nước có thêm thông tin trước khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển đất nước; làm cho mọi chủ trương, chính sách, pháp luật đều là sản phẩm kết tinh của “ý Đảng” và “lòng Dân. Nếu có tình trạng đảng và nhân dân là hai lực lượng đối lập như sự bịa đặt vô căn cứ của VietTuSaiGon thì chắc hẳn Việt Nam không thể đạt được những thành tựu to lớn, nhất là trong thời kỳ đổi mới và cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước không thể có được như ngày nay.
Nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Khi “ý đảng” hợp “lòng dân” chúng ta sẽ có sức mạnh vô địch, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã xác định. Tất yếu của thắng lợi đó sẽ là sự phủ nhận, “bỏ lại phía sau” những kẻ cơ hội, chống đối như VietTuSaiGon./.