Thực chất của những luận điệu phi lịch sử, phản động, phản khoa học

Hiện nay vẫn có những giọng điệu lạc lõng, đòi Đảng ta, nhân dân ta phải từ bỏ mục tiêu, con đường đã chọn vì họ cho rằng đó là “con đường sai lầm, dẫn dân tộc đến đường cùng, ngõ cụt”, đòi chúng ta phải đi theo con đường khác.

Thực tế lịch sử chứng minh rằng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được Đảng và nhân dân ta lựa chọn là đúng đắn, được kiên trì, kiên định triển khai thực hiện suốt từ năm 1930 đến nay. Nhờ đó, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Điều hiển nhiên và được lịch sử dân tộc minh chứng rất rõ ràng đó tưởng chừng như không có gì cần phải bàn luận thêm. Vậy mà cho đến nay vẫn còn những người cứ khư khư bám lấy cái luận điệu cũ rích để rèm pha, chế nhạo, chống lại sự thật lịch sử. Họ ra sức lợi dụng sự kiện chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô viết ở Liên xô và các nước Đông Âu sụp đổ, cho rằng chủ nghĩa xã hội đã cáo chung, Đảng Cộng sản đã hết vai trò lịch sử; rằng nước ta kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, là đi vào vết xe đổ Liên Xô và Đông Âu. Họ cố tình xuyên tạc: “Chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng“; không bao giờ thực hiện được”[1]; rồi  khuyến nghị, “khuyên nhủ” Đảng ta cần phải đi theo con đường khác, theo mô hình “xã hội dân chủ”, thực hiện “chính trị đa nguyên”, “đa đảng đối lập…

Không còn nghi ngờ gì nữa những luận điệu này về thực chất là những luận điệu phi lịch sử, phản động, phản khoa học. Mục đích của những kẻ tung ra luận điệu trên là rất rõ ràng, nếu chưa thể xóa bỏ được chủ nghĩa xã hội, lái nước ta đi theo con đường khác – con đường tư bản chủ nghĩa thì cũng làm cho quần chúng nhân dân hoài nghi, bi quan, dao động, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Những luận điệu chống phá đó được lặp đi lặp lại nhiều lần với cách thức biểu hiện khác nhau, khi trắng trợn, lúc tinh vi, khi rầm rộ, lúc “lặng lẽ, âm thầm”, với các giọng điệu, cung bậc khác nhau, song chung một kiểu “mưa dầm thấm lâu”, được tung lên không gian mạng, trên Internet nên rất nguy hiểm.

Thực tiễn là cơ sở, động lực của nhân thức, mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý. Thực tiễn lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hiện thực sinh động, là minh chứng làm phá sản những quan điểm thù địch, sai trái; đồng thời, làm cho nhân dân ta nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn, vững tin hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường mà dân tộc ta đang đi, cái đích chúng ta sẽ đến.

Kiên định mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội – con đường đúng đắn mà lịch sử dân tộc, nhân dân ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Không thể nói bừa rằng, đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm. Con đường của chúng ta lựa chọn và đang đi là đúng đắn, mục tiêu hướng tới của chúng ta là tốt đẹp. Tính đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã được khẳng định về mặt lịch sử, được luận giải rõ ràng về mặt lý luận và được kiểm nghiệm sinh động về mặt thực tiễn suốt tiến trình cách mạng Viêt Nam hơn 86 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, vấn đề xóa bỏ gồng xiềng, xích sắt, áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc, thực hiện “giải phóng dân tộc”, giành độc lập, tự do là vấn đề hàng đầu của dân tộc Việt Nam. Giải quyết vấn đề hàng đầu này trong thực tiễn lịch sử đã có nhiều lập trường, quan điểm và cách thức giải quyết khác nhau. Các phương hướng và cách thức giải quyết đã được lịch sử khảo nghiệm và đi đến phương án lựa chọn cuối cùng. Từ phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài đến đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng có xu hướng bạo động của Phan Bội Châu, phong trào có xu hướng cải cách của Phan Chu Trinh, đến cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học là những phong trào theo hệ tư tưởng phong kiến hoặc theo hệ tư tưởng tư sản, đều đã được lịch sử kiểm nghiệm, song vẫn không phải là con đường đúng đắn, hiệu quả để cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc, mà trái lại, vẫn bế tắc, lâm vào đường cùng, ngõ cụt, làm cho tình hình đất nước đen tối, không có đường ra. Thực tiễn đó khẳng định: Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc phải tìm một con đường khác, phải đi theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường duy nhất đúng đắn, có thể cứu nước, cứu nhà, giải phóng dân tộc; đưa nhân dân thoát khỏi thân phận bị áp bức, bóc lột, là nô lệ của ngoại bang. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) trên đường đi tìm đường cứu nước, đã khẳng định như vậy; lịch sử Việt Nam đã khảo nghiệm và lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc phải đi theo chủ nghĩa Mác – Lênin, học tập và noi theo tấm gương, đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, do Đảng Cộng sản Bônsêvích của V.I.Lênin lãnh đạo. Đó là sự lựa chọn của lịch sử, là một tất yếu khách quan, là sự vận động hợp quy luật của lịch sử Việt Nam trong bối cảnh mới. “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[2] và thời đại, thể hiện rõ khát vọng sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Những kẻ đưa ra luận điệu lạc lõng cần nhớ lại sự thật lịch sử này và tính tất yếu khách quan mà thời cuộc đưa đến; không thể chà đạp lên sự thật, bóp méo chân lý, vùi dập đạo lý; tước bỏ khát vọng cháy bỏng của cả một dân tộc thiết tha yêu chuộng hòa bình, muốn được sống trong độc lập, tự do, mong muốn được sống yên bình, ấm no, hạnh phúc.

Hơn 86 năm qua, nhân dân ta đi theo con đường ấy đã đạt được được những thắng lợi và thành tựu to lớn, đáng tự hào trên cả phương diện giữ nước và phương diện dựng nước. Thử hỏi, nhân dân ta có cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, phải chăng là trời ban cho, chúa mang đến, nhờ sự may rủi hay là kết quả kiên quyết, kiên trì đấu tranh bền bỉ, dẻo dai với bao nhiêu tổn thất, hy sinh xương máu của nhiều thế hệ người Việt Nam đã đứng lên chiến đấu dũng cảm, kiên cường để chống thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai; đã kiên định mục tiêu, lý tưởng, đi theo con đường cách mạng của chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà Nhân dân ta đã lựa chọn? Đúng như vậy! Chủ nghĩa xã hội khi đang là phương hướng phát triển của cách mạng Việt Nam, đã tạo nên động lực vô cùng to lớn, hội tụ và kết tinh sức mạnh của cả một dân tộc để “rời non, lấp biển”, làm nên Cách mạng tháng Tám, chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đã làm nên Đại thắng mùa Xuân vĩ đại 1975, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thật, lịch sử đã ghi nhận, nhân dân thế giới đã biết; không ai có thể chối cãi được.

[1] Ban Tuyên giáo Trung ương, Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 48

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 70.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

One thought on “Thực chất của những luận điệu phi lịch sử, phản động, phản khoa học

  • 3 Tháng Tư, 2017 at 9:14 chiều
    Permalink

    Những âm mưu hòng xuyên tạc và phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin thực chất không có gì mới nhưng hết sức nguy hiểm vì nó như mưa dầm, một ngày nói không ai tin, nhưng trăm ngày nói, nghìn ngày nói thì ắt hẳn cũng có người nghi ngờ. Chính vì vậy, chúng ta cần phải đấu tranh và cảnh giác trước những âm mưu này!

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.