Tự phê bình và phê bình – liều thuốc hay để chữa trị bệnh suy thoái

Đường lối và tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là hai vấn đề cực kỳ quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng. Theo đó, có thể sẽ có hai nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền: Một là, sai lầm về đường lối; hai là, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nhận thức rõ điều này, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm xây dựng đường lối cách mạng đúng đắn và bồi dưỡng, nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo toàn dân thực hiện đường lối, nhiệm vụ cách mạng. Chính vì vậy, từ trước đến nay, đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Thành tựu 30 năm đổi mới vừa qua là thành quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận trong nhóm đối tượng này còn thể hiện ở việc ngại học tập, rèn luyện và phấn đấu theo những tiêu chuẩn đạo đức cách mạng của người đảng viên; không nêu được gương sáng đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trước quần chúng; lối sống buông thả, suồng sã; không làm chủ và không xây dựng được gia đình văn hóa, để vợ, con, bản thân vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, gây mâu thuẫn, bất hòa ở nơi công tác và trong khu dân cư; bản thân quan hệ bất chính, có nhiều người lại sa vào các tệ nạn xã hội, cờ bạc, rượu chè, số đề, ma túy, buôn lậu…

Suy thoái về tư tưởng chính trị thường gắn liền với suy thoái về đạo đức, lối sống; hai mặt này có quan hệ hữu cơ, tác động qua lại lẫn nhau trong cả nhận thức, động cơ, thái độ và hành vi của mỗi cá nhân. Thường thì suy thoái về đạo đức, lối sống xuất hiện trước và dễ nhận thấy. Khi suy thoái về đạo đức, lối sống kéo dài sẽ xuất hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; ngược lại, có khi suy thoái về tư tưởng chính trị là nguyên nhân dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống. Đối với bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, suy thoái về tư tưởng chính trị là tiền đề của suy thoái về đạo đức, lối sống, đồng thời sự suy thoái về đạo đức, lối sống là điều kiện dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Khi những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân xuất hiện và chế ngự bản thân thì nhiệt huyết cách mạng và tính tích cực của họ dần dần giảm sút và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng bị xói mòn. Những cán bộ, đảng viên này khi được ngồi vào ghế “quyền lực”, họ trở nên ngại rèn luyện, phấn đấu, lười suy nghĩ, lười học tập. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm cho những người đó trượt dài xuống “con dốc” của sự thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống. Khi “chất cộng sản” đã thay đổi thì những kiến thức, kinh nghiệm mà họ đã tích lũy được chỉ nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân, và điều đó trở nên vô cùng nguy hại cho sự nghiệp cách mạng. Ở họ, những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa thực dụng luôn kết hợp lại, tìm kẽ hở để đục khoét, tìm cơ hội ngoi lên kiếm chác; kiếm chác được lại “lo lót” để tạo cơ hội chui sâu, leo cao hơn. Trong bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, kể cả cán bộ cấp cao, sự suy thoái còn biểu hiện ở sự hình thành “cơ chế ngầm”, bảo vệ, bao che cho nhau. Cơ chế này luôn tìm cách “hạ gục”, vô hiệu hóa uy tín của những người trung thực, có năng lực; trù dập những người thẳng thắn đấu tranh phê bình, người bảo vệ công bằng, bình đẳng, bảo vệ sự nghiệp và lý tưởng cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau, và ngày càng nghiêm trọng. Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Đại hội XII của Đảng thẳng thắn chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên diễn ra từ chỗ trước đây chỉ có ở “không ít” hoặc “một bộ phận” thì hiện nay đã và đang diễn ra ở “một bộ phận không nhỏ”, diễn ra ở “những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”. Những hiện tượng này nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ có tác hại rất nghiêm trọng đến công tác xây dựng Đảng và do đó, quyết định đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một  bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra ở tất cả các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị đất nước với mức độ khác nhau, nên phạm vi ảnh hưởng và tác hại của nó với cuộc sống là vô cùng lớn. Trong đó, sự suy thoái của những người giữ cương vị càng lớn, có trách nhiệm càng cao thì tác hại đối với sự nghiệp cách mạng càng nghiêm trọng. Bởi lẽ, như người xưa đã đúc kết: “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, và có thể làm đổ vỡ, thay đổi cả một hệ thống chế độ xã hội.

Suy thoái của cán bộ, đảng viên giữ cương vị cao ảnh hưởng rất lớn đến cán bộ cấp dưới, đến đội ngũ đảng viên và toàn thể nhân dân, làm cho cấp dưới và toàn bộ hệ thống chính trị suy thoái theo. Ngược lại, sự suy thoái của cấp dưới sẽ làm cho chủ trương, chính sách của cấp trên không đưa được vào cuộc sống. Nếu sự sự suy thoái đó mà trở thành một “dây”, một chuỗi và gắn kết chặt chẽ, có hệ thống và tổ chức với nhau từ Trung ương tới cơ sở thì đó được coi sự “tự chuyển hóa” và đã làm biến chất cả chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Vì vậy, nhận diện được các mặt, các đối tượng, các góc cạnh suy thoái đang hiện hữu, thấy trước hậu quả khôn lường của nó là vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phòng chống, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Để đấu trang ngăn chặn, khắc phục, tiến tới loại trừ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ra khỏi đời sống chính trị – xã hội ở nước ta, mỗi cán bộ, đaqrng viên cần nhận diện đúng đắn và trung thực sự suy thoái đó: Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nhận diện sự suy thoái của chính mình; thấy rõ mình đã, đang suy thoái về cái gì, suy thoái như thế nào. Theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Đại hội XII của Đảng, người có chức vụ càng cao về Đảng và chính quyền càng phải gương mẫu tự nhận diện trước. Cần phải đặt ngay câu hỏi và trả lời được với chính mình và thành thực với tổ chức, rằng mình có suy thoái không? Suy thoái ở mặt nào? Suy thoái đến đâu? Ảnh hưởng của nó đến bản thân và tổ chức, đơn vị và xã hội? Trách nhiệm của bản thân đối với sự suy thoái đó như thế nào? Hướng tự nhận khuyết điểm, khắc phục, sửa chữa ra sao? Không nên nghĩ rằng chỉ có sự suy thoái ở người khác, ở cấp dưới mình. Nếu tự cho mọi việc làm của mình là đúng đắn, là chuẩn mực, là bất khả xâm phạm, thì đó lại chính là mình đang bị suy thoái. Tiếp đó, tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhận diện sự suy thoái, thẳng thắn chỉ ra sự suy thoái ngay trong cơ quan, đơn vị mình, ai bị suy thoái, suy thoái về cái gì, suy thoái ở mức độ nào, suy thoái như thế nào?… Báo chí, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân cũng cần phải kịp thời phát hiện cán bộ, đảng viên suy thoái; các tổ chức đảng, cơ quan quản lý thật sự tôn trọng các ý kiến đó để nghiêm túc tiếp thu, tự phê bình và phê bình, có thái độ và biện pháp giải quyết dứt điểm.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao diễn ra nghiêm trọng làm cho nhân dân, cán bộ, đảng viên lo lắng, giảm lòng tin đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Suy thoái đang là nhân tố kìm hãm bước tiến của công cuộc đổi mới, là nguy cơ, hiểm họa lớn đe dọa sự sống còn của Đảng và chế độ. Vì vậy, nhận diện thẳng thắn trung thực, đúng đắn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ của cán bộ, đảng viên, làm cơ sở đánh giá đúng đắn thực trạng và xác định các giải pháp đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái ấy có ý nghĩa cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn hiện nay.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

One thought on “Tự phê bình và phê bình – liều thuốc hay để chữa trị bệnh suy thoái

  • 9 Tháng Mười, 2018 at 10:54 sáng
    Permalink

    Thực hiện có hiệu quả tự phê bình và phê bình trong tình hình hiện nay là biện pháp hữu hiệu đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó máu thịt với nhân dân, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN mà lịch sử và dân tộc giao phó trong thời kỳ mới

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.