Vấn đề “then chốt” của Nguyễn Đình Cống
Gần đây, Nguyễn Đình Cống đã tung lên trang mạng xã hội “Tiếng dân” bài viết với tiêu đề “Bàn về then chốt của then chốt”. Nội dung bài viết, cho thấy sự nhận thức sai trái, lệch lạc, cố tình xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ trong thời gian qua.
Thứ nhất, Nguyễn Đình Cống cho rằng: “Chất lượng cán bộ ngày càng giảm sút…, Đảng quá đề cao lòng trung thành…, không cần có tiêu chuẩn cán bộ trong thời bình…, tiêu chuẩn chức danh trong quy định 90 chỉ là đồ dởm hoặc hư ảo, tạo sơ hở cho bọn cơ hội lợi dụng chui sâu, leo cao, việc lựa chọn cán bộ không có dân chủ từ trong Đảng….”. Đây là những nhận định hết sức phản động, xuyên tạc sự thật, nhằm kích động, gây chia rẽ, làm mất niềm tin của quần chúng, phủ nhận, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức và tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Những năm qua, đội ngũ cán bộ của Đảng đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, có bước trưởng thành, tiến bộ về nhiều mặt. Đa số cán bộ, đảng viên tận tâm, tận lực, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, được nhân dân yêu mến, tin tưởng. Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 30 năm đổi mới có sức đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ các cấp, đó là một sự thật hiển nhiên không ai có thể phủ nhận.
Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, tiêu chuẩn, quy chế, quy định về cán bộ và công tác cán bộ. Việc Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ban hành quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho việc lựa chọn, bổ nhiệm những cán bộ đủ đức, đủ tài trong hệ thống chính trị; Đồng thời, là căn cứ để đội ngũ cán bộ ra sức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ được tiến hành dân chủ, công khai, theo quy trình chặt chẽ khoa học. Từ đánh giá nhận xét của cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ công tác, lấy phiếu tín nhiệm của đội ngũ cán bộ trong cơ quan, đơn vị, địa phương, lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức quần chúng…Vì âm mưu chống Đảng, Nhà nước Nguyễn Đình Cống cố tình bịa đặt, xuyên tạc việc lựa chọn cán bộ không có dân chủ trong Đảng.
Thứ hai, Nguyễn Đình Cống cho rằng:“Đảng ta quá đề cao lòng trung thành”. Đây là luận điệu lệch lạc, sai trái. Bởi vì, bất kỳ đảng nào trên thế giới, thì tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu và bắt buộc đối với đảng viên, hội viên của bất kỳ đảng nào, đó là lòng trung thành tuyệt đối, vì nếu không có lòng trung thành thì làm sao có thể một lòng, một dạ, quyết tâm thực hiện mục tiêu, lý tưởng của đảng đó được. Phải chăng, Nguyễn Đình Cống cố tình không nhớ việc các nguyên thủ quốc gia trên thế giới, sau khi trúng cử trong lời tuyên thệ nhận chức đều phải thề, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; chấp hành nghiêm cương lĩnh, điều lệ đảng… Do vậy, Quy định 90 của Bộ Chính trị quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã xác định rất rõ, cụ thể chi tiết các tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, uy tín, sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác và các tiêu chuẩn chức danh cụ thể cho ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng các ban đảng Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Vậy mà, Nguyễn Đình Cống lại xuyên tạc rằng: “Các tiêu chuẩn chức danh trong quy định 90 của Bộ Chính trị chỉ là đồ dởm, tạo sơ hở cho bọn cơ hội lợi dụng chui sâu, leo cao”. Đây là âm mưu chống phá Đảng, chế độ, tiếp tay cho bọn phản động lưu vong thực hiện “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ.
Thứ ba, về vấn đề quy hoạch cán bộ, Nguyễn Đình Cống xuyên tạc rằng: “Đảng ta đang ẩn giấu một sai lầm khá nghiêm trọng, dùng người của quá khứ để quyết định cán bộ của tương lai”:
Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng để đưa vào quy hoạch, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của đất nước. Với vai trò quan trọng như vậy, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn được coi là khâu quan trọng, then chốt nhằm tạo sự chủ động, khoa học trong công tác cán bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ là để có tầm nhìn xa, có cái khung để đào tạo, bố trí cán bộ, nên phải “động” và “mở”. Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng chỉ rõ: Thống nhất thực hiện chủ trương quy hoạch cán bộ lên chức vụ cao hơn, không quy hoạch tái cử, tái bổ nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm khi xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo, cũng như khi rà soát, bổ sung quy hoạch của nhiệm kỳ hiện tại.
Tóm lại, những luận điệu mà Nguyễn Đình Cống nêu ra trong bài viết của mình đã bộc lộ sự thiếu hiểu biết, cố tình bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề cán bộ và công tác cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề “then chốt” của ông ta nhằm phủ nhận đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà Nước ta hiện nay.