TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ “ĐẢNG KHÔNG PHẢI LÀ TỔ CHỨC ĐỂ LÀM QUAN PHÁT TÀI” (Kỳ I)
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người đã đi xa nhưng di sản tinh thần vô giá – tư tưởng Hồ Chí Minh mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng như nhân loại tiến bộ, trong đó có tư tưởng về “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài” vẫn còn nguyên giá trị với công tác xây dựng Đảng và quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên của Đảng hiện nay.
Nói về tư cách của đảng chân chính cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Điều này xuất phát từ mục đích, lợi ích của Đảng nói chung, của mỗi đảng viên của Đảng nói riêng là vì mục đích và lợi ích của giai cấp, của toàn dân tộc và Nhân dân, ngoài ra Đảng không có lợi ích nào khác. Theo Hồ Chí Minh, “Chính vì Đảng Lao động Việt Nam” nay là Đảng Cộng sản Việt Nam “là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Bởi vậy, “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác…. Nghĩa là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc”.
Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh thường xuyên và đặc biệt quan tâm đến xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Bởi vậy, trước lúc đi xa, Người đã dặn lại trong Di chúc thiêng liêng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” và “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân”. Vì thế, cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phải là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân, người công bộc tận tụy của nhân dân chứ không phải là “quan cách mạng” và “vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”…
Sở dĩ, Đảng không phải là tổ chức để làm quan, phát tài, trái lại người cán bộ, đảng viên của Đảng phải là “người lãnh đạo”, “người đầy tớ” trung thành của Nhân dân, bởi theo Hồ Chí Minh: “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ. Tức là cán bộ và nhân viên từ cấp trên đến cấp dưới đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”. Người cũng giải thích: “Dân là chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng” và “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”. Điều này có nghĩa là trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng, bên cạnh cương vị, trí tuệ của một “nhà lãnh đạo” đều phải có tinh thần làm việc của một “người đầy tớ” Nhân dân. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Người vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm quan, làm giàu, mà là để phục vụ nhân dân, làm đày tớ trung thành của nhân dân”. Nội dung này phải được thể hiện rõ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của mỗi đảng viên, cán bộ của đảng trên tinh thần: Luôn đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; sẵn sàng đón nhận mọi khó khăn, vất vả, thậm chí hy sinh cả bản thân vì lợi ích chung. Trong bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh cụ thể nào cũng phải “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”; không để “dân đói”, “dân rét”, “dân dốt”. Đồng thời, không những phải “yêu dân”, “kính dân” mà còn phải biết ơn nhân dân vì “cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra”.
Cùng với việc chỉ rõ tư cách của Đảng chân chính cách mạng và yêu cầu tư cách đạo đức của người cán bộ, đảng viên của Đảng, Hồ Chí Minh còn đưa ra cảnh báo về những tác động nguy hiểm từ chủ nghĩa cá nhân đến tư cách của Đảng và cán bộ, đảng viên. Theo Người: “chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc” và “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm; quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”. Những người sa vào chủ nghĩa cá nhân thì “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”. Đó chính là những người thiếu nỗ lực rèn luyện đạo đức cách mạng, không thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, dẫn đến những biểu hiện lệch lạc, sai trái. Tuy nhiên cần thấy rằng, trong việc chống chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh rất coi trọng lợi ích cá nhân, miễn là lợi ích cá nhân của cán bộ phù hợp với lợi ích của Đảng, của cách mạng. Trong cuộc sống, nhiều khi lợi ích cá nhân phù hợp với lợi ích của Đảng, nhưng cũng có lúc không phù hợp, vì thế Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng”.
Để hoàn thành tốt vai trò là “công bộc” (đầy tớ) của nhân dân, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, người lãnh đạo, quản lý, đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng phải luôn học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; công tâm, kỷ luật, tự giác, thẳng thắn, triệt để trong thực thi quyền lực, trong tự phê bình và phê bình theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, “phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến” để một mặt phát huy ưu điểm, mặt khác khắc phục những sai lầm, khuyết điểm. Đồng thời, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phải hết sức chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; phải coi kiểm tra và giám sát là điểm xuất phát, là khâu trung tâm của công tác lãnh đạo để làm cho lãnh đạo đạt hiệu quả cao nhất.
Không chỉ đề ra những yêu cầu, đòi hỏi về tư cách đối với Đảng và cán bộ, đảng viên của Đảng mà chính bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực trong thực hiện. Người đã từng thẳng thắn bày tỏ tâm nguyện của mình trước quốc dân, đồng bào cả nước “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Như vậy có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài” đã chỉ rõ tư cách của đảng cách mạng chân chính cũng như tư cách, đạo đức, trách nhiệm người cán bộ, đảng viên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Trong đó, Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thấy rõ mục đích, lợi ích của Đảng cũng chính là mục đích và lợi ích của đất nước, của Nhân dân; mỗi cán bộ, đảng viên vừa phải là “người lãnh đạo”, vừa là “người đầy tớ trung thành” của Nhân dân, có động cơ phấn đấu đúng đắn; luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; việc gì có lợi cho dân phải cố gắng làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh; phải quan tâm, chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân; không sa vào chủ nghĩa cá nhân; phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; luôn nêu cao tự phê bình và phê bình; đồng thời phải luôn cố gắng học tập nâng cao trình độ mọi mặt để hoàn thành trọng trách là “công bộc” (đày tớ) của Nhân dân v.v.. Đây không chỉ là yêu cầu, tiêu chuẩn về đạo đức, phong cách của người đảng viên cách mạng mà còn là căn cứ để các tổ chức đảng và mỗi cán bộ đảng viên phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “người lãnh đạo”, “người đày tớ trung thành” của Nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng di sản tinh thần vô giá đó là tư tưởng Hồ Chí Minh mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng như nhân loại tiến bộ, trong đó có tư tưởng về “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài” vẫn còn nguyên giá trị với công tác xây dựng Đảng và quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên của Đảng hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài” đã chỉ rõ tư cách của đảng cách mạng chân chính cũng như tư cách, đạo đức, trách nhiệm người cán bộ, đảng viên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài” không chỉ là yêu cầu, tiêu chuẩn về đạo đức, phong cách của người đảng viên cách mạng mà còn là căn cứ để các tổ chức đảng và mỗi cán bộ đảng viên phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là “người lãnh đạo”, “người đày tớ trung thành” của Nhân dân.