Luận điệu xuyên tạc Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 của Âu Dương Thệ
Với dã tâm của một kẻ điên cuồng chống phá cách mạng, vừa qua Âu Dương Thệ đã phát tán trên mạng xã hội bài viết: “Văn hóa Marx-Lenin độc tài và còn kìm kẹp dân tộc ta bao lâu nữa?” với luận điệu cho rằng: “Những khẩu hiệu đao to búa lớn như: dân tộc, khoa học, đại chúng trong Đề cương văn hóa chỉ là những ngôn ngữ mật ngọt chết ruồi, thủ đoạn đánh lừa để mua chuộc, chia rẽ và đàn áp dân”. Đây là luận điệu hết sức phản động hòng xuyên tạc, phủ nhận những giá trị cơ bản của Đề cương văn hóa, qua đó ngầm ý phủ nhận đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, lịch sử và thực tiễn Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu của y, bởi lẽ:
Một là, Đề cương văn hóa đã góp phần chuyển hóa sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt Nam thành sức mạnh vật chất trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 do đồng chí Trường Chinh soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng cách đây 80 năm, tháng 2/1943 đã đề cập ba phương châm bao trùm, trường tồn của cuộc vận động văn hóa và nền văn hóa mới Việt Nam, đó là: Dân tộc, Khoa học và Đại chúng. Dân tộc: là đưa văn hóa trở về với với dân tộc, với chức năng nền tảng tinh thần, độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân, đó là mệnh lệnh cao cả của trách nhiệm và lương tri – vì dân, phục vụ nhân dân, vì con người và phục vụ con người. Khi Đề cương ra đời, vấn đề dân tộc độc lập đang là vấn đề nóng bỏng, cấp thiết, hàng đầu, do vậy, phương châm Dân tộc được đặt lên hàng đầu, gắn với cuộc cách mạng giành độc lập cho đất nước. Khoa học: là loại bỏ mọi nhận thức sai lầm về con đường phát triển của xã hội, là “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”, chống lại tư tưởng Đại Đông Á của Nhật và những tư tưởng nô dịch đang đè nặng lên đời sống tinh thần của nhân dân. Phương châm: Khoa học đã thể hiện tinh thần mang tính quy luật của sự kế thừa, giữ gìn, phát huy, phát triển những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Nguyên tắc: Đại chúng là chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng. Ba phương châm phản ánh những vấn đề bản chất của một nền văn hóa mới, xác lập nguyên tắc hoạt động văn hóa phù hợp với đặc thù Việt Nam.
Trước vận mệnh quốc gia dân tộc, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc, tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường của con người Việt Nam, của một dân tộc nhỏ bé trước những tên đế quốc sừng sỏ nhất, hiếu chiến nhất để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sức mạnh văn hóa Việt Nam – sức mạnh vũ khí tinh thần của dân tộc – trở thành sức mạnh vật chất vô cùng to lớn; chứng minh một chân lý “văn hóa còn, dân tộc còn” và điều này kẻ thù đã phải ngỡ ngàng và nhận ra rằng: thua Việt Nam vì chưa hiểu văn hóa Việt Nam.
Hai là, Đề cương văn hóa đang tiếp tục soi rọi cho quá trình chấn hưng, xây dựng, phát triển văn hóa, phát huy sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới.
Giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam không chỉ được khẳng định trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà còn tiếp tục soi rọi cho quá trình chấn hưng, xây dựng, phát triển văn hóa nước ta trong thời kỳ mới. Đó là sự kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam đang được lan tỏa, phát huy trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước tác động của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là rất vẻ vang, song đầy khó khăn thử thách, giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam đã lan tỏa, thẩm thấu vào mọi thành phần kinh tế, chính trị, xã hội, phát huy sức mạnh nội sinh và đã trở thành nguồn lực, tài sản to lớn đưa đất nước chuyển mình phát triển bền vững, phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, con người được tự do, ấm no, hạnh phúc trên nền tảng giá trị văn hóa đặc sắc, quý báu. Văn hóa trở thành “nền tảng tinh thần” và là sức mạnh nội sinh quan trọng để toàn dân tộc Việt Nam tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Việc Âu Dương Thệ cố tình xuyên tạc, phủ nhận những giá trị cơ bản của Đề cương văn hóa, qua đó ngầm ý phủ nhận đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam là đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, chúng ta cần nêu cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ./.