Thực tiễn là chân lý bác bỏ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch

Quân đội ta là quân đội cách mạng, “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ. Chức năng cơ bản đó của Quân đội nhân dân Việt Nam được khẳng định, phát huy trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu, trưởng thành 73 năm qua. Ấy vậy mà, thời gian gần đây, lợi dụng vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Đồng Tâm và việc sử dụng đất quốc phòng để làm sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, các thế lực thù địch và đối tượng cơ hội chính trị đã “tát nước theo mưa” để xuyên tạc, chống phá chức năng lao động, sản xuất của Quân đội ta. Đây là những luận điệu thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch nhằm mục đích làm thay đổi bản chất, chức năng của quân đội ta, tiến tới phủ nhận và làm suy yếu sức mạnh quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thực tiễn và truyền thống 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta là chân lý để bác bỏ hoàn toàn các luận điệu sai trái đó.

Vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về nguyên tắc tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, Đảng ta đã có quan điểm đúng đắn về chức năng, nhiệm vụ của các đội tiền thân Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của các Đội tự vệ công nông, Đội du kích Bắc Sơn, Đội du kích Nam Kỳ và các Trung đội Cứu quốc quân cho thấy, các đơn vị vũ trang của Đảng lúc bấy giờ vẫn thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất để tự túc một phần lương thực, thực phẩm; coi đó là một lẽ tự nhiên của đội quân cách mạng của nhân dân. Về nhận thức lý luận, Đảng ta xác định quân đội cách mạng kiểu mới có chức năng lao động, sản xuất. Tuy nhiên, khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trong các văn bản chính thức, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa đề cập đến chức năng lao động, sản xuất của Đội. Đến tháng 9-1945, trong chỉ thị “Kháng chiến và kiến quốc”, lần đầu tiên Đảng ta xác định chức năng, nhiệm vụ kiến quốc, xây dựng kinh tế của quân đội. Chỉ thị nêu rõ: Muốn kháng chiến lâu dài và giành thắng lợi, phải ra sức xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh. Triệt để dùng du kích vận động chiến; về kinh tế: Tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc; tự sản xuất vũ khí và lấy súng giặc đánh giặc. Sau chỉ thị “Kháng chiến và kiến quốc”, Nghị quyết Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng (19-10-1946) đã xác định cụ thể hơn nhiệm vụ lao động, sản xuất của quân đội. Nghị quyết của Hội nghị chỉ rõ, ở những nơi bộ đội đóng, lấy đại đội hay trung đội độc lập làm đơn vị, bắt buộc phải tham gia sản xuất, trồng rau, chăn nuôi. Nghị quyết đã sớm đặt ra truyền thống tăng gia sản xuất tại chỗ, quanh nhà, quanh vườn của quân đội ta.

Thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo đó, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mặc dù chiến tranh ác liệt, nhưng Quân đội ta luôn nêu cao tinh thần tự lực tự cường, tích cực tăng gia, sản xuất, cải thiện đời sống bộ đội; tham gia sản xuất xây dựng hậu phương lớn miền bắc, xây dựng căn cứ hậu cần tại chỗ trên các vùng chiến lược, thực hiện tốt chủ trương, đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền nam” của Đảng. Sau khi đất nước thống nhất, Quân đội là lực lượng xung kích, nòng cốt, tham gia đắc lực vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế – xã hội, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đặc biệt, qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhất là đổi mới cơ chế quản lý nền kinh tế đất nước từ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của quân đội và yêu cầu quản lý nền kinh tế đất nước. Lực lượng sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội từng bước được chấn chỉnh, củng cố, hoạt động có nền nếp, đạt hiệu quả toàn diện trên các lĩnh vực. Quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng các khu kinh tế – quốc phòng, tham gia xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng căn cứ cách mạng. Các khu kinh tế – quốc phòng là nhân tố quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước. Các doanh nghiệp quân đội – lực lượng chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội, đồng thời là lực lượng nòng cốt trong việc giữ gìn, phát triển năng lực sản xuất quốc phòng, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, tiếp tục được sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các doanh nghiệp Quân đội đã luôn đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, hoạt động theo đúng pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng; sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng cao phục vụ quốc phòng và xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Quân đội có thương hiệu, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và là lực lượng dự bị mạnh cho quốc phòng; là đối tác kinh tế quốc tế có uy tín, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, lực lượng bộ đội thường trực tham gia lao động, sản xuất với nhiều hình thức phong phú, không chỉ quanh bếp, quanh nhà mà còn tổ chức các trạm, trại tăng gia sản xuất tập trung. Hầu hết các đơn vị đã  tự túc được rau ăn quanh năm, một số đơn vị giải quyết được tại chỗ nhu cầu về thịt, cá, đậu cho bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Qua đó, tạo nguồn thu trực tiếp cải thiện đời sống bộ đội và tham gia có hiệu quả vào việc phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn đóng quân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo.

Tóm lại, hiệu quả từ thực tiễn hoạt động lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc huy động Quân đội tham gia xây dựng kinh tế; điều đó cũng cho thấy Quân đội ta luôn quán triệt, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, vừa làm tròn vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, vừa tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc đó. Quân đội đã thật sự trở thành một nguồn lực của đất nước trong phát triển kinh tế – xã hội, không những góp phần làm ra của cải vật chất cho xã hội, mà còn góp phần giữ gìn và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ tổ quốc, tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng- an ninh trên các địa bàn chiến lược biên giới, vùng sâu, vùng xa và trên các hải đảo, vùng biển đặc quyền kinh tế của đất nước. Đó là chân lý để bác bỏ các quan điểm sai trái của các thế lực trong việc xuyên tạc, chống phá chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta hiện nay./.

Bình luận bằng tài khoản Facebook

3 thoughts on “Thực tiễn là chân lý bác bỏ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch

  • 13 Tháng Bảy, 2017 at 6:45 sáng
    Permalink

    QUÂN ĐỘI NDVN LUÔN ĐƯỢC MỌI NHƯỜI DÂN TIN TƯỞNG BỞI QUÂN ĐỘI LUÔN TIÊN PHONG GIÚP ĐỠ NHÂN DÂN Ở CÁC VÙNG SÂU, VÙNG XA, QUÂN ĐỘI THAM GIA LAO ĐỘNG, SẢN XUẤT LÀ BẢN CHẤT TỐT ĐẸP CỦA QUÂN ĐỘI TA

    Reply
  • 18 Tháng Bảy, 2017 at 11:19 sáng
    Permalink

    Chỉ tính riêng năm 2016, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Quân đội đạt gần 350 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 43 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 40 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp Quân đội đã và đang khẳng định rõ vị thế trong nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo đảm an sinh xã hội./.

    Reply
  • 15 Tháng Tám, 2017 at 10:55 sáng
    Permalink

    mọi sự vật đều vận động đổi thay theo quy luật. trong các giai đoạn hình thành, phát triển, chuyễn hóa của mình sự vật chịu tác động bởi những quy luật khác nhau để phục vụ xu hướng chung là tiến hóa. nhiều quy luật tác động vào một tiến trình tiến hóa tùy theo các giai đoạn, chứ không phải một quy luật. vì vậy chúng ta cần thay đổi theo các giai đoạn và điều kiện đã thay đổi. vận động đổi thay là linh hồn của phép biện chứng.

    Reply

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.