Hãy cảnh giác với những chiêu trò phá hoại bầu cử
Ngày 22 tháng 5 năm 2016, nhân dân cả nước ta sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Sự kiện quan trọng này diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nhân cơ hội này, một số người đã viết bài tuyên truyền, chống phá cuộc bầu cử bằng những thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, trong số đó có bài viết trên Bán nguyệt san Tự do ngôn luận ra ngày 1.3.2016 cho rằng: bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp ở Việt Nam làm gì có dân chủ trong bầu cử, ứng cử – đó là cơ chế “Đảng cử – dân bầu”; “dân chủ trình diễn”; “Đảng hóa Quốc hội”… tiến tới quy kết việc bầu cử của chúng ta là dân chủ hình thức; từ đó kêu gọi “tẩy chay” hoặc dùng lá phiếu bầu để thực hiện mưu đồ chính trị đen tối. Họ đưa ra những nhận định sai lệch, hòng gây sự hiểu lầm, hoài nghi, dao động trong đảng viên, cán bộ, nhân dân về bản chất và phương thức tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta.
Tùy thuộc vào chế độ chính trị, lịch sử, văn hóa, kinh tế của quốc gia – dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại mà mỗi quốc gia có cách tổ chức và quy định bầu cử khác nhau, không thể lấy mô hình của nước này áp đặt lên nước khác. Ở Việt Nam, Hiến pháp và Luật Bầu cử Việt Nam quy định: cử tri bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những quy định của pháp luật bầu cử ở Việt Nam thể hiện một cách nhất quán nhận thức về các nguyên tắc bầu cử để đảm bảo ý chí của nhân dân, phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội. Tuyên ngôn nhân quyền mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948 đã nêu rõ: “Ý chí của nhân dân phải là cơ sở của quyền lực Nhà nước. Ý chí này thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương”.
Các thế lực thù địch quy kết rằng ở Việt Nam “Đảng cử, dân bầu”, bầu cử ở Việt Nam chỉ là dân chủ hình thức, hầu hết đại biểu dân cử đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì sao là có dân chủ được? Xin hỏi các vị rằng: trên thế giới này có quốc gia nào không có vận động bầu cử của các đảng phái chính trị? Đối với các nước tư bản, các đảng phái chính trị đóng vai trò rất lớn trong việc giới thiệu ứng cử viên. Việc giới thiệu này đã trở thành một trong những chức năng chính trị lớn nhất của các đảng phái chính trị. Chính vì vậy, bầu cử là cuộc đấu tranh hết sức gay gắt giữa các đảng phái. Ở Mỹ, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thực hiện quyền đề cử của mình bằng cách tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng của mình và đưa các ứng cử viên nhiều triển vọng nhất ra tranh cử Tổng thống. Ngoài việc giới thiệu ứng cử viên do các đảng phái tiến hành, các ứng cử viên tự do cũng có quyền tự ứng cử, các ứng cử viên tự do muốn được ghi tên vào danh sách ứng cử viên chính thức đòi hỏi phải được một số lượng cử tri nhất định ủng hộ và đề cử, đồng thời phải nộp một khoản tiền bảo đảm. Đối với Cộng hòa liên bang Đức, việc giới thiệu ứng cử viên đại biểu Nghị viện là độc quyền của các đảng phái chính trị. Những đảng có từ 5 ghế trở lên trong Nghị viện mới có quyền giới thiệu ứng cử viên nghị sĩ khóa tiếp theo. Những đảng mới được thành lập, muốn được giới thiệu phải đệ trình cơ quan phụ trách bầu cử cấp liên bang những chứng từ có liên quan đến hoạt động của đảng mình như: điều lệ, cương lĩnh, số lượng đảng viên và các cơ quan cấu thành.
Đối với Việt Nam, quyền bầu cử và ứng cử được quy định là những quyền chính trị cơ bản của công dân được thể hiện tại Điều 18 trong Hiến pháp năm 1946 như sau: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”. Quyền bầu cử và ứng cử của công dân tiếp tục được khẳng định trong các bản Hiến pháp năm 1959 (tại Điều 23), Hiến pháp năm 1980 (tại Điều 57), Hiến pháp năm 1992 (tại Điều 54), Hiến pháp năm 2013 (tại Điều 27). Hiến pháp hiện hành của nước ta quy định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND”. Luật Bầu cử số 85/2015/QH13 ở Việt Nam. Điều 2: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của Luật này. Tại Khoản 5 Điều 4 Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp năm 2015 quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp”. Như vậy, Việt Nam không hề có hạn chế quyền ứng cử tự do của công dân nếu họ xét thấy mình đủ đức, đủ tài ra gánh vác công việc chung của đất nước và được nhân dân tín nhiệm.
Ở nước ta, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, có chức năng lập pháp, quyết định những chủ trương, chính sách quan trọng của đất nước về đối nội, đối ngoại và giám sát tối cao hoạt động của bộ máy Nhà nước. Các đại biểu Quốc hội là những người có đức, có tài, được nhân dân tín nhiệm bầu ra; thực sự đại diện cho lợi ích, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tham gia các hoạt động theo sự phân công, bảo đảm cho Quốc hội thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta từ trước tới nay đều được tiến hành một cách dân chủ, công khai; mọi công dân có quyền ứng cử và bầu cử theo luật định; bảo đảm theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Thực tế đã chứng minh, từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, quyền làm chủ của nhân dân trong bầu cử đại biểu Quốc hội luôn được bảo đảm và ngày càng được phát huy đầy đủ hơn, thực chất hơn. Ngay từ cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khoá I năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã kêu gọi nhân dân giới thiệu những người có đức, có tài, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, kể cả các nhân sĩ, trí thức có tinh thần phụng sự Tổ quốc và nhân dân, tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc tự ứng cử để gánh vác công việc của quốc dân giao phó. Từ Quốc hội khoá II, Hiến pháp, Luật bầu cử của nước ta ngày càng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, để các tầng lớp nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Qua 13 khóa Quốc hội cho thấy, chất lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội ngày càng cao; tỷ lệ cử tri tham gia ngày càng đông; trách nhiệm đối với lá phiếu ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, đại biểu được bầu vào Quốc hội đều là những người có đức, có tài, có tín nhiệm với nhân dân và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Người đại biểu nhân dân… và phần đông đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi những người ưu tú nhất trong các tầng lớp nhân dân đều là đảng viên. Chính vì vậy, các khóa Quốc hội đều đã hoàn thành trọng trách của mình trước lịch sử. Thế mà, một số người lại làm ngơ trước sự thật đó, họ thổi phồng hạn chế, thậm chí dựa vào những khiếm khuyết nhất định của một số đại biểu Quốc hội để quy kết cho chất lượng bầu cử và chất lượng của Quốc hội nước ta. Họ cho rằng: “Quốc hội chưa làm tròn chức trách cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước…; một số nghị sĩ chỉ là cơ cấu để bấm nút bỏ phiếu”. Ở Việt Nam làm gì có dân chủ trong bầu cử, ứng cử – đó là cơ chế “Đảng cử – dân bầu”; “Để lập được một quốc hội có năng lực thì trước hết phải tổ chức bầu cử thật sự dân chủ, kiên quyết bỏ hẳn cách Đảng cử dân bầu. Mặt trận độc quyền giới thiệu. Phải mở rộng đường cho việc ứng cử và vận động. Phải coi trọng việc tranh cử, tổ chức cho các ứng viên đối thoại, tranh luận công khai để cử tri nhận xét. ….”. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn, biểu hiện thái độ định kiến, thiếu khách quan; có những hành động nhắm mắt nói liều, la lối, kêu gọi Việt Nam nhất thiết phải thay đổi mô hình dân chủ theo phương Tây. Họ không thể đánh lừa được nhân dân Việt Nam với chiêu bài dân chủ, nhân quyền hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Chắc chắn không thể đánh lừa được dư luận, nhất là đối với những người có kiến thức và hiểu biết thực sự về dân chủ. Chính vì vậy, mỗi người dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, chúng ta phải tỉnh táo trước các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch để giữ vững niềm tin, hành động đúng đắn.
Như đã thành thông lệ, cứ trước mỗi sự kiện trọng đại của đất nước, các thế lực thù địch và bọn phản động lại sử dụng những lời lẽ, thủ đoạn xảo quyệt thâm độc nhằm chống phá đất nước ta. Ngày 22 tháng 5 tới đây, nhân dân cả nước sẽ lựa chọn những người ưu tú, đại diện cho mình trong các cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương và Trung ương. Đây là mộ sự kiện chính trị quan trọng nên sẽ là cơ hội của bọn phản động thừa cơ để thực hiện những hành động chống phá của chúng. Chính vì vậy, chúng ta phải tỉnh táo trước các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch để giữ vững niềm tin, hành động đúng đắn trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay./.
Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là ngày hội của toàn dân, thể hiện quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân. Nhân dân ta lựa chọn những người ưu tú nhất để đại diện cho mình, góp phần điều hành đất nước, xây dựng nước Việt Nam ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước
Ngày 22 tháng 5 năm 2016, nhân dân cả nước ta sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội (khóa XIV) và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Sự kiện quan trọng này diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta từ trước tới nay đều được tiến hành một cách dân chủ, công khai; mọi công dân có quyền ứng cử và bầu cử theo luật định; bảo đảm theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Thực tế đã chứng minh, từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, quyền làm chủ của nhân dân trong bầu cử đại biểu Quốc hội luôn được bảo đảm và ngày càng được phát huy đầy đủ hơn, thực chất hơn. Vì vậy, mỗi chúng ta phải hết sức cảnh giác với những chiêu trò phản động nhằm chống phá cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch sẽ không bao giờ từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam. Cho nên, nhận biết các chiêu trò, âm mưu chống phá là hết sức quan trọng nhằm lật tẩy, đấu tranh làm thất bại những âm mưu thủ đoạn ấy, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, thể chế hóa mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Có như vậy, mới tạo ra sức đề kháng mạnh mẽ để miễn dịch trước mọi âm mưu chống phá của kẻ thù.